Đàm phán liên Triều: Khởi đầu tốt là thành công một nửa
VOV.VN - Triều Tiên sẽ cử phái đoàn cấp cao tới PyeongChang, còn Hàn Quốc muốn các vận động viên 2 miền sẽ đứng chung một đoàn tại Thế vận hội lần này.
Hàn Quốc và Triều Tiên đã trao đổi đề xuất của mỗi bên trong phiên làm việc sáng nay - cuộc đàm phán cấp cao đầu tiên được nối lại sau hơn 2 năm, tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm nhằm thảo luận việc Triều Tiên tham dự Thế vận hội mùa Đông, cũng như cách thức cải thiện quan hệ liên Triều.
Hàn Quốc và Triều Tiên đàm phán cấp cao lần đầu tiên sau hơn 2 năm. Ảnh: Yonhap
Đề xuất cởi mở
Thứ trưởng Bộ Thống nhất Chun Hae-sung cho biết, phía Hàn Quốc đề xuất hai bên sẽ cùng đứng chung một đoàn trong lễ khai mạc và bế mạc Thế vận hội.
Hàn Quốc cũng đề nghị tổ chức cuộc họp của tổ chức Chữ thập Đỏ để thảo luận việc đoàn tụ các gia đình ly tán do chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 nhân dịp Tết nguyên đán vào tháng 2 tới. Ngoài ra, đàm phán quân sự cũng được nêu ra nhằm tránh những xung đột không đáng có dọc biên giới.
“Chúng tôi cũng đã nêu vấn đề cần thiết phải chấm dứt các hành động làm leo thang căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên và khôi phục đối thoại, mang lại hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, trong đó có việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên”. Ông Chun Hae-song phát biểu với báo giới
Đổi lại, Triều Tiên cho biết sẽ cử một phái đoàn quan chức cấp cao và các phái đoàn khác bao gồm các vận động viên, hoạt náo viên, các nhóm biểu diễn nghệ thuật và ca hát, đội Taekwondo và các phóng viên tới Thế vận hội mùa Đông PyeongChang.
Ông Chun cho biết, Triều Tiên cũng đề xuất giải quyết các vấn đề về quan hệ liên Triều thông qua đàm phán và đối thoại vì hòa bình và thống nhất trên bán đảo.
Cuộc đàm phán lần này diễn ra trong bối cảnh nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã nhắc đến việc cải thiện quan hệ với Hàn Quốc trong thông điệp năm mới. Ông cũng bày tỏ sẵn sàng cử phái đoàn đến Olympic PyeongChang và để ngỏ khả năng đối thoại.
Triều Tiên chấp nhận đề xuất đàm phán liên Triều hôm 5/1 sau khi Hàn Quốc và Mỹ nhất trí hoãn tập trận quân sự trong thời gian diễn ra Thế vận hội mùa Đông. Nước này cũng đã mở lại đường dây nóng ở biên giới liên Triều.
“Tôi tới đây với hy vọng hai miền Triều Tiên sẽ đối thoại một cách chân thành nhằm mang lại kết quả thực chất cho người dân Hàn - Triều, những người kỳ vọng nhiều ở cuộc đàm phán này như một món quà năm mới”. Ông Ri Son-gwon, trưởng phái đoàn Triều Tiên phát biểu trước khi bước vào cuộc đàm phán.
Ông Ri Son-gwon là Chủ tịch Ủy ban Thống nhất hòa bình của Triều Tiên, cơ quan phụ trách các vấn đề với Hàn Quốc.
Nói về cuộc đàm phán lần này, Bộ trưởng Thống nhất Cho Myoung-gyon, trưởng phái đoàn Hàn Quốc cho biết, “Một sự khởi đầu tốt là thành công một nửa. Tôi hy vọng hai bên có thể đàm phán với sự quyết đoán và kiên trì”.
Dù hai bên sẽ tập trung vào hợp tác trong thời gian diễn ra Thế vận hội mùa Đông, hai bên cũng sẽ hy vọng đề cập việc cải thiện quan hệ liên Triều.
Triều Tiên nói tham gia đàm phán nghiêm túc và chân thành
Khởi đầu tốt là thành công một nửa
Các chương trình nghị sự liên quan đến Thế vận hội mùa Đông bao gồm việc liệu phái đoàn Triều Tiên sẽ đi bằng đường bộ hay bằng phương tiện khác và liệu hai bên có đứng chung một đoàn tại lễ khai mạc và bế mạc Thế vận hội hay không.
Nếu phái đoàn Triều Tiên đi bằng đường bộ qua khu biên giới được bảo vệ nghiêm ngặt, sẽ phải có sự tham vấn giữa giới chức quân sự hai bên. Còn nếu Triều Tiên cử đoàn hoạt náo viên, đoàn biểu diễn nghệ thuật và ca hát tới PyeongChang, hai bên sẽ tham vấn chi tiết về lịch trình đi lại cụ thể, nơi ở và các vấn đề an ninh.
Ông Chun Hae-song nói rằng, Triều Tiên đã lắng nghe “một cách cẩn trọng” lời kêu gọi của Hàn Quốc về việc khôi phục đàm phán về hòa bình và phi hạt nhân hóa. Ông cũng cho biết, Triều Tiên chưa đưa ra tuyên bố nào về các lệnh trừng phạt quốc tế cũng như khu Công nghiệp chung Kaesong”.
Việc khôi phục hoạt động của khu công nghiệp chung Kaesong và các tour du lịch có thể dấy lên tranh cãi liệu nó có vi phạm các nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên Hợp quốc về việc ngăn chặn nguồn tiền chuyển cho Triều Tiên hay không.
Các cuộc đàm phán cấp cao có thể được gọi là một thành công nếu Triều Tiên đồng ý tham dự Thế vận hội mùa Đông PyeongChang và hai bên ấn định ngày cho cuộc họp tiếp theo, cũng như xác nhận lập trường của mỗi bên về các mối quan tâm chung. Giáo sư Yang Moo-jin, tại Đại học chuyên nghiên cứu vấn đề Triều Tiên nhận định./.