Viện Kiểm sát: Đủ căn cứ xác định cựu Chủ tịch PVTEX nhận hối lộ
VOV.VN - Luật sư cho rằng cơ quan tố tụng đề nghị mức án nghiêm khắc với bị cáo nhưng Viện Kiểm sát đáp mức án đề nghị là có cơ sở, đã xem xét cho các bị cáo.
Sáng 31/8, sau 3 ngày xét xử, TAND TP Hà Nội sẽ tuyên án với nhóm bị cáo trong vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Nhận hối lộ xảy ra tại PVTEX.
Các bị cáo gồm: Trần Trung Chí Hiếu (55 tuổi, cựu Chủ tịch HĐQT PVTEX), Đào Ngọ Hoàng (40 tuổi, cựu Trưởng phòng thương mại hợp đồng PVTEX), Vũ Phương Nam (39 tuổi, cựu Kế toán trưởng PVTEX), Đỗ Văn Hồng (51 tuổi, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và xây lắp dầu khí Kinh Bắc - PVC.KBC).
Đủ căn cứ xác định cựu Chủ tịch PVTEX nhận hối lộ
Trước đó, trong phần tranh luận tại phiên tòa ngày 30/8, Đại diện Viện Kiểm sát cho rằng, về vấn đề chỉ định thầu, thay đổi thiết kế, qua giám định đã thấy những sai phạm, trách nhiệm thuộc về cựu Chủ tịch HĐQT PVTEX - Trần Trung Chí Hiếu và các đồng phạm.
Tuy vậy, ở trường hợp này cơ quan điều tra vẫn chưa xác định được mức độ thiệt hại trong việc lựa chọn nhà thầu và thay đổi thiết kế nên Viện Kiểm sát chỉ truy tố hành vi cố ý làm trái trong việc tạm ứng 20 tỷ đồng của các bị cáo.
Đại diện Viện Kiểm sát tại tòa sơ thẩm. |
Việc PVTEX cấp tạm ứng 20 tỷ đồng là trái với quy định pháp luật. Đại diện Viện Kiểm sát nêu rõ, căn cứ vào kết quả giám định từ Bộ Tài chính, cơ quan tố tụng xác định số tiền thiệt hại là hơn 19 tỷ đồng.
Hành vi của bị cáo Hiếu là trái pháp luật khi tại thời điểm đó bị cáo đã đồng ý việc tạm ứng, ký quyết định số 13, chỉ đạo cấp dưới để cho phép nhà thầu tạm ứng tiền.
Với bị cáo Hoàng và Nam tại tòa đã khai nhận việc tạm ứng trên là trái quy định. Cơ quan tố tụng xác định, các bị cáo biết sai nhưng vẫn làm là cố ý làm trái quy định. Việc tạm ứng trên là vượt mức cho phép với hợp đồng 14.
Liên quan đến tội Nhận hối lộ, việc các luật sư thừa nhận Hồng có khai đưa tiền và hai người đứng tên dù không góp vốn, Viện Kiểm sát thấy bị cáo không góp 3 tỷ đồng nhưng vẫn nhận tiền khi thoái vốn và được người thân đưa cho. Bị cáo Hiếu biết được sẽ có 10% khi PVTEX Kinh Bắc thành lập.
Điều đó thể hiện là tại cơ quan điều tra, bị cáo có nhiều lời khai, trước khi trình văn bản lên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) thành lập PVTEX Kinh Bắc, Vũ Đình Duy (đang bị truy nã) có nói về việc bị cáo Hồng có 70%, PVTEX 10%, Duy và Hiếu mỗi người có 10%.
Dù bị cáo không góp vốn nhưng Duy đã nói sẽ lo việc đó. Bị cáo không phải bỏ ra 10% nhưng lại có số cổ phần này. Ngày 2/8/2010, người được bị cáo nhờ đứng tên đã ký vào văn bản thành lập, góp cổ phần. Nguồn gốc số tiền 3 tỷ đồng là của gia đình bị cáo Hồng.
Đại diện Viện Kiểm sát đặt vấn đề là tại sao Hồng phải nộp số tiền trên thì bị cáo đã khai báo là do thấy tiềm năng của PVTEX Kinh Bắc nên đã đồng ý đóng cho Duy và Hiếu mỗi người 10%, tương đương 6 tỷ đồng. Bị cáo Hồng phải đóng số tiền này vì Duy là Tổng giám đốc, còn Hiếu là Chủ tịch HĐQT ở thời điểm đó. Cả hai người này có chức vụ ở PVTEX và liên quan đến việc thành lập PVTEX Kinh Bắc.
