Nghệ nhân Thanh Quyết, người giữ hồn cho hát đúm Quảng Yên

VOV.VN -Nghệ nhân Phạm Thanh Quyết đã quyết tâm sưu tầm soạn sách “Hát đúm Hà Nam-Yên Hưng” và thành lập CLB hát đúm để bảo tồn môn nghệ thuật dân gian này.

Trong một con ngõ nhỏ của đình Phong Cốc, xen giữa những toà biệt thự khang trang hiện đại là ngôi nhà cấp bốn giản dị của nghệ nhân Phạm Thanh Quyết. Bà là thành viên trong câu lạc bộ Hát đúm Quảng Yên, và cũng là người đã viết ra cuốn sách “Hát đúm Hà Nam –Yên Hưng”.

Bộ sách làm sống lại một loại hình văn hóa dân gian thông qua việc sưu tầm và lưu giữ những câu hát cổ mà các nghệ nhân xưa để lại. Nghệ nhân Thanh Quyết sinh ra và lớn lên tại đảo Hà Nam, vùng đất mang đậm nét văn hoá của ngư dân miền biển đan xen với nét văn hóa từ kinh thành Thăng Long xưa lưu truyền từ ngàn đời nay. Mẹ bà vốn là một ca nương,vì vậy từ nhỏ bà đã thừa hưởng chất giọng cùng những câu hát đúm từ mẹ mình.

Nghệ nhân Thanh Quyết cùng các thành viên trong câu lạc bộ hát đúm. (Ảnh: Nguyễn Phương).

“Rằng duyên kết bạn mình ơi!

Thoạt chào tôi chào hội xuân

Tôi chào quý khách xa gần ngồi chơi

Ngả nghiêng bên nói bên cười

Bên ăn trầu thắm bên ngồi tả long.”

Hát đúm ở Quảng Yên, Quảng Ninh có từ lâu đời, khi những người con từ kinh thành Thăng Long xưa đến đảo Hà Nam để quai đê lấn biển, gây dựng xóm làng vào thế kỷ 14. Trong quá trình lao động vất vả, họ đã động viên nhau bằng những câu hát đối đáp để quên đi mệt nhọc; rồi đến những lần hẹn hò của đôi trai gái tuổi mười tám, đôi mươi với những câu hát trầm ấm chan chứa nghĩa tình, bày tỏ, gửi gắm lòng yêu thương, lời hẹn ước. 

Hát giao duyên trong hát đúm. (Ảnh: Nguyễn Phương).

Những câu hát đối đáp, giao duyên gắn liền với đời sống và đi sâu vào tiềm thức của nhân dân trên đảo, ở bất cứ đâu, hát đúm đều được cất lên như món ăn tinh thần để xua đi những mệt nhọc, vất vả của cuộc sống.

Qua năm tháng chiến tranh loạn lạc, hát đúm ở thị xã Quảng Yên mai một dần, người biết tới hát đúm rất ít và chủ yếu là những người cao tuổi.  Người dân trên đảo có nguy cơ mất đi một món ăn tinh thần của cha ông để lại, điều này khiến Nghệ nhân Phạm Thanh Quyết luôn trăn trở suy nghĩ. Đây cũng chính là động lực để bà quyết tâm sưu tầm, biên soạn lại những bài hát đúm cổ cho thế hệ mai sau.

Trên chiếc xe đạp cũ kỹ, bà đi qua hết 8 xã phường đảo Hà Nam, cứ ở đâu có những người cao tuổi còn nhớ hay sưu tâm những bài hát đúm cổ là bà tìm đến, ghi chép tỉ mỉ và ghi âm lại. Nhiều khi bà đạp xe hàng chục cây số chỉ để được nghe, được cảm nhận, cái đẹp, cái hay của một làn điệu hát đúm cổ nào đó. Năm 2003, sau 2 năm sưu tầm, nghệ nhân Phạm Thanh Quyết đã xuất bản thành công cuốn sách “Hát đúm Hà Nam - Yên Hưng”  với hơn 2.000 bài hát đúm cổ.

Hát đúm trong lễ hội tiên công. (Ảnh: Nguyễn Phương).

Nghệ nhân Thanh Quyết chia sẻ: “Tôi rất tâm huyết và trăn trở. Làng đảo Hà Nam ngày xưa có truyền thống hát đúm từ thời ông cha ta, giờ cần có người đứng lên khởi xướng, sưu tầm và truyền lại cho các thế hệ mai sau. Trăn trở vậy nên tôi quyết phải đứng ra thành lập câu lạc bộ hát đúm, làm cho hát đúm của làng đảo Hà Nam được bảo tôn và khởi sắc. Tôi là người đam mê hát đúm nên đứng ra thành lập câu lạc bộ này để những người có cùng sở thích có thể tham gia”.

Trước đó, năm 2000 bà đã phối hợp với Phòng Văn hoá Thông tin thị xã tổ chức hát đúm trong lễ hội Miếu Tiên Công, đây là lễ hội mùa xuân lớn nhất ở thị xã Quảng Yên - Quảng Ninh. Sau nhiều năm vắng bóng, hoạt động này đã thu hút đông đảo người xem. Những điệu hát cổ như hát chào, hát hỏi, hát giao duyên, mời trầu… hát ra về được cả các nghệ nhân và người xem hội hát lên, hòa cùng một nhịp.

Những lời hát mới cũng ngay lập tức được sáng tác, đối đáp, giao duyên như đánh thức những ký ức đã ẩn sâu sau những bộn bề của cuộc sống hiện đại. Từ đó hát đúm đã trở thành tiết mục không thể thiếu trong nhiều lễ hội ở thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh.

Hiện nay, nghệ nhân Phạm Thanh Quyết là chủ nhiệm CLB hát đúm với hơn 20 thành viên ở mọi độ tuổi trong đó có 5 nghệ nhân được Chủ tịch nước phong tặng nghệ nhân dân gian Việt Nam, các thành viên đều là những người am hiểu và say mê hát đúm.

Các thành viên trong câu lạc bộ hát đúm tích cực luyện tập. (Ảnh: Nguyễn Phương).

Nghệ nhân Nguyễn Văn Luyện, thành viên trong câu lạc bộ hát đúm chia sẻ: “Cô Quyết là người có tài tổ chức. Cô ấy năng động, giỏi vận động nên những người lứa tuổi như chúng tôi, hay những người trẻ hơn đều muốn tham gia CLB. Cô ấy rất đam mê hát đúm, cũng nhờ có cô ấy chúng tôi mới có dịp được thể hiện loại hình nghệ thuật hát đúm này. Nếu không có lẽ nó sẽ mai một và dần mất đi”.

Ngoài việc trao đổi kinh nghiệm, biểu diễn trong các lễ hội, các sự kiện văn hoá lớn, Câu lạc bộ còn mở các lớp dạy hát đúm trong các trường học trên địa bàn khiến cho phong trào hát đúm ở đây có nhiều khởi sắc.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Luyện thành viên câu lạc bộ hát đúm cho biết: “Đưa hát đúm vào giảng đường thì có thể giúp lưu truyền được loại hình nghệ thuật này. Chúng tôi rất mong như vậy”.

Ngoài ra, để bảo tồn và phát triển môn nghệ thuật Hát đúm, phòng văn hóa và thông tin thị xã Quảng Yên cũng đã tạo điều kiện cho câu lạc bộ hoạt động.

Ông Ngô Đình Dũng phó văn hóa và thông tin thị xã Quảng Yên cho biết: “Hát đúm vùng Hà Nam này đang được câu lạc bộ của cô Quyết bảo tồn và phát triển. Rất nhiều nghệ nhân cũng như rất nhiều những người tham gia truyền dạy, lưu truyền những làn điệu hát đúm sẽ là nòng cốt trung tâm để tập hợp những nghệ nhân sau đó là truyền dạy cho các thế hệ sau này”. 

