Người phụ nữ Thuỵ Điển mê văn hóa Việt Nam

(VOV) - Nhà xã hội học Thuỵ Điển Eva Lindskog đã dành cả cuộc đời và trái tim gắn bó với Việt Nam.

Bà có thể nói Tiếng Việt như người Việt. Hàng chục năm gắn bó với đất nước và con người Việt Nam, bà không chỉ tận tâm với những dự án xã hội học, những dự án xoá đói giảm nghèo đem lại những lợi ích to lớn cho cộng đồng, mà còn có hàng trăm tác phẩm ảnh có giá trị tư liệu cao về Việt Nam.

Việt Nam - sức hút kỳ lạ

Eva Lindskog là người Thuỵ Điển tích cực tham gia phong trào ủng hộ Việt Nam trong cuộc chiến chống Mỹ và bà được mời sang Hà Nội lần đầu vào tháng 3/1975. Bà là một trong những người nước ngoài đầu tiên đặt chân tới Hà Nội vào mùa xuân năm 1975, khi chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng hoàn toàn Miền Nam đang vào giai đoạn nước rút và được tận mắt chứng kiến cảnh người dân trong không khí tưng bừng khi đất nước thống nhất. Điều thúc đẩy Eva đến Việt Nam là bà muốn tìm hiểu vì sao một nước nhỏ, nghèo lại có thể đánh thắng một "đế quốc to" vang dội như vậy.

Hình ảnh được bà Eva Lindskog ghi lại trong lần đầu đến Việt Nam.

Hồi đó, bà đã ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc nhiều năm, ghi lại những hoạt động của nhân dân Việt Nam đồng lòng, đồng sức tất cả vì niềm tin chiến thắng. Bức ảnh bà chụp tháng 3/1975, cho thấy rất nhiều người xem tấm bản đồ chiến thắng nói về diễn biến của chiến dịch Hồ Chí Minh. Trong tấm ảnh có dòng chữ "Miền Nam tiến xông và nổi dậy mạnh mẽ", ở dưới có những tấm biển ghi diễn biến cũng như những con số thể hiện thắng lợi của quân và dân ta ở từng mặt trận Tây Nguyên, Bình Trị Thiên, Nam Bộ... Bà cũng có những bức ảnh ấn tượng về các nữ bộ đội ở Hải Phòng, về cuộc sống của người dân ở Hà Nội lúc bấy giờ...

Từ đó, Việt Nam đã có sức hút kỳ lạ để Eva Lindskog quay trở lại và gắn bó tới tận bây giờ.

Bà Eva Lindskog.

Eva Lindskog sinh năm 1947 tại Thuỵ Điển. Năm 1980, bà trở lại Việt Nam học Tiếng Việt và nghiên cứu về ngôn ngữ, văn hoá và hệ thống giáo dục của Việt Nam Từ năm 1986 đến năm 1989, bà làm quản lý dự án nâng cao điều kiện sống cho công nhân làm việc tại Nhà máy giấy Bãi Bằng- dự án liên doanh giữa Chính phủ Việt Nam và Thuỵ Điển.

Từ năm 1998, bà làm cố vấn tại Viện Môi trường Stockhom- Trung tâm Châu Á (Thuỵ Điển) về sự ảnh hưởng, phát triển của văn hoá và xã hội tại Việt Nam, Lào, Campuchia và Thái Lan. Từ năm 2010, bà về Thuỵ Điển sinh sống với gia đình con gái, nhưng vẫn nhiều lần trở lại Việt Nam khi tham gia một số dự án xoá đói giảm nghèo của Liên minh Châu Âu.

Theo bà Eva Lindskog, Việt Nam hấp dẫn bởi có truyền thống lịch sử văn hoá lâu đời, đất nước có nhiều phong cảnh tươi đẹp và đặc biệt là cách ứng xử thân thiện của người Việt Nam. Bà nói, điều bà thích nhất là thái độ ứng xử của người Việt Nam rất chân thành, sâu sắc, sống dựa vào tình cảm . Người Việt Nam cũng có truyền thống đoàn kết và giúp đỡ nhau. Phụ nữ Việt Nam rất duyên dáng...

Kho ảnh tư liệu có giá trị về Việt Nam

Vì muốn khám phá và hiểu sâu về văn hoá và cuộc sống của con người Việt Nam, nên bà Eva Lindskog đã quyết tâm học tiếng Việt. Vốn tiếng Việt cùng với sở thích chụp ảnh nhà xã hội học người Thụy Điển Eva Lindskog đã tạo được kho tư liệu quý giá gồm nhiều bức ảnh về Hà Nội và nông thôn miền Bắc từ những năm 75 - 80 của thế kỷ trước. Xem những bức ảnh tư liệu đầy quí giá này, nhà nhiếp ảnh Nguyễn Hữu Bảo nhận xét: “Có thể về nhiếp ảnh bà Eva là người nghiệp dư, nhưng cái nhìn của bà rất chuyên nghiệp”.