Viện Kiểm sát cho rằng, cơ quan tố tụng xác định Hiếu và Duy nhận hối lộ là có cơ sở. Đại diện Viện Kiểm sát lý giải, cốt lõi là ở chỗ Hiếu không góp tiền, song khi thoái vốn thì lại nhận số tiền 3 tỷ đồng. “Bị cáo không trao đổi với Hồng nhưng tiếp nhận ý chí của Duy ngay từ đầu. Vì vậy, Hiếu và Duy nhận hối lộ là đúng".
Luật sư mong tòa xem xét cho bị cáo
Tại phần tranh luận ngày 30/8, luật sư Nguyễn Huy Thiệp (bào chữa cho bị cáo Trần Trung Chí Hiếu) đề nghị HĐXX xem xét cho bị cáo Trần Trung Chí Hiếu tội "Nhận hối lộ".
Luật sư Nguyễn Huy Thiệp tại phiên tòa sơ thẩm. |
Vị luật sư cũng mong HĐXX xem xét đến bối cảnh thời điểm diễn ra vụ việc khiến bị cáo phải đồng ý cho tạm ứng.
Luật sư Thiệp lý giải, thời điểm đó, nhu cầu về chỗ ở cho công nhân đang cần, trong khi đó doanh nghiệp thi công đã hoàn thiện khoảng 80% công trình nên đồng ý ứng tiếp cho ứng trái quy định để họ sớm hoàn thiện.
Luật sư bào chữa cho hành vi của thân chủ mình là "vì lợi ích chung" nên "đề nghị quý Tòa xem xét mức độ sai phạm cho bị cáo để có đánh giá khách quan với tội danh của Hiếu”.
Luật sư Thiệp cũng mong quý Tòa xem xét cho bị cáo tội nhận hối lộ để tránh xảy ra tình trạng oan sai. Bởi theo luật sư, thân chủ của mình thừa nhận việc nhận 3 tỷ đồng khi thoái vốn nhưng thời điểm đó bị cáo cho rằng đó là tiền của Duy. Tại tòa, bị cáo Hiếu cũng mong quý Tòa xem xét cho bị cáo tội nhận hối lộ vì bị cáo không có ý định nhận hối lộ.
Hai luật sư Nguyễn Xuân Anh, Vũ Xuân Nam (bào chữa cho Đào Ngọ Hoàng) cho rằng, bị cáo Hoàng ký tờ trình số 12 không nằm ngoài quy chế làm việc của PVTEX, vì đây là phòng chuyên môn, tham mưu giúp việc cho Tổng giám đốc… Kết luận điều tra, cáo trạng thể hiện Duy đã đồng ý tạm ứng 20 tỷ cho nhà thầu và đề nghị Hoàng làm thủ tục. Từ căn cứ trên, hai người bào chữa cho Đào Ngọc Hoàng lập luận, việc ký và ban hành tờ trình của Hoàng là làm theo chỉ đạo của lãnh đạo mà trực tiếp là Duy. Hoàng không tham gia vào quá trình xây dựng.
Về việc tạm ứng 20 tỷ đồng, Hoàng dựa vào biên bản ghi nhớ báo cáo tiến độ thi công và đề xuất tạm ứng của nhà thầu để làm căn cứ. Vị luật sư bào chữa cho Hoàng dẫn nội dung hồ sơ vụ án lý giải, việc tạm ứng 20 tỷ là để nhà thầu tiếp tục dự án và đảm bảo việc hoàn thiện dự án theo kế hoạch.
Luật sư Nguyễn Hồng Luận (bào chữa cho bị cáo Vũ Phương Nam) nêu quan điểm, vai trò của Nam trong vụ án này mờ nhạt và cho rằng đại diện Viện Kiểm sát đề nghị mức án quá nghiêm khắc.
Vị luật sư mong HĐXX xem xét bối cảnh khi PVTEX đồng ý tạm ứng lần 2. Bị cáo làm đúng trách nhiệm của kế toán trưởng, khi thấy đầy đủ giấy tờ, văn bản thì đã ký./.