Có thể nói rằng, hát và sưu tầm những làn điệu hát đúm với nghệ nhân Phạm Thanh Quyết là ngọn lửa thắm đượm tình yêu với đất và người Quảng Yên. Với những gì bà cùng các cộng sự đang làm đã góp phần giữ hồn cho nghệ thuật hát đúm Quảng Yên nói riêng, cho nghệ thuật dân gian ở Quảng Ninh nói chung.

Nghệ nhân Phạm Thanh Quyết luôn ý thức việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân gian cổ, dù có đối mặt với bao lo toan, bộn bề cuộc sống nhưng không gì có thể dập tắt được ngọn lửa đam mê với hát đúm trong tâm hồn của nghệ nhân này./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Nghệ sĩ Hương Thanh: Sứ giả nhạc cổ và dân ca Việt Nam tại Châu Âu
Nghệ sĩ Hương Thanh: Sứ giả nhạc cổ và dân ca Việt Nam tại Châu Âu

VOV.VN -Nghệ sĩ Hương Thanh cho biết, còn ca hát, là chị còn tìm cách đưa âm nhạc truyền thống đến với công chúng nước ngoài.

Nghệ sĩ Hương Thanh: Sứ giả nhạc cổ và dân ca Việt Nam tại Châu Âu

Nghệ sĩ Hương Thanh: Sứ giả nhạc cổ và dân ca Việt Nam tại Châu Âu

VOV.VN -Nghệ sĩ Hương Thanh cho biết, còn ca hát, là chị còn tìm cách đưa âm nhạc truyền thống đến với công chúng nước ngoài.

Khán giả say đắm câu hát về làng quan họ của cậu bé Công Quốc
Khán giả say đắm câu hát về làng quan họ của cậu bé Công Quốc

VOV.VN -Cậu bé Công Quốc của đội HLV Cẩm Ly đã mang đến những câu hát về làn điệu dân ca quan họ Bắc Ninh ngọt ngào trong liveshow 2 Giọng hát Việt nhí.

Khán giả say đắm câu hát về làng quan họ của cậu bé Công Quốc

Khán giả say đắm câu hát về làng quan họ của cậu bé Công Quốc

VOV.VN -Cậu bé Công Quốc của đội HLV Cẩm Ly đã mang đến những câu hát về làn điệu dân ca quan họ Bắc Ninh ngọt ngào trong liveshow 2 Giọng hát Việt nhí.

Chương trình nghệ thuật “Về miền Quan họ 2015”
Chương trình nghệ thuật “Về miền Quan họ 2015”

VOV.VN -Tối nay (7/3), tại Trung tâm văn hóa Kinh Bắc, thành phố Bắc Ninh diễn ra lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt và chương trình nghệ thuật.

Chương trình nghệ thuật “Về miền Quan họ 2015”

Chương trình nghệ thuật “Về miền Quan họ 2015”

VOV.VN -Tối nay (7/3), tại Trung tâm văn hóa Kinh Bắc, thành phố Bắc Ninh diễn ra lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt và chương trình nghệ thuật.

Liên hoan Đàn và Hát dân ca mừng 70 năm Đài Tiếng nói Việt Nam
Liên hoan Đàn và Hát dân ca mừng 70 năm Đài Tiếng nói Việt Nam

VOV.VN - Chương trình "Đàn và Hát cho nhau nghe" nhân kỷ niệm 70 thành lập Đài TNVN có tới 188 cá nhân đăng ký tham gia với 97 tiết mục trong 2 ngày.

Liên hoan Đàn và Hát dân ca mừng 70 năm Đài Tiếng nói Việt Nam

Liên hoan Đàn và Hát dân ca mừng 70 năm Đài Tiếng nói Việt Nam

VOV.VN - Chương trình "Đàn và Hát cho nhau nghe" nhân kỷ niệm 70 thành lập Đài TNVN có tới 188 cá nhân đăng ký tham gia với 97 tiết mục trong 2 ngày.