Xét tuyển đại học, cao đẳng căng thẳng đến ngày cuối cùng

VOV.VN - Do phải theo dõi từng phút, từng giờ về sự biến động của điểm, nhiều phụ huynh và thí sinh khá mệt mỏi và áp lực.

Hôm nay (20/8), là hạn cuối cùng các thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển đợt 1 vào trường đại học, cao đẳng năm 2015. Nhiều thí sinh vẫn đến nộp, rút hồ sơ và thay đổi nguyện vọng để làm sao có thể đỗ được vào trường đại học công lập, kể cả phải đăng ký vào ngành mà mình không thích.

Bàn máy tính ở bộ phận xử lý hồ sơ làm việc liên tục ở Trường Đại học Kinh tế quốc dân.

Theo ghi nhận của phóng viên, ngay từ sáng sớm, tại các trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Kinh tế, Đại học Thủy lợi, Học viện Ngân hàng...nhiều thí sinh đã đến chờ làm thủ tục rút hoặc nộp hồ sơ. Do phải theo dõi từng phút, từng giờ về sự biến động của điểm, để tính toán làm sao có thể nộp vào trường phù hợp, nhiều phụ huynh và thí sinh khá mệt mỏi và áp lực. 

Em Kiều Văn Tài, ở Nam Định đến trường Đại học Kinh tế quốc dân làm thủ tục thay đổi nguyện vọng băn khoăn: “Em đến để thay đổi nguyện vọng. Em muốn đổi Quản trị Kinh doanh thành kinh doanh Thương mại và Tài chính ngân hàng thành Kinh tế tài nguyên. Vì mấy hôm trước, em thấy điểm vào còn thấp nên là em nộp, đến ngày hôm nay đã tăng lên mấy điểm rồi. Em lo sợ mình không đỗ được vào trường Kinh tế nên hôm nay quyết định đến thay đổi nguyện vọng”.

Một số thí sinh rút không đăng ký vào ngành trường yêu thích nữa mà đăng ký vào trường khác, miễn là có thể đỗ vào trường đại học công lập. Em Tường Duy Đức, ở Vĩnh Phúc nộp hồ sơ vào trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết: “Đầu tuần, em cùng với mẹ đi đến Đại học Y Thái Bình rút xong. Hôm qua bố mẹ em đi nộp cho em còn em ở nhà. Hôm nay, em xuống đây để theo dõi như thế nào nếu mà điểm của em không đủ thì em lại rút nộp sang trường khác chứ mình không thể chọn được ngành yêu thích được. Bởi vì, ngành yêu thích thì không đủ điểm. Bây giờ, mục tiêu đầu tiên của em là phải đỗ hẳn vào ngành nào thì lúc đó mình học sau”.

Không chỉ thí sinh mà phụ huynh cũng đứng ngồi không yên. Nhiều người sợ con không đỗ mà không biết sớm để rút hồ sơ kịp nộp trường khác nên túc trực chờ ở trường để nghe ngóng tình hình xét tuyển. Cứ khoảng 30 phút đến 1 tiếng, phụ huynh lại đến hỏi nhân viên tiếp nhận hồ sơ xem đã có bao nhiêu thí sinh nộp vào. Người điểm cao thì tạm yên lòng còn người điểm thấp lại nhanh chóng đi rút hồ sơ để nộp trường khác. Ông Nguyễn Huy Hoàng, ở Thanh Hóa 3 lần đưa con đi nộp hồ sơ bức xúc: “Tôi đưa cháu đi lại 3 lần rồi cứ từ Thanh Hóa lên Hà Nội rồi lại về ăn ở vật vờ, bất cập lắm. Nó thi được 23,75 điểm giờ đang nộp vào Học viện Tài Chính Kế toán nộp Kinh tế quốc dân sau lại nộp vào Bách Khoa xong lại rút, rút đi rút lại. Nói chung là đi lại mệt mỏi, chỗ ăn chỗ ở không đảm bảo đi hết chỗ này, chỗ nọ”.

Còn ông Đinh Văn Định, ở Thạch Thất, Hà Nội thì lo lắng không biết con mình có đỗ không “Vất vả và đau đầu không biết con mình đỗ hay trượt. Đến giờ phút này nộp đúng nguyện vọng của mình thì lại không biết là trượt hay đỗ cho nên cứ phải chờ ở đây để xem tình thế nó như thế nào hơn là chơi chứng khoán. Nếu hẳn như thi thế kia xong đỗ hay trượt thì xong biết luôn nhưng thế này thì bây giờ điểm cao cũng lo mà điểm thấp cũng lo”.

