Trồng xen dược liệu hướng đi hiệu quả cho hàng ngàn ha cao su tái canh
VOV.VN - Gia Lai phát triển mô hình trồng dược liệu trong vườn cao su, mở ra hướng đi nhằm sử dụng hiệu quả hàng ngàn ha cao su tái canh.
Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Quang Minh, là đơn vị tiên phong trong việc trồng dược liệu trong vườn cao su mới tái canh. 30 ha dược liệu của hợp tác xã trồng tại xã Ia Hlốp và Ia Dreng (huyện Chư Sê), mới bước sang năm năm thứ 2, hiện đã có 7 ha được thu hoạch với doanh thu 5 tỷ đồng, chủ yếu từ diện tích đương quy và cà gai leo.
Ông Nguyễn Đình Trọng, thành viên hợp tác xã cho biết, vụ tới, hơn chục ha đinh lăng và hà thủ ô đỏ sẽ cho thu hoạch, đảm bảo để hợp tác xã có doanh thu liên tục.
“Mỗi cây trồng trong một thời gian nhất định. Ví dụ như hà thủ ô đỏ phải mất 3 năm mới thu được, đinh lăng mất từ hơn 1 năm đến gần 2 năm. Nếu trồng toàn bộ hà thủ ô thì kinh phí rất lớn nên chúng tôi phải trồng thêm một số cây ngắn ngày khác như cà gai leo, chưa đầy 1 năm là thu hoạch được. Như vậy sẽ quay vòng vốn rất nhanh. Chỉ cần nguồn nước, đất tốt và được đầu tư bài bản thì nguồn thu từ dược liệu rất khả quan”, ông Trọng nói.
Hà thủ ô đỏ được trồng xen trong vườn cao su |
Thực tế, tại những vườn dược liệu trồng xen cao su cho thấy, cả cây trồng chính và cây trồng xen đều phát triển rất tốt, nhờ nguồn nước và phân bón hữu cơ. Anh Vũ Minh Chiến, công nhân làm việc tại hợp tác xã cho biết, so với trồng xen cây sắn, cây nghệ hoặc cây khoai lang, thì cao su ở vườn dược liệu xanh tốt hơn, nhờ được xử lý rất kỹ từ khâu làm đất tới quá trình chăm sóc.
“Phải kiểm tra hàng ngày. Giai đoạn cây con phải tưới nước 2 lần/1 ngày, đảm bảo đất cát cho cây sống. Về đất, chúng tôi dùng vôi bột, một số thuốc diệt khuẩn, trị nấm. Phải xử lý đất trước, đất sạch, để sau này cây bớt bệnh. Tỉ mẩn nhất là giai đoạn ban đầu khi làm giống”, anh Vũ Minh Chiến cho hay.
Sau hai năm trồng dược liệu trên đất cao su tái canh chưa phủ tán, hợp tác xã Quang Minh đã có quy trình chăm sóc phù hợp, kiểm định được chất lượng sản phẩm và mạnh dạn đầu tư hệ thống sơ chế, ký kết hợp đồng cung cấp dược liệu cho các doanh nghiệp dược phẩm trong nước.
Ông Đào Hùng Sơn, giám đốc Hợp tác xã Quang Minh cho biết: “Chúng tôi xây dựng nhà máy sơ chế để bảo quản sản phẩm được lâu hơn, khi bán không bị phụ thuộc. Lúc thu hoạch mà giá cả chưa đạt thì phải bảo quản. Vào mùa mưa, khi không phơi được thì sấy để chất lượng sản phẩm được đảm bảo”.
Một số doanh nghiệp dược phẩm lớn đã đặt hàng từ diện tích dược liệu trồng xen trong vườn cao su tại Gia Lai |
Với những hiệu quả đã nhìn thấy, mới đây, UBND huyện Chư Sê đề nghị hợp tác xã Quang Minh liên kết với nông dân xây dựng vùng dược liệu tại địa phương. Theo đó, hợp tác xã sẽ đảm nhận vai trò bà đỡ hướng dẫn kỹ thuật, cung cấp giống chất lượng và đảm bảo đầu ra cho dược liệu của nông dân. Trong năm nay, địa phương trích ngân sách hỗ trợ 40% chi phí cây giống cho các hộ tiên phong đăng ký tham gia mô hình trồng dược liệu. Hộ tham gia mô hình phải đảm bảo các điều kiện về đất đai, vốn đối ứng và kiến thức trồng trọt cơ bản.
“Địa bàn huyện Chư Sê hiện có diện tích dược liệu đứng đầu tỉnh. Riêng hợp tác xã nông nghiệp Quang Minh có hơn 30 ha, người dân và một số doanh nghiệp khác trồng đinh lăng trên tổng diện tích hơn 50 ha. Mong muốn của huyện là phát triển diện tích dược liệu lên trên 1000 ha. Chúng tôi mời hợp tác xã Quang Minh làm bà đỡ cho nông dân. Một là doanh nghiệp địa phương chúng ta tin tưởng, hai là doanh nghiệp đó bỏ ra nhiều tiền hơn người dân và chính quyền địa phương, họ làm thực sự như vậy mới đảm bảo đầu ra”, ông Đào Hùng Sơn chia sẻ.
Tỉnh Gia Lai có hàng nghìn ha cao su bước vào thời kỳ tái canh. Làm gì để có thu nhập trong thời kỳ cao su chưa cho thu hoạch là câu hỏi lớn. Sắn, khoai lang, nghệ, là những cây trồng phổ biến được nông dân lựa chọn để trồng xen cao su, nhưng cho hiệu quả kinh tế rất thấp và gây ảnh hưởng tới sự sinh trưởng bình thường của cây trồng chính. Mô hình phát triển dược liệu xen cao su tái canh chưa khép tán như của hợp tác xã Quang Minh tại huyện Chư Sê cho thấy, vẫn có những cách làm làm phù hợp, cho hiệu quả cao trên diện tích này/.
Cây dược liệu giúp người Dao ở Quảng Ninh xóa đói giảm nghèo