Vượt qua cửa tử nhờ ghép tim "xuyên Việt"

VOV.VN - Những người suy tim giai đoạn cuối, sự sống mong manh tính từng giờ. Với họ, ghép tạng là giải pháp duy nhất vượt qua cửa tử. 

Năm 2010, ca ghép tim đầu tiên thực hiện thành công tại Bệnh viện Quân y 103 đã tạo bước ngoặt mới trong lịch sử ghép tạng Việt Nam, mở ra nhiều hy vọng sống cho những người suy tim giai đoạn cuối.

Bệnh viện Trung ương Huế hiện là một trong những Trung tâm triển khai thành công kỹ thuật ghép tim xuyên Việt. Mới đây, với 2 ca ghép tim chạy đua cùng thời gian cách nhau chưa tới một tháng mang lại sự hồi sinh diệu kỳ càng khẳng định uy tín và trình độ của đội ngũ y bác sĩ nơi này.

Chăm sóc bệnh nhân ghép tim tại Bệnh viện Trung ương Huế.

Hơn 4 tháng trôi qua, bà Huỳnh Thị Ánh ở quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng không bao giờ quên giây phút các bác sĩ bệnh viện Trung ương Huế giành lại sự sống cho con trai mình.

Giáo sư- Tiến sĩ Phạm Như Hiệp- Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế kể, chiều ngày 13/6, ông đang họp Quốc hội thì nhận được thông tin có nguồn tạng hiến từ người chết não tại Bệnh viện Việt- Đức, Hà Nội, phù hợp với bệnh nhân Phạm Văn Cơ, 15 tuổi. Bệnh nhân này là con trai của bà Ánh bị suy tim giai đoạn cuối đã nhiều lần chết đi sống lại.

Vừa xong buổi họp chiều, ông chạy thẳng vào Bệnh viện Việt- Đức cùng với ê kíp bác sĩ ở đây phẫu thuật lấy tạng từ bệnh nhân chết não. Ngay sau đó, GS.TS Phạm Như Hiệp cùng các chuyên gia bảo quản tim của bệnh viện Việt- Đức trực tiếp vận chuyển tạng về Huế. Chuyến bay về thẳng Huế không còn nên ông và các cộng sự phải bay vào Đà Nẵng rồi lên ô tô chạy ngược ra Huế.

Lúc này, kíp mổ ở bệnh viện Trung ương Huế sẵn sàng chờ nhận tạng để ghép cho bệnh nhân. Sau hơn 3 giờ vận chuyển bằng máy bay và ô tô, quả tim từ Hà Nội về tới bệnh viện Trung ương Huế an toàn. Ca phẫu thuật ghép tim cho Cơ kéo dài từ 2h30 phút đến 6h sáng ngày 14/6 kết thúc tốt đẹp. Vài giờ sau, bệnh nhân Phạm Văn Cơ hồi tỉnh, sức khỏe tạm ổn định, ông Phạm Như Hiệp đến thăm, chúc mừng rồi vội vàng trở ra Hà Nội kịp dự họp.

Theo GS.TS Phạm Như Hiệp, đây là ca ghép tim xuyên Việt khá ly kỳ, mọi tính toán phải chính xác và thỏa mãn 3 điều kiện. Đó là, quãng đường vận chuyển tim dài, quỹ thời gian rất ngắn để chuẩn bị cho 1 ca ghép tim và phải bảo đảm thời gian thiếu máu tim trong giới hạn cho phép.

GS.TS Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, xin nghỉ họp Quốc hội để tham gia lấy và vận chuyển tạng để ghép tim xuyên Việt.

"Có 1 ê kíp đưa xe cứu thương vào đón và chạy từ Đà Nẵng đến Huế mất hơn 1 giờ 20 phút. Tôi cũng lo lắng thời gian không kịp nên khẩn trương lắm. Khi đến Đà Nẵng tôi mới điện thoại ra thông báo, quả tim này chất lượng rất tốt và xuống máy bay an toàn, lúc đó ở nhà mới bắt đầu tiến hành mở ngực, tiến hành ghép tạng. Khi về đây, cháu này cũng rất đặc biệt vì đã ngưng tim 3 lần và đã phải cấp cứu để hồi sức tim, trong thời gian ngắn nếu không cấp cứu sẽ chết. Lúc đó tôi nghĩ làm tất cả vì bệnh nhân thôi.”- GS.TS Phạm Như Hiệp chia sẻ.

