Thủ tướng đắc cử Imran Khan đối mặt với thách thức hậu bầu cử Pakistan
VOV.VN - Do không hội đủ số ghế cần thiết trong Quốc hội, nên đảng PTI của ông Imran Khan sẽ phải đàm phán để thành lập một chính phủ liên minh.
Theo kết quả sơ bộ cuộc tổng tuyển cử Pakistan được Ủy ban bầu cử nước này công bố ngày hôm qua (27/7), đảng Pakistan Tehreek-e-Insaf (PTI) của chính trị gia Imran Khan đã giành chiến thắng.
Chính trị gia Imran Khan. Ảnh: AFP. |
Do không hội đủ số ghế cần thiết trong Quốc hội, nên ông Imran Khan sẽ phải đàm phán để thành lập một chính phủ liên minh, mở đường cho chính trị gia này giữ chức Thủ tướng. Với kết quả được đánh giá là tốt hơn so với mong đợi, nhưng giới quan sát nhận định nhiệm vụ của tân Thủ tướng sẽ đối mặt với không ít thách thức.
Theo thông báo, chỉ còn 11 ghế đang trong quá trình kiểm phiếu, theo đó đảng Pakistan Tehreek-e-Insaf (PTI) của ông Khan đã giành được 114 ghế trong tổng số 272 ghế tại Quốc hội - dẫn đầu với cách biệt rõ rệt và sẽ là đảng lớn nhất trong Quốc hội. Đảng Liên đoàn Hồi giáo Pakistan (PML-N) của cựu Thủ tướng Nawaz Sharif giành được 63 ghế và đảng Nhân dân Pakistan (PPP) được 43 ghế.
Kết quả cho thấy PTI không đạt đủ 137 ghế cần thiết tại Quốc hội để tự thành lập một chính phủ đa số nên sẽ phải liên minh để thành lập chính phủ. Ủy ban bầu cử Pakistan cũng bác bỏ những cáo buộc gian lận đồng thời khẳng định Ủy ban này đã "làm đúng chức trách của mình".
Cuộc tổng tuyển cử Pakistan cuối tuần qua được coi là tối quan trọng đối với quốc gia Nam Á này, nhằm bầu ra một chính phủ mới cho nhiệm kỳ 5 năm với hy vọng mang lại những tiến bộ về kinh tế và ổn định cho quốc gia vốn nhiều bất ổn. Trong chiến dịch tranh cử, ông Imram Khan cam kết sẽ mang lại sự thay đổi cho đất nước như cải thiện hệ thống giáo dục, y tế, việc làm cho người trẻ tuổi- chiếm 64% dân số đất nước, đã trở thành động lực lớn cho kết quả bầu cử của ông.
Mặc dù vậy giới quan sát cũng nhận định, con đường trở thành Thủ tướng cũng như nhiệm vụ sắp tới của ông sẽ đối mặt với không ít thách thức. Trước hết, đó là với việc đảng của ông Imran Khan không giành đủ thế đa số trong Quốc hội sẽ buộc ông phải bắt tay vào một cuộc đối thoại với các đối tác nhỏ hơn để thành lập một chính phủ liên minh.
Các cuộc đối thoại thành lập chính phủ diễn ra khi hàng loạt các đảng nhỏ hôm 27/7 tuyên bố bác bỏ kết quả bầu cử. Mặc dù đảng đối lập chính đã thừa nhận thất bại, song các đảng nhỏ với hàng chục nghìn người ủng hộ cho biết sẽ tiến hành các cuộc biểu tình trên toàn quốc cho đến khi yêu cầu của họ về bầu cử lại được đáp ứng.
Những diễn biến trên chính trường Pakistan sau bầu cử có thể làm trầm trọng hơn những vấn đề kinh tế mà quốc gia Nam Á này đang phải đối mặt với đồng rupee đang giảm mạnh cũng như tìm kiếm các gói cứu trợ của Quĩ Tiền tệ quốc tế (IMF) đối với Pakistan.
Trong khi đó, giải quyết cáo buộc của các quốc gia láng giềng cho rằng Pakistan là nơi trú ẩn của chủ nghĩa khủng bố, cải thiện quan hệ với đồng minh Mỹ trong khi vẫn cân bằng quan hệ với các đối tác kinh tế quan trọng khác trong khu vực như Trung Quốc… được cho là những thách thức ngoại giao trước mắt của chính quyền mới tại Pakistan.
Với quyết tâm mang lại thay đổi lớn cho Pakistan, ngay sau khi tuyên bố giành chiến thắng, chính trị gia Imran Khan đã đưa ra nhiều cam kết và đường hướng cho thời gian sắp tới của mình. Về vấn đề đối ngoại, ông Khan nêu rõ, Pakistan và Ấn Độ nên giải quyết các bất đồng về khu vực tranh chấp Kashmir thông qua đối thoại, bày tỏ mong muốn thiết lập mối quan hệ "cùng có lợi" với Mỹ, cũng như đạt được hòa bình ở Afghanistan.
Ông cũng cam kết đảng Pakistan Tehreek-e-Insaf sẽ lãnh đạo Pakistan theo cách mới:“Đối với vấn đề trong nước, tôi cam kết sẽ quan tâm đến tiền thuế của người dân và giảm tất cả các chi tiêu. Tôi muốn cũng có mối quan hệ hữu ích chung với Mỹ, có thể mang lại lợi ích cho cả hai. Hiện quan hệ hai nước đang là một chiều. Mỹ cho rằng đang hỗ trợ nhiều cho Pakistan trong cuộc chiến chống khủng bố. Tuy nhiên chúng tôi cũng thiệt hại rất nhiều. Chúng tôi muốn có một mối quan hệ cân bằng giữa hai nước”.
Một số nước cũng đã có phản ứng sau kết quả bầu cử tại Pakistan. Trung Quốc hôm 27/7 cho biết, sự thay đổi đối với đảng cầm quyền tại Pakistan sẽ không ảnh hưởng đến mối quan hệ song phương. Mối quan hệ hợp tác đối tác giữa Trung Quốc và Pakistan nằm trong lợi ích chung của cả hai nước và hai bên đều ủng hộ việc xây dựng hàng lang kinh tế Pakistan -Trung Quốc.
Mặc dù vẫn bày tỏ lo ngại về một số báo cáo liên quan đến những vấn đề trong bầu cử tại Pakistan nhưng người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, nước này mong muốn hợp tác với chính phủ mới tại Pakistan và thúc đẩy mục tiêu chung đảm bảo an ninh, ổn định và thịnh vượng tại khu vực Nam Á./.
Huyền thoại cricket Imran Khan đắc cử Thủ tướng Pakistan
Bầu cử Pakistan: Chưa thể có kết quả cuối cùng