Con đường nghĩa tình quân dân

VOV.VN - Nông sản làm ra giờ đã có thể dễ dàng chở về nhà, vật tư nông nghiệp mang vào nương rẫy cũng thuận tiện hơn. 

Thực hiện chủ trương của Bộ Quốc phòng về chung sức xây dựng nông thôn mới, nhiều đơn vị quân đội đóng ở Tây Nguyên đã có những việc làm thiết thực. Tại xã biên giới Sa Loong, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum, mới đây, bà con người Xơ Đăng rất vui mừng khi được bộ đội Công ty 732, Binh đoàn 15 hỗ trợ làm con đường nối từ khu dân cư ra khu sản xuất. Con đường đã mở ra cho bà con cơ hội phát triển kinh tế.

Già làng A Sem dùng xe rù đổ bê tông làm đường

Sáng tinh mơ của ngày cuối tháng 4, hơn 300 người dân ở các làng Giang Lố 1, Giang Lố 2 và Đăk Mốt, xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum đã mang theo cuốc, xẻng, xà beng… để tập trung làm con đường đến khu sản xuất chính của bà con. Nói là đường, nhưng thực chất đây chỉ là một lối mòn do bà con mở ra để tới khu nương rẫy rộng 1.500ha. Già làng A Sem, làng Giang Lố 2 cho biết, mấy chục năm nay bà con phải đi bộ trên con đường đất, củ sắn, hạt ngô, hạt lúa làm rađều phải gùi trên lưng đi mất gần 5km, rất vất vả. Nay được bộ đội Binh đoàn 15 hỗ trợ làm con đường bê tông, già làng A Sem rất xúc động: “Trước đây, đường này bà con đi rất khó khăn. Bà con khổ quá, đi có người té, người bị thương cũng có. Hiện nay, Công ty quan tâm dân làng, mua vật liệu để bà con xây con đường này bà con rất phấn khởi, già rất cảm ơn.” 

Để hỗ trợ bà con ở xã Sa Loong làm con đường bê tông, Công ty 732 đã chuẩn bị sẵn các vật liệu như cát, đá, xi măng, đủ để làm con đường bê tông rộng gần 1m, dài khoảng 3km. Đồng hành cùng bà con, hơn 50 cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên của Công ty, từ Giám đốc tới đội trưởng các đội sản xuất cũng cùng tham gia làm đường với bà con ngay từ sáng sớm. Người phát cỏ, người cuốc đất, người trộn bê tông, người căng dây cước căn đường cho thẳng… mỗi người một việc. Mùa khô Tây Nguyên nắng gay gắt, mồ hôi đẫm hết áo nhưng cả bộ đội lẫn người dân, ai cũng nỗ lực hết mình với quyết tâm thực hiện xong con đường trong một ngày. Khi mặt trời khuất hẳn cũng là lúc con đường bê tông hoàn thành mẻ bê tông cuối cùng, mọi người ai cũng vui mừng.

Trung úy Hoàng Thanh Bình, Đội trưởng đội sản xuất số 10, Công ty 732, Binh đoàn 15, nói: “Bản thân tôi cũng như nhân dân và công nhân địa phương rất phấn khởi, rất vui mừng được sự quan tâm của Đảng ủy, Ban giám đốc Công ty cho đơn vị làm con đường này. Qua đó, khắc phục những khó khăn trong mùa mưa, để bà con đi làm nương làm rẫy cho thuận lợi.”

Với bà con xã Sa Loong, con đường bê tông dù chưa rộng, chưa khang trang bằng những con đường lớn như huyện lộ, tỉnh lộ nhưng như vậy là đủ để mở ra những cơ hội mới cho bà con. Nông sản làm ra giờ đã có thể dễ dàng chở về nhà, vật tư nông nghiệp mang vào nương rẫy cũng thuận tiện hơn.

Anh A Huê, người làng Giang Lố 1, xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum, nói: “Trước đây đi lại khó khăn lắm, làm ra củ sắn, hạt ngô, hạt lúa nhưng không chở ra được. Bây giờ Công ty 732 làm cho con đường rồi, bà con rất phấn khởi, bà con sẽ cố gắng làm ăn để phát triển kinh tế hơn nữa.”

Trung tá Trịnh Hà Tâm, Giám đốc Công ty 732, cho biết, tình quân dân giữa bộ đội Binh đoàn 15 và người dân trên vùng biên giới Ngọc Hồi đã gắn bó suốt mấy chục năm. Những năm gần đây, dù kinh tế khó khăn, giá mủ cao su xuống rất thấp, giá bán thấp hơn giá thành, nhưng cán bộ, chiến sĩ ở các đơn vị của Công ty luôn cố gắng vận động để hỗ trợ bà con ở các làng bằng những việc làm cụ thể, thiết thực như kéo điện, làm đường. Hiện nay, có tới gần 60% trong 1.200 công nhân cao su của đơn vị là đồng bào dân tộc thiểu số địa phương, có cuộc sống ổn định với mức lương trên 5triệu đồng/người/tháng.


Trung tá Trịnh Hà Tâm cho biết thêm: “Đơn vị Quân đội đóng quân trên địa bàn thấy người dân ở bên cạnh còn khổ như vậy thì không yên  tâm, mấy năm nay đơn vị rất trăn trở. Do vậy, đơn vị kêu gọi toàn bộ cán bộ, chiến sĩ, công nhân, người lao động đóng góp để mua cát đá, sỏi, xi măng và người dân ủng hộ, bỏ công để làm, để mùa mưa người dân trồng được củ sắn củ mì đưa về bán với giá cao, không đưa được ra là tư thương mua rất ép, cuối cùng dân nghèo vẫn hoàn nghèo.”

Cùng ăn, cùng ở, cùng làm với nhân dân nên bộ đội Công ty 732 được bà con trong vùng biên giới Sa Loong rất quý trọng. Có ngôi làng bà con tự đặt lại tên là làng A Tâm, có con đường ngay sau khi hoàn thành được bà con đặt tên là đường A Tâm. Ấy là bà con đặt tên làng, tên đường theo tên của vị Giám đốc Công ty quân đội 732, người đứng ra khởi xướng những công trình giúp dân. Những công trình, những con đường ấy mang trọn nghĩa tình quân dân, giúp bà con trên biên giới Ngọc Hồi vững bước hơn trong xây dựng kinh tế./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên