Nhạc sỹ Doãn Nguyên

Điều quan trọng là được ghi nhận

Nhạc sĩ Doãn Nguyên là người phối khí album chắp cánh cho tiếng hát của nhiều ca sỹ tên tuổi của Đài TNVN đến với thính giả cả nước

Những công việc Doãn Nguyên làm dường như đều thầm lặng, ít người biết đến. Nhưng anh bảo: Điều quan trọng là được những người làm nghề đánh giá cao và những sản phẩm âm nhạc do anh thực hiện được công chúng ghi nhận.

Nhạc sỹ Doãn Nguyên có nhiều may mắn khi được sinh ra trong một gia đình có truyền thống âm nhạc, bố là Đại tá Quân đội - nhạc sĩ Doãn Nho, mẹ là diễn viên Đoàn ca múa Tổng cục Chính trị. Lên 5 tuổi, Doãn Nguyễn đã học piano, 7 tuổi thi đỗ vào Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia). Mặc dù thời gian đầu, Doãn Nguyên tiếp xúc với âm nhạc một cách “thụ động” theo sự định hướng của cha mẹ khi sở thích của anh lúc đó là hội họa. Nhưng càng theo học âm nhạc, Nguyên càng mê và thấy sự “áp đặt” này là đúng đắn.

Sau khi tốt nghiệp đại học hệ chính quy 16 năm chuyên ngành Chỉ huy, khoa Lý luận - Sáng tác - Chỉ huy của Nhạc viện Hà Nội, năm 1992, Doãn Nguyên về công tác tại Đoàn Ca nhạc Đài TNVN với cương vị nhạc công chơi piano và keyboard trong dàn nhạc; rồi dần dần anh được bổ nhiệm là đội phó, chỉ huy dàn nhạc, rồi Phó trưởng Đoàn ca nhạc và nay là Phó Giám đốc Nhà hát Đài TNVN.

Nhạc sĩ Doãn Nguyên (đứng giữa) (ảnh: Nguyễn Đình Toán)

Doãn Nguyên đã sáng tác nhiều tác phẩm nhận được sự đánh giá cao của Hội Nhạc sỹ như: Một thoáng bờ vai (phổ thơ Lý Thái Phương - Phó Giám đốc Hệ VOVTV - Đài TNVN), Tâm sự Huyền Trân công chúa (thơ Xuân Quỳnh)… Đặc biệt, ca khúc Nỗi nhớ Trường Sơn đoạt giải của Bộ Quốc phòng, viết về nỗi nhớ của một người lính với đồng đội đã hy sinh. Tác phẩm để lại ấn tượng và xúc động cho thính giả bởi những cảm nhận sâu sắc về chiến tranh dù anh được sinh ra khi chiến tranh gần kết thúc.

Có một nhà nghiên cứu về âm nhạc Mỹ sau khi nghe chương trình này đã đến Nhà hát Đài TNVN để hỏi thăm tác giả… Nỗi nhớ Trường Sơn được viết nên từ câu chuyện xúc động về những người lính gắn liền với giai đoạn ác liệt của chiến tranh, được lấy cảm xúc từ câu chuyện của cha anh - nhạc sỹ Doãn Nho. Ông là một trong số nhạc sỹ đi chiến trường nhiều nhất.

Khoảng năm 1965-1967 là giai đoạn chiến trường Tây Nguyên ác liệt, sau khi đóng quân, đơn vị của cha anh đi sang đơn vị khác cách đó vài cây số. Khi cả đơn vị lên đường, thủ trưởng đơn vị này là người Hà Nội, cũng là đồng hương của nhạc sỹ Doãn Nho giữ ông ở lại ít ngày. Không ngờ, cả đơn vị Doãn Nho đi trước đã dính tọa độ và hy sinh.

Ai cũng nghĩ, nhạc sỹ Doãn Nho nằm trong số họ. Ít ngày sau, Doãn Nho trở về trong sự bất ngờ và xúc động của người thân. Cái tên Doãn Trường Nguyên mà cha mẹ đặt cho anh nhằm kỷ niệm những ngày tháng cha anh ở chiến trường Tây Nguyên. Doãn Nguyên xúc động: “Nếu như cha tôi đi cùng đơn vị, nếu như ông không được người đồng hương giữ lại ít ngày, nếu cái ngày ấy xảy ra với cha, thì giờ đã không có tôi…”.

Năm 2001, chương trình nghệ thuật của Đoàn Ca nhạc Đài TNVN tham dự Festival âm nhạc các nước sử dụng tiếng Pháp tại Toulous - CH Pháp do Doãn Nguyên chỉ đạo nghệ thuật và trực tiếp dàn dựng đã đoạt cúp Pha lê - giải đặc biệt - giải thưởng cao nhất của Festival, và được hai giáo sư âm nhạc Việt Nam tại Pháp là Trần Văn Khê và Nguyễn Thiên Đạo hết lời khen ngợi.

Tháng 10/2010, 2 đêm công diễn tác phẩm thanh xướng kịch “Hoa Lư - Thăng Long: Bài ca dời đô” của nhạc sĩ Doãn Nho, cùng với dàn hợp xướng và dàn nhạc giao hưởng Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam của Hội Nhạc sĩ Việt Nam và UBND TP. Hà Nội do Doãn Nguyên chỉ huy đã để lại dư âm đặc biệt. Đây được coi là chương trình âm nhạc của Hội Nhạc sỹ Việt Nam chính thức kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội và được giới chuyên môn đánh giá cao.

Về Đài TNVN cho đến nay được 20 năm, từ khi là nhạc công cho đến chỉ huy dàn nhạc Đài TNVN - thuộc lớp kế cận của nhạc sỹ Cao Việt Bách, Doãn Nguyên rất tự hào. Thời gian làm việc ở phòng thu nhiều hơn thời gian làm việc trên sân khấu, nhưng sự thừa nhận của những người làm nghề, cũng như sự ghi nhận của công chúng đối với những sản phẩm âm nhạc do anh thực hiện, là một sự động viên tinh thần đối với anh. Bên cạnh công việc của Đài TNVN, Doãn Nguyên còn được mời dàn dựng nhiều chương trình âm nhạc kỷ niệm những ngày lễ lớn của dân tộc, của các địa phương trên cả nước.

Là Phó Giám đốc Nhà hát Đài TNVN, Doãn Nguyên mong muốn có điều kiện củng cố dàn nhạc semi - classic. Trước mắt sẽ có chương trình âm nhạc không lời, chơi những tác phẩm âm nhạc dễ nghe, được chuyển soạn từ những ca khúc nổi tiếng. Đây cũng là cách để góp phần nâng cao thương hiệu Đài TNVN./. 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên