Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: EVN cần đầu tư nhiều hơn về nguồn điện
VOV.VN -Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo ngành điện lực cần tập trung rất nhiều bứt phá, trong đó có việc đầu tư nhiều hơn về nguồn điện.
Tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa diễn ra ngày 3/1, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của EVN trong việc thực hiện đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội và người dân.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: VGP/Nhật Bắc) |
Cụ thể, EVN đã đảm bảo nhu cầu điện tăng hơn 2,4 tỷ kWh so với kế hoạch và đáp ứng sản lượng điện thương phẩm tăng 10,47% so với năm 2017, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế GDP đạt 7,08%. Đồng thời, EVN đã làm tốt các nhiệm vụ chính trị - xã hội, tính đến cuối năm 2018, 100% số xã trên cả nước đã có điện và số hộ dân được sử dụng điện đạt 99,37%, trong đó số hộ dân nông thôn có điện đạt 99,05%.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh đến nhiều thách thức của ngành điện, trong đó, thách thức lớn nhất là nguy cơ thiếu điện trong bối cảnh phải đảm bảo đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt.
Theo Phó Thủ tướng, hiện tại, công suất điện của hệ thống khoảng 48.000MW, đến năm 2025, nhu cầu cần khoảng 90.000MW và năm 2030 là 130.000MW, thậm chí nhu cầu có thể tăng cao hơn, trong khi thủy điện cơ bản đã khai thác hết (hiện nay đã khai thác 25.000MW, chỉ còn khoảng 2-3.000MW).
Đến năm 2030, nguồn thủy điện chỉ còn chiếm khoảng 13-15% công suất hệ thống. Trong khi đó, nhiệt điện than cũng không ít thách thức về vấn đề môi trường, nhiệt điện khí khó khăn về nguồn cung... Nhưng vấn đề quan trọng là việc triển khai thực hiện các dự án nguồn và lưới điện đang hết sức khó khăn, chậm tiến độ, ảnh hưởng đến việc cung cấp điện cũng như ảnh hưởng tới trần nợ công của Việt Nam.
Để thực hiện đảm bảo điện cho đất nước trong năm 2019 với nhu cầu điện tăng trưởng khoảng 9,9%, đồng thời đáp ứng nhu cầu điện ngày càng tăng cao trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu EVN thực hiện tốt các nhiệm vụ ngay từ đầu năm.
“Ngành điện lực phải tập trung rất nhiều bứt phá, trong đó có bứt phá rất quan trọng, làm thế nào để đầu tư nhiều hơn về nguồn điện và đồng bộ với hệ thống truyền tải để đảm bảo đủ điện cho sản xuất và đời sống của nhân dân. Tôi cho rằng, đây là bứt phá lớn nhất của năm 2019. Hiện nay chúng ta đang rất khó khăn trong việc thực hiện các dự án cho nên vấn đề này phải tập trung, bứt phá về phát triển nguồn điện”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.
Báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho thấy, năm 2018, sản lượng điện sản xuất và mua đạt 212,9 tỷ kWh vượt kế hoạch 2,4 tỷ kWh và tăng 10,36% so với năm 2017.
Trong đó, điện thương phẩm đạt 192,93 tỷ kWh, tăng 10,47% so với năm 2017 (cao hơn 1% so với chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao). Sản lượng điện truyền tải đạt 184,2 tỷ kWh, tăng 10,88% so với 2017, đảm bảo truyền tải điện từ miền Bắc, miền Trung cấp cho miền Nam 20,8 tỷ kWh (tương đương 20% nhu cầu điện miền Nam).
Tính đến cuối năm 2018, số xã có điện trên cả nước đạt 100% và số hộ dân được sử dụng điện đạt 99,37%, số hộ dân nông thôn có điện đạt 99,05%.
Cũng trong năm 2018, có 90 nhà máy điện với tổng công suất 23.054MW (chiếm 52,6% tổng công suất toàn hệ thống) trực tiếp tham gia thị trường điện. Công tác triển khai thị trường bán buôn đã thực hiện theo đúng chỉ đạo của Bộ Công Thương. Kể từ 01/01/2019 chính thức vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh.
Năm 2019, EVN lấy chủ đề “Nâng cao hiệu quả vận hành hệ thống điện và thị trường điện” với mục tiêu đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục, ổn định, chất lượng điện năng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Vận hành tối ưu nguồn điện, lưới điện truyền tải và phân phối, thị trường điện nhằm đảm bảo sản xuất kinh doanh có lợi nhuận.
EVN dự kiến sản lượng điện sản xuất và mua khoảng 232,5 tỷ kWh, tăng 9,2% so với năm 2018 và sẵn sàng chuẩn bị đáp ứng cho khả năng nhu cầu điện tăng cao hơn. Sản lượng điện thương phẩm khoảng 211,95 tỷ kWh tăng 9,9% so với năm 2018.
Cùng với việc đảm bảo đủ điện cho nền kinh tế, EVN đặt mục tiêu nâng cao chất lượng điện gắn với giảm tỷ lệ tổn thất điện năng xuống mức 6,5% (giảm 0,2% so với năm 2018), phấn đấu đưa Chỉ số tiếp cận điện năng trong bảng xếp hạng của Ngân hàng thế giới (WB) ít nhất từ 24/190 quốc gia, nền kinh tế trên thế giới và duy trì vị trí trong ASEAN 4./.
EVNSPC: Sản lượng điện tiết kiệm 8 tháng tăng 10,3%