Theo các chuyên gia trong ngành ghép tạng Việt Nam, ca ghép tim xuyên Việt này khá đặc biệt. Bình thường trước khi ghép tạng, mẫu máu của người nhận phải chuyển đến nơi có bệnh nhân hiến tạng để đọ chéo có phù hợp hay không. Đối với ca ghép tim này, thời gian quá gấp, lịch bay không cho phép nên các bác sỹ phải lấy mẫu máu của người hiến tạng ở Hà Nội gửi qua đường hàng không vào Huế để xét nghiệm. Đây là tình huống cân não đối với cả ê kịp trực hôm đó. Bởi nếu xét nghiệm chéo mà không phù hợp thì coi như quả tim được hiến tặng trở nên vô nghĩa vì không còn thời gian để chuyển quả tim này cho người khác. Căng thẳng hơn, bệnh nhân Phạm Văn Cơ đã 3 lần ngừng tim, bác sỹ phải cấp cứu để hồi sức tim, nếu không kịp ghép bệnh nhân sẽ chết. Trong phòng mổ, các bác sỹ căng thẳng; ngoài hành lang mẹ chờ tin con, tâm trạng ai cũng rối bời. Sau 15 tiếng đồng hồ hồi hộp chờ đợi, bà Huỳnh Thị Ánh nghẹn ngào nói không nên lời khi ca mổ thành công ngoài mong đợi.

“Không thể nói hết sự mừng vui. Cứu được cháu, cứu được 2 mẹ con. Lúc nào tôi cũng nghĩ nếu con còn thì mẹ còn, con mất, mẹ mất. Anh trai của Cơ cũng bị bệnh này và đã mất năm 2002. Vì thế khi nghe tin cháu Cơ bị bệnh tôi rất lo. Bây giờ tôi  mừng lắm. Mong muốn của mẹ con tôi là gặp được gia đình đã hiến cho cháu quả tim. Họ đã cho cháu được sống lại lần thứ 2”, bà Huỳnh Thị Ánh vui mừng nói trong nước mắt.

Từ một cậu bé gầy gò, xanh xao, chỉ nặng khoảng 38 kg, Phạm Văn Cơ đã ra dáng một thanh niên, da dẻ hồng hào, khỏe mạnh. Phạm Văn Cơ tâm sự, nếu không có người trao tặng quả tim khỏe mạnh và không được các bác sỹ bệnh viện Trung ương Huế chạy đua với thời gian hoàn thành ca phẫu thuật ghép tim thì em không còn trên cõi đời này.

Vượt qua cửa tử, mẹ con bà Huỳnh Thị Ánh không quên những tháng ngày cơ cực. Đằng đẵng bao nhiêu năm, mẹ dắt con chạy hết trong Nam ra ngoài Bắc chữa trị bệnh tim. Chồng mất sớm vì bệnh ung thư để lại mình bà với 4 đứa con thơ dại. Đứa con trai đầu mắc bệnh giãn cơ tim, mất lúc 15 tuổi. Tiếp đến, cơn bão Xang sen đổ bộ vào Đà Nẵng năm 2006 đã cuốn phăng ngôi nhà cấp 4, nơi trú ngụ của mấy mẹ con bà. Không nhà, không tài sản, mẹ con dắt díu nhau tá túc khắp nơi. Cuộc sống tạm bợ, được bà con lối xóm cưu mang, hỗ trợ ít tiền, mẹ con bà quay về chốn cũ. Bà Ánh nhặt nhạnh mấy tấm tôn che tạm ngôi nhà để mẹ con có chỗ chui ra chui vào...

Tưởng đâu, hoạn nạn đã qua! Nào ngờ, năm 2016, cháu Cơ bị suy tim giai đoạn cuối. Biết con mắc bệnh hiểm nghèo, bà Ánh gần như suy sụp. Bà cố gượng dậy, chạy vạy khắp nơi, kiếm tiền chữa bệnh cho con. Nhưng, phận nghèo như bà đâu dễ vay mượn cả trăm triệu đồng để lo cho con. Bà đưa con vào Sài Gòn, ra Huế chữa bệnh mà trong túi chẳng có mấy đồng. May thay, trong khốn khó, ngặt nghèo, mẹ con bà nhận được sự sẻ chia, đùm bọc của mọi người. Chi phí ca phẫu thuật ghép tim cho con được nhiều người giúp đỡ. Bà Ánh luôn biết ơn mọi người, đặc biệt là tấm lòng yêu thương của những người thầy thuốc.

“Bác sĩ từ TP Hồ Chí Minh đến Huế, người nào cũng tốt. Bác sĩ xin cho cháu máy hỗ trợ tim nghe đâu 240 triệu đồng, phẫu thuật cũng không lấy tiền. Những người trong viện thấy cảnh nghèo khó của 2 mẹ con nên người giúp 500.000 đồng, người 1 triệu; có người cho cháu tới 25 triệu đồng. Tôi cầm tiền mà nước mắt cứ tuôn trào. Đi đâu cũng có người giúp. Mẹ con tôi nợ mọi người nhiều lắm!”- bà Huỳnh Thị Ánh nhớ lại.
        
Thành công của ca ghép tim xuyên Việt lần này khẳng định sự tiến bộ vượt trội của Bệnh viện Trung Huế trong lĩnh vực ghép tạng. Gần một tháng trước đó, bệnh viện cũng thực hiện thành công ca ghép tim xuyên Việt cho bệnh nhân Trần Tuấn, 52 tuổi, ở huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên- Huế.

