Từ vụ Nguyễn Thanh Dũng: Làm gì để trẻ không bị bạo hành, xâm hại?
VOV.VN -Nhiều gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn; cha mẹ ly hôn, ly thân… cũng là nguyên nhân dẫn đến việc trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục.
Vụ việc nghi phạm người Việt Nam là Nguyễn Thành Dũng (SN 1982, quê An Giang), đối tượng trực tiếp tham gia hành hạ một em bé người Campuchia, đã khiến dư luận phẫn nộ trong những ngày qua. Cục cảnh sát Hình sự đã bắt giữ khẩn cấp Nguyễn Thành Dũng vào đêm 7/12 với cáo buộc phạm tội “hành hạ trẻ em” theo điều 110 Bộ luật hình sự.
Lực lượng chức năng cũng đang làm rõ 50 đoạn clip bạo hành trẻ em được lưu giữ trong điện thoại của Dũng, cũng như quá trình phát tán một số đoạn clip trên mạng, gây xôn xao dư luận.
Đối tượng Nguyễn Thanh Dũng tại cơ quan điều tra |
Từ sự việc trên cho thấy, tình trạng bạo hành trẻ em đang diễn ra rất nghiêm trọng với hành vi ngày càng tàn nhẫn. Tại Việt Nam, theo thống kê vẫn còn 1,5 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục, bị bạo lực vẫn có chiều hướng gia tăng, mức độ ngày càng phức tạp, đặc biệt các vụ án xâm hại tình dục trẻ em.
Theo báo cáo của Bộ Công an, hàng năm phát hiện khoảng 1.700 vụ án xâm hại trẻ em (trong đó xâm hại tình dục chiếm khoảng 70%). Số vụ án xâm hại trẻ em tăng hàng năm (năm 2012 tăng 1,4% so với năm 2011; năm 2013 tăng 17% so với năm 2012, năm 2014 tăng 6,4% so với năm 2013).
Bạo hành trẻ em gia tăng do đâu?
Bà Phạm Thị Hải Hà, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ LĐTB&XH) cho biết, Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong việc phê chuẩn Công ước của LHQ về quyền trẻ em.
Tuy nhiên, tình trạng bạo hành trẻ em gia tăng có nguyên nhân từ công tác truyền thông, giáo dục, vận động xã hội về bảo vệ, chăm sóc trẻ em còn chưa hiệu quả, dẫn đến nhận thức của các gia đình, cộng đồng về vấn đề bảo vệ trẻ em chưa đầy đủ và còn bị xem nhẹ; nhận thức về sự nguy hại nhiều mặt và hậu quả lâu dài, nghiêm trọng của các hành vi xâm hại tình dục đối với trẻ em chưa được cảnh báo đúng mức; đa phần những trẻ em bị xâm hại tình dục có tâm lý mặc cảm, tự ti.
Sự thiếu hiểu biết về pháp luật, lối sống ích kỷ, thiếu trách nhiệm của một số gia đình cũng tạo ra sự mất an toàn cho trẻ em ngay trong chính gia đình của mình. Tình trạng nhiều gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn; cha mẹ ly hôn, ly thân; cha mẹ mắc các tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật; năng lực bảo vệ trẻ em của gia đình, cộng đồng còn hạn chế cũng là nguyên nhân dẫn đến việc trẻ em bỏ học, lang thang kiếm sống và bị bạo lực, xâm hại tình dục...
Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật liên quan đến bảo vệ trẻ em vẫn còn khoảng trống như: chưa có thủ tục tố giác riêng để tố giác, tố cáo các trường hợp liên quan đến bạo lực, xâm hại trẻ em; chưa có quy định đặc biệt trong trường hợp nhận tố giác từ trẻ em; pháp luật chưa bắt buộc những người phát hiện, nghi ngờ trẻ em bị bạo lực, xâm hại phải khai báo trừ khi các hành vi đó có yếu tố hình sự…
Hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em cũng chưa đầy đủ và thiếu đồng bộ; chưa đảm bảo các điều kiện và quy trình phát hiện, can thiệp sớm, tư vấn, phục hồi tích cực cho mọi trẻ em và tái hòa nhập cho các nạn nhân là trẻ em bị bạo lực, xâm hại.
Theo bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA), Việt Nam được đánh giá là quốc gia có khung pháp lý bảo vệ quyền phụ nữ và trẻ em tương đối hoàn chỉnh, nhưng công tác thực thi và giám sát thực thi kém hiệu quả đang là rào cản để Việt Nam tiến xa hơn nữa trong nỗ lực giải quyết các vấn đề của phụ nữ và trẻ em.
Bà Nguyễn Vân Anh cho biết, tình trạng trẻ em bị xâm hại gia tăng một phần do do gia đình, nhà trường chưa nhận thức đầy đủ tính nghiêm trọng của vấn đề, cũng như chưa đủ kiến thức, kỹ năng để cùng con bảo vệ an toàn khỏi các hình thức xâm hại, bạo lực. Các vụ việc xảy ra chưa được xử lý nghiêm minh, nhiều vụ hình sự nghiêm trọng nhưng lại được thương lượng dân sự.
Làm gì để bảo vệ trẻ em?
Về giải pháp, các chuyên gia nhấn mạnh cần tăng cường hơn nữa trách nhiệm và năng lực của gia đình, nhà trường, cộng đồng và bản thân trẻ em trong việc chủ động phòng ngừa có hiệu quả các hành vi xâm hại trẻ em. Đặc biệt, cha mẹ không được lơ là, xao nhãng trong việc bảo vệ, chăm sóc con cái mình.
Theo bà Phạm Thị Hải Hải, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em theo hướng quy định cụ thể hơn về trách nhiệm báo cáo những trường hợp nghi ngờ trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục; quy định cụ thể về quy trình và trách nhiệm tiếp nhận, bảo mật thông tin, bảo vệ người tố cáo.
“Chúng ta cũng cần củng cố và phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em như dịch vụ tư vấn, tham vấn gia đình và trẻ em; hình thành các trung tâm công tác xã hội trẻ em, văn phòng tư vấn, điểm tham vấn cộng đồng, trường học, bệnh viện...; dịch vụ bảo vệ trẻ em ngoài môi trường gia đình cũng như dịch vụ hỗ trợ khẩn cấp dành cho trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục. Đồng thời, xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện cho trẻ em” – Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em nhấn mạnh./.