Những chuyện chưa kể về “Tư lệnh” Huỳnh Ngọc Ấn

VOV.VN - Chẳng hiểu sao ông luôn luôn tạo ra sức ép cho mọi người và cho chính ông. Công việc, công việc và công việc...

Trong suốt mấy chục năm làm việc dưới quyền Huỳnh Ngọc Ấn, hình ảnh đọng lại trong tôi là một vị "tư lệnh" Kỹ thuật phát thanh nghiêm khắc với những mệnh lệnh, chỉ thị ngắn gọn, dứt khoát và đúng lúc. Âu cũng là duyên số, hầu như suốt cuộc đời làm kỹ sư ở Đài TNVN, tôi gắn bó với vị tư lệnh này. Ở đâu khó khăn là ông lại "lôi" tôi đi. Con người tôi được như bây giờ có lẽ cũng ảnh hưởng từ ông.
Ông Huỳnh Ngọc Ấn (thứ 5 từ trái sang) cùng các cán bộ Trung tâm Kỹ thuật phát thành, Đài TNVN
Năm 1978, sau khi vừa kết thúc công tác ở biên giới, Huỳnh Ngọc Ấn lên danh sách cán bộ đi Campuchia. Cho đến bây giờ, khi đã về già, tôi cũng vẫn chưa hiểu lúc đó sao ông lại chọn tôi, một kỹ sư mới ra trường được 2 năm, mặt "búng ra sữa", lại đang làm ở phòng nghiên cứu kỹ thuật, chẳng có thực tế gì ở chiến trường. Còn ông, với cương vị Quyền Cục phó Cục Kỹ thuật phát thanh lúc đó, chỗ nào khó nhất, hẻo lánh nhất, nguy hiểm nhất đều có mặt ông. Càng khó, ông càng toả sáng.

Dưới quyền ông, chúng tôi thường nhận những mệnh lệnh tưởng chừng không thể làm nổi. Lần ấy, chúng tôi bay C130 vào Nam để xây dựng Đài phát thanh cho Campuchia tại một địa điểm bí mật. Tất cả vật liệu làm phòng thu đều được mang theo từ Hà Nội. Ông ra lệnh 3 ngày phải cải tạo xong phòng ở thành phòng thu, trong khi chúng tôi không phải thợ xây dựng hay thợ mộc.

Có lần ông nặng lời với một đồng nghiệp, thế là tôi tự ái, cáo ốm nghỉ việc. Ông lại đến hỏi han, động viên... để tôi tiếp tục đi làm. Ông là thế, giám sát, thúc giục từng li từng tí và chính ông cũng lăn xả vào công việc. Chẳng hiểu sao ông luôn luôn tạo ra sức ép cho mọi người và cho chính ông. Công việc, công việc và công việc...

Ông Huỳnh Ngọc Ấn thăm lại Đài phát sóng phát thanh VN2

Khi đến Phnompenh, chúng tôi được phát đủ quân trang, quân dụng như bộ đội. Riêng Huỳnh Ngọc Ấn với bộ quần áo lính, súng ngắn đeo hông thì trông ông giống như ông tướng tư lệnh trên chiến trường. Có lần, chúng tôi mắc phải một lỗi, một tội to thì đúng hơn. Đó là sau khi khôi phục xong Đài phát sóng của nước bạn, chúng tôi tiếp âm tín hiệu phát thanh Campuchia từ địa điểm bí mật vừa xây dựng.

Cài tần số của máy thu chuyên dụng để thu chương trình chuyển xuống đài phát sóng, cả lũ yên tâm xuống nhà ăn vì đã 9 giờ tối. Khoảng một tiếng sau bỗng có tiếng còi xe Uoat của Huỳnh Ngọc Ấn. Vẻ mặt ông cực kỳ nghiêm trọng. Vẫn súng ngắn bên hông, ông quát: "Đứa nào trực? Các ông đang tiếp đài địch hả?". Thì ra máy thu bị chạy tần số. Tín hiệu truyền đi toàn những tiếng xì xồ lạ hoắc. Ông ở dưới đài phát sóng cách đấy 20 km gọi điện thoại phòng máy không được. Di động thời kỳ đó chưa có.

Ông đã phóng xe trên cung đường 20 km trong giờ thiết quân luật, thật nguy hiểm! Câu nói khét tiếng của ông lúc đó mà ai cũng ghê: "Tôi bắn bỏ!". Mặc dù biết là ông không bao giờ làm thế nhưng ai cũng sợ và im thin thít. Giải quyết xong sự cố, ông lên xe về thẳng đài phát sóng trong đêm khuya.

Đã có người nói Huỳnh Ngọc Ấn là "phát xít", là cực đoan... nhưng hoàn toàn ngược lại, ông là người rất tình cảm và có trách nhiệm. Ông chăm lo cuộc sống cho "lính" của ông từng li từng tí. Hồi ông còn là Giám đốc Đài Phát sóng phát thanh CK2, khu tập thể ở ngay trong Đài, ngoài công việc phát sóng hàng ngày, ông chăm lo cho từng gia đình, cho từng cá nhân. Sự chỉn chu trong cuộc sống của ông đã tạo ra một nếp sống lành mạnh, đoàn kết, thương yêu lẫn nhau trong khu tập thể. Ai ốm đau, con cái học hành ra sao, thậm chí dựng vợ, gả chồng cũng một tay ông lo toan.

