Người cung cấp dịch vụ tư vấn bảo hiểm có cần thiết phải có bằng ĐH?
VOV.VN - Nhiều đại biểu cho rằng, quy định về điều kiện đối với cá nhân cung cấp dịch vụ tư vấn bảo hiểm phải có trình độ ĐH hoặc trên ĐH là không cần thiết.
Chiều 20/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ.
Các đại biểu cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ theo trình tự, thủ tục rút gọn, thông qua tại 1 kỳ họp như đề nghị của Chính phủ nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện Hiệp định CPTPP đã được Quốc hội phê chuẩn. Hồ sơ dự án Luật trình Quốc hội bảo đảm yêu cầu theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Quốc hội thảo luận tại tổ về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ. |
Về điều kiện cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm tại Điều 93b, cá nhân phải có trình độ đại học hoặc trên đại học hoặc chứng chỉ đào tạo. Ủy ban Pháp luật cho rằng quy định có bằng trên đại học là không cần thiết; đề nghị chỉnh lý lại tiêu chuẩn văn bằng, chứng chỉ đào tạo cho phù hợp với yêu cầu chuyên môn.
Theo đại biểu Đinh Văn Nhã (đoàn Phú Yên), những cá nhân làm dịch vụ tư vấn bảo hiểm thì hầu hết đã có trình độ tối thiểu là đại học. Ngoài ra, nếu họ có trình độ trên đại học thì rất tốt. Theo đại biểu Đinh Văn Nhã, dịch vụ tư vấn đối với ngành kinh doanh bảo hiểm yêu cầu phải có chứng chỉ. Việc có chứng chỉ là bổ sung để hành nghề. “Theo tôi, không nên có sự phân biệt chênh lệch về trình độ chuyên môn mà cần có sự phù hợp với đa dạng của những người cung cấp” - đại biểu Đinh Văn Nhã nêu ý kiến.
Đồng quan điểm với đại biểu Đinh Văn Nhã, đại biểu Phan Huỳnh Sơn (đoàn An Giang) cho rằng, quy định về điều kiện đối với cá nhân cung cấp dịch vụ tư vấn bảo hiểm phải có trình độ đại học hoặc trên đại học (trình độ chuyên môn cao) hoặc chứng chỉ đào tạo (chỉ có tính chất bồi dưỡng chuyên môn trong một thời gian ngắn) là chưa bảo đảm sự tương xứng về yêu cầu trình độ chuyên môn. Việc quy định có bằng trên đại học là không cần thiết, vì Luật chỉ cần xác định tiêu chuẩn tối thiểu là đủ.
Đại biểu Phan Huỳnh Sơn cũng nêu rõ, nếu quy định cá nhân làm dịch vụ tư vấn bảo hiểm phải có bằng đại học, trên đại học thì một lực lượng hiện nay đang hoạt động tư vấn các loại hình bảo hiểm này sẽ phải xử lý như nào? Bởi hiện nay tại các cơ quan tư vấn bảo hiểm tài chính, nhiều người họ không có bằng ĐH, không có chứng chỉ, họ chỉ cần có kỹ năng là có thể bán được sản phẩm bảo hiểm.
“Nếu thực theo quy định này thì lực lượng này không thể hoạt động được. Nếu hoạt động sẽ vi phạm pháp luật. Tôi đề nghị có thể nghiên cứu khái niệm tư vấn bảo hiểm, Dự thảo luật có thể tách ra là bán sản phẩm bảo hiểm”- đại biểu Phan Huỳnh Sơn nêu rõ.
Theo đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội), đi kèm theo việc cấp chứng chỉ về tư vấn bảo hiểm, phải có một cơ sở đào tạo được phép đào tạo cấp chứng chỉ này. “Nếu quy định bỏ những người đã học đại học hoặc trên đại học về lĩnh vực bảo hiểm mà chỉ để những người có chứng chỉ thì nghĩa là những người đã học đại học hoặc trên đại học có bằng bảo hiểm rồi vẫn phải quay trở lại học chứng chỉ thì mới được tư vấn bảo hiểm. Phải chăng chúng ta buộc người có trình độ cao hơn đi xuống học ở trình độ thấp hơn” - đại biểu Hoàng Văn Cường đặt vấn đề.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại thảo luận ở tổ. |
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, nhân dân rất quan tâm đến quyền lợi của mình khi tham gia bảo hiểm cho nên sửa đổi luật phải tương thích đồng bộ với hệ thống pháp luật trong nước, cũng như phù hợp với thực tiễn trong quản lý kinh doanh bảo hiểm và sở hữu trí tuệ. Theo Chủ tịch Quốc hội, hiện nay nhiều người hiểu nhầm quyền lợi bảo hiểm là do tư vấn viên tư vấn không chính xác. Vì vậy, nội dung sửa đổi cần đúng cam kết quốc tế, đồng thời phải phù hợp với thực tiễn cần quản lý kinh doanh bảo hiểm và sở hữu trí tuệ ở Việt Nam./.
Hôm nay khai mạc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV
Đề xuất sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm