Hòa đàm Syria: Vẫn chưa thống nhất được danh sách đoàn tham dự
VOV.VN - Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định nước này và Nga đã mời Mỹ tham dự đàm phán về Syria, trong khi phía Mỹ cho rằng chưa nhận được lời mời nào.
Còn hơn 1 tuần nữa là diễn ra các cuộc đàm phán về Syria tại thủ đô Astana, Kazakhstan, dưới sự chủ trì của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, song tới nay danh sách các đoàn tham dự vẫn chưa được xác định. Đây là vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm, bởi tranh cãi về danh sách khách mời cũng từng là một trong những nguyên nhân dẫn tới sự đổ vỡ của các cuộc đàm phán trước đó.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu ngày 14/1 khẳng định nước này và Nga đã quyết định mời Mỹ tham dự cuộc đàm phán hòa bình về tình hình Syria dự kiến vào ngày 23/01 tại thủ đô Astana của Kazakhstan.
Một khu phố ở Aleppo, Syria tan hoang vì cuộc khủng hoảng dai dẳng ở đất nước này. (Ảnh: Reuters). |
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Cavusoglu cũng một lần nữa nhắc lại lập trường của nước này rằng sẽ phản đối việc Mỹ mời lực lượng người Kurd tham dự hòa đàm, đồng thời nhấn mạnh, nếu Mỹ muốn mời lực lượng người Kurd thì hãy mời luôn cả nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng.
“Đó sẽ là điều không thể chấp nhận được khi mà một trong 4 đồng minh quan trọng, một trong 4 đối tác chiến lược của chúng tôi lại ủng hộ các nhóm khủng bố. Do đó, các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd sẽ không tham gia cuộc đàm phán ở Astana. Chúng tôi đã cho họ cơ hội để dừng việc ly khai khỏi Syria cũng như dừng tiến hành các hành động khủng bố ở Thổ Nhĩ Kỳ. Chúng tôi đã thấy ý định của họ. Chiến dịch “Lá chắn Euphrates” một lần nữa cho thấy lực lượng này không có ý định chống IS mà muốn chia rẽ Syria”, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ nói.
Lực lượng người Kurd là đồng minh của Mỹ và phương Tây trong cuộc xung đột Syria, song lại bị Thổ Nhĩ Kỳ coi là lực lượng cực đoan. Theo Ngoại trưởng Cavusoglu, Thổ Nhĩ Kỳ không phủ nhận vai trò và sự đóng góp của Mỹ với cuộc đàm phán Syria, song nước này mong chờ chính quyền mới của Mỹ ngừng hợp tác với các nhóm khủng bố. Ông này cũng nhấn mạnh rằng, chính quyền hiện tại của Mỹ đang mắc phải sai lầm nghiêm trọng.
Trên thực tế, vấn đề lực lượng nào là khủng bố và không phải khủng bố tại Syria từ lâu đã là vấn đề gây tranh cãi giữa một bên là phe đối lập, với sự hậu thuẫn của Mỹ và phương Tây với một bên là chính quyền Syria, với sự hậu thuẫn của Nga và Iran.
Các chuyên gia phân tích dự báo, đây sẽ vẫn là vấn đề gây tranh cãi lớn giữa các bên khi lập danh sách đoàn tham dự các cuộc đàm phán tại Astana lần này. Hơn nữa, chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 14/1 lại tuyên bố vẫn chưa nhận được lời mời tham dự cuộc hòa đàm, trong khi chính phủ Nga trước đó tuyên bố đã mời chính quyền sắp nhậm chức của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump.
Có thể thấy, càng tới gần thời điểm diễn ra hòa đàm, vấn đề danh sách các đoàn tham dự càng trở nên phức tạp hơn bao giờ hết. Bởi đàm phán chỉ có thể thành công nếu có sự tham dự của tất cả các bên liên quan cuộc khủng hoảng tại Syria, một trong những cuộc khủng hoảng dai dẳng nhất tại Trung Đông. Chính phủ Nga mới đây cũng thừa nhận, cuộc hòa đàm tại Syria cần phải sự tham dự của nhiều đại diện nhất có thể.
Song có một thực tế không thể phủ nhận là chưa bao giờ trong suốt gần 6 năm qua, Syria lại tiến gần hơn với cơ hội hòa bình như lúc này khi nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của các bên tham chiến. Ủy ban Đàm phán cấp cao, phe đối lập chính tại Syria mới đây đã bày tỏ sự ủng hộ đối với các cuộc hòa đàm do Nga và Thổ Nhĩ Kỳ dàn xếp tại Astana. Lực lượng này hy vọng, cuộc gặp sẽ giúp củng cố thỏa thuận ngừng bắn.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry mới đây cũng khẳng định ủng hộ cuộc hòa đàm giữa các bên xung đột tại Syria theo sáng kiến của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời cho biết, cả Nga, Mỹ và Liên Hợp Quốc đều hy vọng cuộc hòa đàm này sẽ giúp các bên xung đột tại Syria thu hẹp bất đồng và tiến gần hơn đến cuộc hòa đàm tại Geneva (Thụy Sĩ), vào đầu tháng 2 tới.
“Chúng tôi ủng hộ các cuộc hòa đàm tại Astana, với hy vọng sẽ đạt được những bước tiến lớn. Tôi đã có các cuộc thảo luận với đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Syria Staffan de Mistura, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và tất cả đều hy vọng cuộc hòa đàm tại Astana sẽ giúp thu hẹp bất đồng và tiến gần hơn đến cuộc hòa đàm tại Geneva”, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho hay.
Được tổ chức theo sáng kiến của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, các cuộc đàm phán tại Astana được xem là cuộc họp trù bị cho cuộc hòa đàm tại Geneva vào tháng 2 sau đó dưới sự chủ trì của Liên Hợp Quốc. Nếu diễn ra thì đây sẽ là lần đầu tiên đàm phán được tổ chức theo sự dàn xếp của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, mà không có sự can dự của Mỹ./.