Bệnh nhân ghép tim xuyên Việt đầu tiên - Trần Tuấn đã khỏe mạnh trở lại.
Nửa năm trôi qua, ông Tuấn sống khỏe mạnh nhờ quả tim của người khác. Ông Tuấn nhớ lại những ngày chờ ghép tim tại Bệnh viện Trung ương Huế, chứng kiến nhiều người suy tim lần lượt ra đi, hy vọng sống trong ông dần tắt lịm. Thế rồi, may mắn đã mỉm cười với ông.

Ngày 15/5, Bệnh viện Trung ương Huế nhận được thông tin có nguồn tạng hiến từ người cho chết não tại Bệnh viện Việt- Đức, Hà Nội. Ngay lập tức, bệnh viện cử một kíp bác sĩ ra Hà Nội phối hợp với các bác sĩ Bệnh viện Việt- Đức phẫu thuật lấy tạng hiến chuyển về Huế.

Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) cũng hỗ trợ tích cực để đưa quả tim lên máy bay kịp vào Đà Nẵng, sau đó đi ô tô về Bệnh viện Trung ương Huế. Sáng ngày 16/5, các bác sĩ tiến hành ghép tim vào cơ thể bệnh nhân Trần Tuấn. Ông Tuấn cho rằng, mình là người quá may mắn so với hàng ngàn bệnh nhân suy tim đang điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế./.

Những người suy tim giai đoạn cuối như ông Tuấn, cháu Cơ, sự sống mong manh hơn ngọn đèn trước gió. Họ vượt qua cửa tử, hồi sinh như hôm nay có hơi ấm từ những bàn tay “vàng” và tấm lòng nhân ái của các y, bác sĩ ở Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Việt- Đức (Hà Nội), của những người hiến tạng. Những người làm nên phép màu, giúp bao số phận kém may mắn giành lại sự sống đã viết nên nhiều câu chuyện “cổ tích giữa đời thường”.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Vinmec tiên phong ứng dụng kỹ thuật đột phá điều trị suy tim
Vinmec tiên phong ứng dụng kỹ thuật đột phá điều trị suy tim

VOV.VN -Ứng dụng tế bào gốc đã qua xử lý laser là kỹ thuật đột phá trong điều trị suy tim do hẹp tắc động mạch vành, mang lại sự hồi phục tối ưu cho người bệnh.

Vinmec tiên phong ứng dụng kỹ thuật đột phá điều trị suy tim

Vinmec tiên phong ứng dụng kỹ thuật đột phá điều trị suy tim

VOV.VN -Ứng dụng tế bào gốc đã qua xử lý laser là kỹ thuật đột phá trong điều trị suy tim do hẹp tắc động mạch vành, mang lại sự hồi phục tối ưu cho người bệnh.

Mang tim người hiến tặng từ Hà Nội vào Huế cứu bệnh nhân suy tim
Mang tim người hiến tặng từ Hà Nội vào Huế cứu bệnh nhân suy tim

VOV.VN -Bệnh viện Trung ương Huế vừa thực hiện thành công ca ghép tim cho bệnh nhân Trần Tuấn, 52 tuổi, bị suy tim giai đoạn cuối

Mang tim người hiến tặng từ Hà Nội vào Huế cứu bệnh nhân suy tim

Mang tim người hiến tặng từ Hà Nội vào Huế cứu bệnh nhân suy tim

VOV.VN -Bệnh viện Trung ương Huế vừa thực hiện thành công ca ghép tim cho bệnh nhân Trần Tuấn, 52 tuổi, bị suy tim giai đoạn cuối

10 dấu hiệu thầm lặng cảnh báo bạn có thể bị suy tim nặng
10 dấu hiệu thầm lặng cảnh báo bạn có thể bị suy tim nặng

VOV.VN - Khi trái tim yếu, nó sẽ gửi các dấu hiệu cảnh báo đến cho bạn. Nhận biết đúng những triệu chứng suy tim kịp thời sẽ cứu sống bạn.

10 dấu hiệu thầm lặng cảnh báo bạn có thể bị suy tim nặng

10 dấu hiệu thầm lặng cảnh báo bạn có thể bị suy tim nặng

VOV.VN - Khi trái tim yếu, nó sẽ gửi các dấu hiệu cảnh báo đến cho bạn. Nhận biết đúng những triệu chứng suy tim kịp thời sẽ cứu sống bạn.

Huyền thoại rock Tom Petty đột ngột qua đời vì suy tim
Huyền thoại rock Tom Petty đột ngột qua đời vì suy tim

VOV.VN - Giọng ca đình đám của những bản rock bất hủ như: "Free Falin", "You Don’t Know How It Feels" đã qua đời vào tối 2/10 ở tuổi 66.

Huyền thoại rock Tom Petty đột ngột qua đời vì suy tim

Huyền thoại rock Tom Petty đột ngột qua đời vì suy tim

VOV.VN - Giọng ca đình đám của những bản rock bất hủ như: "Free Falin", "You Don’t Know How It Feels" đã qua đời vào tối 2/10 ở tuổi 66.