Áp thuế TTĐB với nước ngọt để giảm người béo phì: Không thuyết phục
VOV.VN - Không có bằng chứng thuyết phục chứng minh việc áp thuế đối với đồ uống có đường có thể giúp bảo vệ sức khỏe, giảm tỉ lệ béo phì và đái tháo đường.
Chia sẻ bên lề Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2018, ông Adam Sitkoff – Giám đốc điều hành AmCham Vietnam cho biết, chỉ có 4 quốc gia trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang áp thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với nước ngọt, bao gồm Brunei, Campuchia, Lào và Thái Lan. Những quốc gia này chiếm khoảng 2% tổng số dân của khu vực.
Một số quốc gia khác như Indonesia và Philippines cũng đang cân nhắc việc đánh thuế trong nhiều năm liền, tuy nhiên việc đánh thuế vẫn chưa được thông qua và thực hiện, ông Adam Sitkoff cho hay.
Lý do áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt vì dân béo phì chưa có bằng chứng thuyết phục. (Ảnh minh họa: KT) |
Theo thông tin từ Giám đốc điều hành AmCham Vietnam, những quốc gia có tỉ lệ người dân béo phì cao như Trung Quốc, Hàn Quốc, Úc và New Zealand, không áp thuế lên nước ngọt, chủ yếu là vì các tác động do thuế suất này gây ra vẫn chưa được chứng minh. Không có cơ sở để khẳng định việc áp thuế TTĐB lên đồ uống có đường sẽ giảm được tỉ lệ béo phì và đái tháo đường, thậm chí nó có thể gây ra những tác động tiêu cực về kinh tế và xã hội đối với ngành công nghiệp nước giải khát và cả nền kinh tế.
Đề cập tới Việt Nam, Giám đốc điều hành AmCham Vietnam Adam Sitkoff đề xuất Chính phủ không nên đánh thuế TTĐB lên nước ngọt vì như thế sẽ tạo ra các tác động tiêu cực đến ngành đồ uống. Không có bằng chứng nào chứng minh rằng việc đánh thuế sẽ giúp cho người Việt Nam có sức khỏe tốt hơn. Trong khi đó đã có bằng chứng chứng minh việc đánh thuế này có tác động tiêu cực đến nền kinh tế.
Ông Adam Sitkoff - Giám đốc điều hành AmCham Vietnam |
Theo ông Adam Sitkoff, việc đánh thuế TTĐB cũng sẽ ảnh hưởng đến các cơ hội việc làm của người dân. "Bạn không thể đột ngột cắt giảm sự tiêu dùng của một loại sản phẩm trừ phi có đủ các lý do thuyết phục chứng minh sự cần thiết phải làm như vậy, và đến nay chưa có lý do chính đáng nào được đưa ra", ông Adam Sitkoff nói.
Tất cả các quốc gia trên thế giới đều đang đối mặt với tình trạng béo phì đang gia tăng trong cuộc sống hiện đại. Giám đốc điều hành AmCham Vietnam ủng hộ Chính phủ Việt Nam trong việc giáo dục người dân về lối sống, chế độ ăn uống, tập luyện khỏe mạnh. Chính phủ không nên sử dụng các biện pháp không khoa học như đánh thuế TTĐB lên một số sản phẩm với mục đích là bảo vệ sức khỏe cho người dân.
Chia sẻ về giải pháp, Chủ tịch AmCham Vietnam nhấn mạnh, ngoài các biện pháp như tuyên truyền và giáo dục đối với người tiêu dùng, đặc biệt là lớp trẻ, về thói quen ăn uống và lối sống lành mạnh, cần yêu cầu các nhà sản xuất cung cấp đầy đủ thông tin dinh dưỡng trên bao bì thực phẩm và đồ uống để người tiêu dùng có lựa chọn đúng đắn.
Trong báo cáo mới nhất về các bệnh không lây nhiễm, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị các chính phủ nên dành ưu tiên cho những biện pháp hạn chế tiếp thị các sản phẩm không lành mạnh, bao gồm các sản phẩm chứa quá nhiều đường, muối, chất béo bão hoà và chất béo chuyển hoá tới trẻ em.
Đại diện của AmCham nhất trí với quan điểm của WHO, cho rằng cần khuyến khích lối sống lành mạnh thông qua việc thúc đẩy tiêu dùng các sản phẩm lành mạnh. Bên cạnh đó, các chương trình giáo dục tại trường học về lối sống lành mạnh, bao gồm cả các hoạt động vận động thể chất, sẽ giúp học sinh hình thành lối sống lành mạnh.
Nhiều quốc gia không áp dụng thuế TTĐB với nước ngọt
Năm 2004 Chính phủ Indonesia đã quyến định bãi bỏ thuế TTĐB đối với nước ngọt vì chính sách này không đạt được mục tiêu tăng thu thuế cũng như cải thiện sức khỏe cộng đồng trong khi đó lại làm tê liệt ngành sản xuất nước giải khát.
Chính phủ Đan Mạch cũng bãi bỏ thuế TTĐB đánh lên nước ngọt vào năm 2013 nhằm tạo việc làm và thúc đẩy nền kinh tế địa phương. Các nhà phê bình cho rằng các loại thuế này đặc biệt không hiệu quả.
Ở New Zealand, khi chính phủ đang xem xét áp thuế đối với nước ngọt, Viện nghiên cứu kinh tế New Zealand đã phân tích, đánh giá 47 nghiên cứu và kết luận rằng không có bằng chứng thuyết phục chứng minh rằng việc áp thuế đối với đồ uống có đường có thể giúp bảo vệ sức khỏe, đặc biệt là giảm tỉ lệ mắc bệnh béo phì và đái tháo đường.
Mới đây, vào tháng 6/2018, các nhà lập pháp California (Mỹ) đã bỏ phiếu cấm ban hành các loại thuế địa phương đánh vào nước ngọt, theo đó sẽ không thông qua bất kỳ loại thuế mới nào đánh vào thực phẩm hoặc đồ uống ít nhất tới năm 2031./.