Rong ruổi khắp Hà Nội với chiếc máy ảnh, Eva ghi lại nhiều cảnh đời thường của người dân. Bà kể rằng: thời bao cấp, mọi người đều mua thực phẩm bằng tem phiếu, hình ảnh rất khác với cuộc sống của tôi ở Thụy Điển. Con phố Hàng Ngang, Hàng Đào hồi ấy vắng vẻ, chỉ có mấy chiếc xe đạp và người đi bộ. Và những quầy hàng Tết thời bao cấp, toa tàu đông đúc, một điểm vui chơi công cộng trong ngày lễ, một đám cưới mà chú rể đèo cô dâu bằng xe đạp…

Tất cả đã đi vào ống kính của Eva. Bà bảo thích chụp ảnh vì “bệnh nghề nghiệp”, muốn tìm hiểu về đời sống văn hóa, xã hội, kinh tế của Việt Nam. Bà nói, khi chụp ảnh bà không nghĩ nhiều đến tương lai là nó sẽ có giá trị. Bà chỉ muốn miêu tả cho gia đình và bạn bè ở Thụy Điển biết về cuộc sống của Việt Nam và giữ lại những kinh nghiệm về Việt Nam mà thôi.

Bà Eva Lindskog chụp ảnh chung cùng gia đình Hoạ sĩ Lê Thiết Cương.

Niềm say mê với nhiếp ảnh đã là cầu nối giúp cho bà Eva có thêm nhiều người bạn thân thiết ở Việt Nam. Hoạ sĩ Lê Thiết Cương ở Hà Nội kể rằng lần đầu tiên anh gặp bà Eva ở TP HCM khi bà đến xem một triển lãm cá nhân của anh. Sau đó bà có sưu tầm một số tranh, tượng của anh.

Nhưng chính nhiếp ảnh và quan niệm giống nhau về giá trị của nhiếp ảnh đã thúc đẩy hai người có những triển lãm chung: Đó là triển lãm Việt Nam 80 - 00 (giai đoạn 1980 - 2000) vào năm 2007 và triển lãm "Còn và Mất" vào tháng 2/2011. Theo hoạ sĩ Lê Thiết Cương, điểm chung giữa hai người là đều là những nhà nhiếp ảnh nghiệp dư. Hai người cùng quan niệm rằng ảnh phải có thông tin, thông điệp. Eva không có những bức ảnh đèm đẹp, mướt mát về phong cảnh, mà bà chụp ảnh theo tinh thần phóng sự- tư liệu- lưu giữ.

Những bức ảnh bà Eva chụp làm tư liệu cho riêng mình đã trở thành những tư liệu quí giá cho người Việt Nam khi nó được giới thiệu với công chúng. Xem những bức ảnh của Eva Lindskog, nhà nhiếp ảnh Dương Minh Long ở Thành phố Hồ Chí Minh nhận xét, đây là những ghi chép ấm áp, chia sẻ tấm lòng nhân hậu đối với Việt Nam. Từng khuôn hình cất giấu sự tinh tế của những câu chuyện dài về người nhập cư, về số phận những căn nhà trong phố cổ Hà Nội. Qua những bức ảnh của bà, thấy được tình cảm và tình yêu tha thiết mà bà dành cho Việt Nam.

Tâm huyết với văn hóa Việt và yêu những cái Tết Việt xưa

Là một nhà nghiên cứu văn hoá, một nhà xã hội học, Eva Lindskog tham gia nhiều hoạt động xoá đói giảm nghèo, phát triển bền vững, thúc đẩy bình đẳng giới và nâng cao năng lực cho các tổ chức hoạt động về giới ở Việt Nam… Là người Thụy Điển, nhưng bà nói Tiếng Việt thành thạo và điều đặc biệt hơn cả là có suy nghĩ, sinh hoạt tựa như một người Việt Nam. Bà có thể ăn cơm bằng đũa thành thạo, thích ăn đậu phụ chấm mắm tôm, cơm canh rau đay mồng tơi với cà...

Bà đã từng nhiều năm lăn lộn ở các tỉnh miền núi phía Bắc, chịu cái rét thấu xương mà những người Bắc Âu như bà cũng phải ớn lạnh. Bà đánh giá cao con người VN vẫn trân trọng và giữ gìn những giá trị truyền thống, dù cuộc sống có sự chuyển mình nhanh chóng. Thuần phong mỹ tục trong gia đình người Việt vẫn được gìn giữ.

Nhiều năm sống ở Việt Nam, Eva Lindskog có cơ hội được đón nhiều cái Tết của Việt Nam. Điều bà ấn tượng là những phong tục đẹp và độc đáo của người Việt trong dịp Tết. Dù ở nông thôn hay thành thị, mọi người luôn dành cho nhau những lời tốt đẹp trong ngày đầu tiên của năm mới; họ chuẩn bị Tết không chỉ cho riêng mình mà cho tất cả mọi người, thăm viếng người thân và hàng xóm, may sắm quần áo… Bà lại có những ký ức không thể nào quên về những cái Tết thuở còn nhiều thiếu thốn khi bà sống ở "làng Thuỵ Điển" ở Nhà máy giấy Bãi Bằng.

