Nhật Bản sẵn sàng cho cuộc gặp Thượng đỉnh với Triều Tiên
VOV.VN - Chính phủ Nhật Bản đang lên kế hoạch cho một cuộc gặp Thượng đỉnh giữa Thủ tướng Shinzo Abe và Nhà lành đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Đây là thông tin được nhiều hãng truyền thông Nhật Bản đưa ra ngày 14/6, trong bối cảnh vai trò của nước này là khá mờ nhạt trong tiến trình hòa giải vừa qua trên Bán đảo Triều Tiên cũng như giữa Mỹ và Triều Tiên, dù điều này cũng có tác động trực tiếp tới an ninh của Nhật Bản.
Chính phủ Nhật Bản đang lên kế hoạch cho một cuộc gặp Thượng đỉnh giữa Thủ tướng Shinzo Abe và Nhà lành đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: Daily Express |
Chính phủ Nhật Bản muốn đề cập trực tiếp với Triều Tiên vấn đề công dân Nhật Bản được cho là bị bắt cóc tại Triều Tiên trong những năm 1970-1980, chủ đề mà nước này luôn coi là một ưu tiên hàng đầu. Như một sự chuẩn bị cho cuộc gặp Thượng đỉnh với Triều Tiên, Thủ tướng Shinzo Abe ngày 14/6 có cuộc gặp với gia đình của những người bị bắt cóc, với cam kết sẽ giải quyết vấn đề này.
Theo Nhật Báo Yomiuri, các quan chức Nhật Bản đã đưa ra nhiều kịch bản, trong đó có khả năng Thủ tướng Shinzo Abe thăm Bình Nhưỡng vào tháng 8, hay giả thuyết một cuộc gặp bên lề Diễn dàn kinh tế vào tháng 9 tới tại vùng Viễn Đông của Nga.
Nhiều hãng truyền thông của Nhật Bản ngày 14/6 cho biết, tại cuộc gặp lịch sử với Tổng thống Mỹ Donald Trump ở Singapore ngày 12/6 vừa qua, Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã bày tỏ sự sẵn sàng cho một cuộc gặp với Thủ tướng Shinzo Abe.
Về phần mình, ông Abe cũng từng công khai nói rằng, ông mong muốn một cuộc gặp trực tiếp với Triều Tiên nhằm giải quyết vấn đề công dân bị bắt cóc. Trong khi đó, các quan chức Bộ Ngoại giao Nhật Bản dường như cũng đã lên tinh thần cho khả năng một cuộc gặp với các quan chức Triều Tiên, có thể là trong tuần này nhân dịp diễn ra một hội nghị về an ninh tại Mông Cổ.
Thủ tướng Nhật Bản Abe sẽ gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un
Tại cuộc họp báo thường kỳ diễn ra ngày 14/6 ở thủ đô Tokyo, Người phát ngôn Chính phủ Nhật Bản Yoshihide Suga dù từ chối xác nhận thông tin, song cũng không bác bỏ. Theo ông, vào thời điểm hiện nay, chưa có vấn đề gì được quyết định. Nếu một hội nghị Thượng đỉnh giữa Nhật Bản và Triều Tiên diễn ra, thì điều “tối quan trọng” là phải góp phần vào một giải pháp cho các vấn đề về chương trình hạt nhân, tên lửa của Triều Tiên và hơn hết là vấn đề công dân Nhật Bản bị bắt cóc, vốn là nguyên nhân chính gây căng thẳng trong quan hệ hai nước.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 12/6 vừa qua cho biết đã đề cập vấn đề với Nhà lãnh đạo Triều Tiên. Tuy nhiên, cũng giống như vấn đề các tên lửa của Triều Tiên có thể tấn công lãnh thổ Nhật Bản, điều này không được nhắc tới trong văn kiện mà hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên ký kết tại Singapore. Đây có lẽ là điều khiến Nhật Bản thất vọng nhất, bởi trước khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh này, Chính phủ Nhật Bản đã có một loạt các hoạt động ngoại giao tích cực nhằm nhắc Mỹ hãy nhớ tới những mối quan tâm của mình. Bản thân Thủ tướng Shinzo Abe hôm 7/6 đã tranh thủ ghé qua Washington và gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump, trước khi sang Canada dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 7 nền công nghiệp phát triển hàng đầu (G7).
Trong phản ứng đầu tiên sau Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều, cùng với việc hoan nghênh sự kiện, Thủ tướng Shinzo Abe đồng thời nêu rõ: “Tôi hoan nghênh Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều, xem đây như một bước tiến hướng tới một giải pháp toàn diện cho các vấn đề liên quan tới Triều Tiên, với cam kết của Nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên. Tôi muốn cảm ơn Tổng thống Donald Trump vì đã nêu ra vấn đề công dân Nhật Bản bị bắt cóc, song tất nhiên liên quan vấn đề này, tôi đã quyết định rằng, Nhật Bản phải thảo luận trực tiếp với Triều Tiên và giải quyết vấn đề giữa hai nước”.
Ngay trong chính giới Nhật Bản, các ý kiến cũng cho rằng, cuộc gặp Thượng đỉnh giữa Mỹ và Triều Tiên trước tiên là một vấn đề song phương, và việc ông Donald Trump bỏ qua quyền lợi của đồng minh cũng điều dễ hiểu. Tuy nhiên, điều này mặt khác cũng cho thấy, Nhật Bản thay vì trông chờ vào nước khác thì tốt hơn hết là nên dựa vào chính mình. Và vì thế, trong bối cảnh những diễn biến tích cực vừa qua trên Bán đảo Triều Tiên, thì Nhật Bản cũng không thể tiếp tục đóng vai trò “khán giả”. Bởi vậy, sau Hội nghị Thượng đỉnh lịch sử Mỹ-Triều, thì một cuộc gặp giữa Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un là hoàn toàn có thể.
Cuộc gặp Thượng đỉnh gần đây nhất giữa Nhật Bản và Triều Tiên là vào năm 2004 tại Bình Nhưỡng giữa Thủ tướng Nhật Bản khi đó là ông Junichiro Koizumi và cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il, cha của Nhà lãnh đạo Kim Jong-un hiện nay./.
Thủ tướng Abe cảm ơn ông Donald Trump sau thượng đỉnh Mỹ-Triều