Thống kê sơ bộ của các trường đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Thủy lợi,...hôm nay, số lượng thí sinh đến nộp, rút và thay đổi nguyện vọng không nhiều so với mấy ngày trước đó. Để tạo điều kiện cho thí sinh rút và nộp hồ sơ nhanh, nhiều trường đã bố trí thêm các bàn tiếp nhận và trả hồ sơ cho thí sinh; đồng thời huy động nhiều cán bộ quản lý hồ sơ trên máy tính xử lý và cập nhập thông tin.

Phụ huynh ngồi chờ để xem nên rút hay ở lại trường.

Ông Nguyễn Vũ Thắng, Phó Trưởng phòng Đào tạo Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết: “Chúng tôi đã huy động tất cả lực lượng hiện có của phòng đào tạo để tạo điều kiện tốt nhất cho các học sinh nộp và rút hồ sơ. Như bây giờ chẳng hạn, học sinh chỉ mất khoảng 5 phút là nộp xong hồ sơ, còn rút hồ sơ thì khoảng 15 phút. Thậm chí còn ít hơn. Nếu đến 5 giờ chiều mà vẫn còn đông học sinh, nhà trường sẽ vẫn tiếp tục phục vụ các em. Tuy nhiên, nếu 5 giờ các em mới rút hồ sơ thì cũng không để làm gì nữa vì về nguyên tắc rút ra xong các em phải mang đến trường khác nộp. Nếu rút muộn quá thì không giải quyết được gì”.

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có văn bản yêu cầu các Sở Giáo dục và Đào tạo trước 20 giờ tối nay (20/08) tổng hợp yêu cầu thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển của thí sinh và cập nhật lên hệ thống phần mềm quản lý tuyển sinh của Bộ để chuyển dữ liệu cho các trường đại học, cao đẳng. Bộ cũng yêu cầu các trường Đại học xác định danh sách thí sinh trúng tuyển, công bố và cập nhật lên hệ thống danh sách trúng tuyển trước ngày 25/8./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Nhiều trường đứng trước thách thức mới sau đợt xét tuyển đại học
Nhiều trường đứng trước thách thức mới sau đợt xét tuyển đại học

VOV.VN - Công tác xét tuyển đại học, cao đẳng sẽ còn tiểm ẩn rủi ro. Nhiều trường đứng trước thách thức không chọn được thí sinh chất lượng cao.

Nhiều trường đứng trước thách thức mới sau đợt xét tuyển đại học

Nhiều trường đứng trước thách thức mới sau đợt xét tuyển đại học

VOV.VN - Công tác xét tuyển đại học, cao đẳng sẽ còn tiểm ẩn rủi ro. Nhiều trường đứng trước thách thức không chọn được thí sinh chất lượng cao.

Thí sinh “chạy đua” trong ngày cuối xét tuyển đại học
Thí sinh “chạy đua” trong ngày cuối xét tuyển đại học

VOV.VN - Ngày cuối cùng xét tuyển NV1 đại học (20/8), nhiều thí sinh đã "đánh cược" khi không rút hồ sơ dù có nhiều người khác điểm cao tiếp tục nộp.

Thí sinh “chạy đua” trong ngày cuối xét tuyển đại học

Thí sinh “chạy đua” trong ngày cuối xét tuyển đại học

VOV.VN - Ngày cuối cùng xét tuyển NV1 đại học (20/8), nhiều thí sinh đã "đánh cược" khi không rút hồ sơ dù có nhiều người khác điểm cao tiếp tục nộp.

Ngày cuối xét tuyển đại học: Thí sinh "liều mình đặt cược” cho số phận
Ngày cuối xét tuyển đại học: Thí sinh "liều mình đặt cược” cho số phận

VOV.VN -Ngày cuối xét tuyển đại học, nhiều thí sinh có điểm suýt soát “liều mình” không rút hồ sơ cho dù người điểm cao tiếp tục nộp vào.

Ngày cuối xét tuyển đại học: Thí sinh "liều mình đặt cược” cho số phận

Ngày cuối xét tuyển đại học: Thí sinh "liều mình đặt cược” cho số phận

VOV.VN -Ngày cuối xét tuyển đại học, nhiều thí sinh có điểm suýt soát “liều mình” không rút hồ sơ cho dù người điểm cao tiếp tục nộp vào.