Bà kể: "Tết Hà Nội xưa vào những năm 80 của thế kỷ trước rất cảm động. Lúc đó, cuộc sống của người dân Việt Nam còn thiếu thốn, cả năm ăn chỉ có ăn cơm rau. Nhưng Tết đến thì gia đình nào cũng cố gắng sao cho phải có một cái Tết tươm tất, có đầy đủ thịt mỡ, dưa hành, bánh chưng, bánh kẹo... Các gia đình đều sum vầy bên nhau. Khi đó, nhà nào cũng mời Eva đến "ăt Tết". Đến nhà ai cũng được mời ăn cỗ, ăn từ sáng đến tối. Lần đầu không biết nên tôi đã trót ăn thật no, đến các nhà sau không ăn được nữa. Lần sau thì đến các nhà đầu tiên mình ăn ít thôi, giữ chỗ trong bụng để mà hết ngày vẫn ăn được ở gia đình cuối cùng. Kể xong bà cười thật vui..."

Bà Eva Lindskog đã dành trọn cuộc đời và tình cảm cho Việt Nam. Người con gái của bà được bà đặt tên là Maria Liên, bởi "Liên" theo âm Hán có nghĩa là hoa sen và phát âm theo tiếng Thụy Điển cũng không khó. Giờ đây, bà vẫn giữa bức ảnh đen trắng chụp bà và con gái 3 tuổi với những người bạn Việt Nam vào những 80 của thế kỷ trước. Thời gian đó, bà sang Việt Nam học Tiếng Việt và hai mẹ con bà sống ở khu tập thể Trung Tự- Hà Nội. Hiện tại con gái bà đã có gia đình riêng ở Thụy Điển và có hai con gái.

Dấu chân bà Eva đã đặt ở khắp các tỉnh, thành phố của dải đất hình chữ S mà mà nặng lòng yêu thương. Nhưng nơi mà bà yêu thích nhất vẫn là Hà Nội và coi Hà Nội là "quê nhà". Bà nói giọng Hà Nội. Bà yêu khu phố cổ và nếp sống của người dân phố cổ. Bà thích đi bộ và thư giãn ở đường Thanh Niên để thưởng thức sự trong lành của gió, nước và cây xanh, ngắm ánh hoàng hôn mỗi chiều trên Tây Hồ.

Bà Eva Lindskog giờ đây đã về sum vầy tuổi già với những người thân trong gia đình ở Thuỵ Điển, nhưng tình cảm của bà vẫn dành trọn cho Việt Nam. Bà nói VN luôn hiện hữu trong tim bà, nên bà tìm mọi cơ hội để trở lại Việt Nam. Bà cũng ước mơ sẽ có dịp đưa cả gia đình đến Việt Nam. Bởi ở nơi mà bà coi là "quê nhà" này, có rất nhiều người bạn luôn luôn nhớ bà, có những góc phố Hà Nội vẫn đợi cùng bà chia sẻ những cảm xúc khó nói lên lời, như lần bà đến Việt Nam vào mùa xuân đầu tiên cách đây gần 4 chục năm.../.                                                                                             

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

NSND Lan Hương suốt đời nhớ ơn đạo diễn của “Em bé Hà Nội”
NSND Lan Hương suốt đời nhớ ơn đạo diễn của “Em bé Hà Nội”

(VOV) - Đạo diễn Hải Ninh chính là người giúp NSND Lan Hương đến với con đường nghệ thuật bằng vai diễn để đời - "em bé Hà Nội" Ngọc Hà.

NSND Lan Hương suốt đời nhớ ơn đạo diễn của “Em bé Hà Nội”

NSND Lan Hương suốt đời nhớ ơn đạo diễn của “Em bé Hà Nội”

(VOV) - Đạo diễn Hải Ninh chính là người giúp NSND Lan Hương đến với con đường nghệ thuật bằng vai diễn để đời - "em bé Hà Nội" Ngọc Hà.

Nhà hát Chèo Hà Nội tưng bừng khai diễn đón Xuân
Nhà hát Chèo Hà Nội tưng bừng khai diễn đón Xuân

(VOV) - Nhân dịp Tết Quý Tỵ 2013, Nhà Hát chèo Hà Nội có nhiều chương trình biểu diễn đón Xuân đặc sắc.

Nhà hát Chèo Hà Nội tưng bừng khai diễn đón Xuân

Nhà hát Chèo Hà Nội tưng bừng khai diễn đón Xuân

(VOV) - Nhân dịp Tết Quý Tỵ 2013, Nhà Hát chèo Hà Nội có nhiều chương trình biểu diễn đón Xuân đặc sắc.