Ở chiến trường, Huỳnh Ngọc Ấn là tư lệnh cũng dễ hiểu, nhưng ngay trong thời bình,  điều kiện sống đã khấm khá lắm rồi, ông vẫn thế, vẫn ra lệnh, vẫn chỉ thị, vẫn thúc giục, vẫn muốn đốt cháy giai đoạn, muốn phải hoàn thành công việc với bất cứ giá nào.

Ông Huỳnh Ngọc Ấn - nguyên Phó Tổng Giám đốc Đài TNVN

Với ý tưởng phải phủ sóng mạnh TNVN trên toàn bộ đồng bằng Nam Bộ, Bắc Bộ và chương trình đối ngoại TNVN khu vực ASEAN và châu Á, trên cương vị Phó Tổng giám đốc Đài TNVN, Huỳnh Ngọc Ấn đã chủ trì xây dựng đề án Đài phát sóng phát thanh trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Sau đó, ông lại làm Tổng chỉ huy xây dựng Đài phát sóng phát thanh VN2 và VN3. Là công trình trọng điểm cấp quốc gia, tôi lại được theo ông. Vất vả, căng thẳng chạy đua với thời gian và thời tiết, chỉ có Huỳnh Ngọc Ấn mới làm được! Các đối tác trong nước và ngoài nước phải "vắt chân lên cổ" mới theo được ông. Không thể tưởng tượng con người có vóc dáng nhỏ bé như thế mà lại có thể giải quyết một khối lượng công việc đồ sộ như vậy.

Mỗi lần xuống công trường toàn sình lầy của vùng Đồng Tháp Mười, Huỳnh Ngọc Ấn đi trước, nhà thầu xây dựng đi sau với những tập hồ sơ nặng chịch. Ông gạch chéo sửa, bỏ, thêm vào bản thiết kế và ký ngay xuống dưới. Mọi người chỉ biết thực hiện, không thắc mắc, nhiều khi chỉ biết nhìn nhau và lắc đầu. Rồi công việc đâu cũng vào đó.

Giai đoạn lắp đặt thiết bị, công trình gồm nhiều chuyên gia của Mỹ ở các hạng mục khác nhau, ông cũng giám sát, thúc giục họ. Thấy một chuyên gia máy phát cứ đi đi lại lại trước mặt ông trong phòng máy mà không làm gì, ông tỏ ra sốt ruột, khó chịu. Ông giục tôi ra hỏi chuyên gia đó là sao cứ đi đi lại lại lâu thế, mất thời gian quá (?). Tôi giải thích "chuyên gia cũng có những lúc bí chứ, anh cứ để từ từ cho ông ấy nghĩ",  và kiếm cớ "chuồn" để khỏi phải phiên dịch những "sự sốt ruột" của ông. Huỳnh Ngọc Ấn là thế!

Có hôm trời miền Tây nắng như đổ lửa, tôi thấy xe ông chuyển đồ đạc từ Cần Thơ xuống công trường và đòi sắp xếp cho ông một cái giường để cùng ở với anh em. Tôi vừa cảm phục, vừa thương, vừa bực với ông: "Anh ở công trường thế nào được. Một người lo bằng kho người làm. Anh cứ về đi!".

Nghe ra, chẳng nói chẳng rằng, ông lại "khăn gói quả mướp" trở về chỗ cũ. Một lần tôi ngồi ăn với các lãnh đạo của nhà thầu là công ty Harris (Mỹ). Một người hỏi đồng nghiệp của họ: "Đố biết ông Ấn tên tiếng Anh là gì?" rồi tự trả lời một cách hài hước: "là Push", nghĩa là Đẩy, là Thúc. Về tôi kể lại với ông. Ông cáu: "Bọn Mỹ chẳng hiểu gì cả. Quê Quảng Ngãi của mình có núi Ấn. Các cụ đặt tên Ngọc Ấn là chiện ngọc của vua!”.

Còn nhớ một lần đột ngột ông gọi tôi qua 58 Quán Sứ, giọng rất lạ. Vào phòng làm việc, tôi sững người thấy mắt ông đỏ hoe. Gần ông nhiều và chưa bao giờ thấy ông thế này... Ông kể lại cho tôi nghe một câu chuyện khiến ông cảm thấy không còn được tin tưởng và tôn trọng trong công việc. Tôi chẳng biết nói gì, chỉ thấy thương ông. Thì ra một con người mạnh mẽ mà vẫn có những điểm yếu mềm. Có lẽ cái thẳng tuột, nguyên tắc đến sắt đá của ông đã có chút lạc điệu…

Nếu là nhà điêu khắc, tôi sẽ tạc tượng Huỳnh Ngọc Ấn. Đó là bức tượng của một người nhỏ, gầy, tóc bạc trắng, đôi mắt trong, nhìn thẳng, kiên định, nhưng có một chút ướt át, hiền từ, khóe miệng nghiêm nghị để nói giọng xứ Quảng ngay thẳng chân thành. Bức tượng ấy sẽ được đặt ở một vị trí trang trọng trong nhà truyền thống của Đài TNVN./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên