“Nhà Phú Thọ học” kết nối văn hóa đất Tổ Hùng Vương

(VOV) - Ông được gọi là "nhà Phú Thọ học" bởi những công trình nghiên cứu đồ sộ về lịch sử văn hóa thời đại Hùng Vương.

Ông là nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Xương, người đã có công không nhỏ trong việc nghiên cứu, sưu tập văn hoá dân gian, về thời đại các Vua Hùng dựng nước và dấu ấn của các vỉa tầng văn hóa cổ ở vùng đất Tổ; góp sức để hai di sản văn hóa ở Phú Thọ là "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương" và "Hát Xoan Phú Thọ" được UNESCO công nhận là di sản văn hóa của thế giới.

Tên tuổi của nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Xương ở Phú Thọ được giới nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam ghi nhận như là một trong những người đã góp phần kết nối hiện tại với quá khứ từ thời đại Hùng Vương, giúp con cháu hôm nay nhận diện và tỏ tường hơn “gương mặt” tổ tiên. Những công trình khảo cứu, nghiên cứu của ông như: Truyền thuyết Hùng Vương; Địa chí văn hóa dân gian Phú Thọ; Văn hóa làng Phú Thọ; Văn hóa Việt-Mường trong mối quan hệ truyền thống; Tục ngữ, ca dao dân ca Phú Thọ; Hát Xoan Phú Thọ.v.v..được người dân Phú Thọ coi như những “bách khoa thư” về lịch sử, khảo cổ học, xã hội học, dân tộc học, văn hóa văn nghệ dân gian của quê hương đất Tổ.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Xương nhận bằng khen của tỉnh Phú Thọ năm 2013

Gặp lại nhà nghiên cứu dân gian dịp Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng 2013, ông vui lắm bởi tỉnh Phú Thọ lần thứ hai được đón bằng của UNESCO công nhận các di sản của đất Tổ là di sản văn hóa thế giới. Ông cho rằng đây là niềm vinh dự không phải riêng cho Phú Thọ, mà chung cho toàn dân tộc và vinh dự chung cho giới trí thức nghiên cứu di sản văn hóa dân tộc Việt Nam.

Với di sản hát Xoan, đã có nhiều nhà nghiên cứu, nhạc sĩ nghiên cứu, tìm hiểu, nhưng người để cả đời nghiên cứu có hệ thống, đầy đủ về hát Xoan có lẽ không ai khác ngoài Nguyễn Khắc Xương. Là người có kiến thức uyên thâm về nhiều lĩnh vực khảo cổ, lịch sử, ngôn ngữ, tín ngưỡng, dân tộc học, xã hội học..., ông đã dành nửa thế kỷ nghiên cứu, tìm hiểu sâu về loại hình dân ca này.

Không những sưu tầm được văn bản cổ nhất của 14 quả cách hát Xoan bằng văn bản chữ Nôm, mà công lao lớn nhất của ông là đã làm rõ những đặc điểm nổi bật của hát Xoan nhằm giúp thế hệ hôm nay có một cái nhìn sâu sắc về những giá trị nhân văn của di sản này. Trong cuốn sách “Hát Xoan Phú Thọ”, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Khắc Xương đã đi sâu phân tích không chỉ cái cốt lõi là âm nhạc đến hình thức diễn xướng của từng quả cách, mà cả về mọi tục lệ của nó như tục giữ, cửa đình, tục kết chạ, tục tế lễ tục phường họ...

Chính cuốn sách “Hát Xoan Phú Thọ” mà nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Xương đã phải mất hơn 40 năm sưu tầm, nghiên cứu mới hoàn thành, đã trở thành tài liệu nền tảng và quý giá nhất trong bộ hồ sơ trình UNESCO công nhận hát Xoan là "Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cần được bảo vệ khẩn cấp".

Trong thời chiến và bao cấp còn bao thiếu thốn, chỉ với một chiếc xe đạp cà tàng và “cơm nắm, muối vừng” mang theo, nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Xương đã lặn lội đến khắp các làng Xoan ở hai tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc để tìm đến các nghệ nhân hát Xoan, kiên trì, bền bỉ ghi chép từng lời, từng câu Xoan cổ của các nghệ nhân cao tuổi.

Tuổi đã cao nhưng nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Xương vẫn miệt mài làm việc

Chính vì thế, trong tâm trí của những nghệ nhân hát Xoan như bà Nguyễn Thị Lịch, trùm phường Xoan An Thái, xã Phượng Lâu - một trong 4 phường Xoan cổ ở thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, ấn tượng về nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Xương vô cùng sâu sắc. Ông rất dày công nghiên cứu hát Xoan và tỉ mỉ về hát Xoan và tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và rất có công đối với hai di sản này.

Là người bạn thân thiết của nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Khắc Xương, nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn, hội viên Hội văn nghệ dân gian VN cũng khẳng định, "nếu nói là nhà nghiên cứu văn hóa dân gian thì ở Phú Thọ ông Xương là nhà nghiên cứu văn hóa dân gian xứng đáng là được vinh danh".

Hát Xoan gắn liền với những huyền sử của thời đại Hùng Vương dựng nước. Nghệ thuật hát Xoan là sợi dây kết nối thế hệ hôm nay với tổ tiên, với cội nguồn dân tộc- một loại hình nghệ thuật dân gian góp phần làm nên “tâm hồn Việt”. Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Khắc Xương đã góp phần làm cho sợi dây kết nối ấy thêm bền chặt...

Với di sản "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ", nhiều công trình nghiên cứu của nhà nghiên cứu dân gian Nguyễn Khắc Xương đã góp phần quan trọng cho các viện khoa học, các nhà nghiên cứu ở nước ta làm sáng tỏ lịch sử thời đại Hùng Vương dựng nước. Đặc biệt, cuốn sách "Truyền thuyết Hùng Vương" của ông xuất bản năm 1971, đến nay vẫn giữ nguyên giá trị.  Mới đây nhất, (năm 2012) Hội Liên hiệp văn học - nghệ thuật Phú Thọ đã ấn hành cuốn "Truyền thuyết Hùng Vương và bình minh lịch sử" của ông. Với nhà nghiên cứu dân gian Nguyễn Khắc Xương, nghiên cứu về thời đại Hùng Vương là tâm huyết của cả cuộc đời ông.

Những nghiên cứu của nhà văn hóa dân gian Nguyễn Khắc Xương đã đóng góp những cơ sở khoa học quan trọng trong hồ sơ về "Tín ngưỡng thờ cùng Hùng Vương ở Phú Thọ" để UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. GS-TS Ngô Đức Thịnh - Ủy viên hội đồng di sản văn hóa quốc gia rất trân trọng những đóng góp của nhà nghiên cứu dân gian Nguyễn Khắc Xương.

"Khi tôi là sinh viên thì tôi đã đọc cuốn sách của ông Xương, ông là người có công sưu tầm về văn hóa dân gian, trong đó có Tín ngưỡng Hùng Vương và là người hiểu về Vua Hùng và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Chúng tôi là những người nghiên cứu văn hóa dân gian đánh giá rất cao những đóng góp của cụ" - GS Ngô Đức Thịnh nói..       

Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Xương sinh ngày 25/10/1922, tại làng Khê Thượng, Ba Vì, là con trai trưởng của thi sĩ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu. Người con của xứ Đoài lên Phú Thọ từ 1949, thời kháng Pháp, rồi định cư ở đây. Nhìn danh mục tác phẩm của Nguyễn Khắc Xương, thấy rõ ông dành cả cuộc đời mình để làm các công trình về 3 mảng đề tài lớn: nghiên cứu về Tản Đà; nghiên cứu về truyền thuyết Hùng Vương và sự ra đời nhà nước Văn Lang; sưu tầm hát xoan Phú Thọ. Với những đóng góp to lớn của mình, ông được trao giải thưởng VHNT Hùng Vương đợt 1 (1985), Huy chương vì sự nghiệp VHNT Việt Nam; Giải thưởng Nhà nước về văn học- nghệ thuật năm 2012.

Ở tuổi hơn 90 tuổi, mái tóc giờ đã trắng như cước, dù sức khỏe không còn được như xưa, nhưng đôi mắt ông vẫn tinh anh tâm lực, trí lực dẻo dai, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Khắc Xương vẫn hàng ngày viết báo, tiếp tục cống hiến cho những công trình đồ sộ với những giá trị hiện thực và tâm linh.

Với những người đang sống và làm việc ở đất Tổ Phú Thọ, như ông Phạm Bá Khiêm - Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Phú Thọ, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Khắc Xương là con chim đầu đàn, là tấm gương sáng trong nghiên cứu khoa học. Giờ đây dù tuổi cao sức yếu vẫn đang ấp ủ nhiều đề tài nghiên cứu về đất Tổ. Ông hiện có khoảng 1 nghìn trang tư liệu về "Trăm họ một nhà" và vẫn tiếp tục hoàn thành công trình của mình.

Nơi kinh đô Văn Lang, thành phố ngã ba sông, trên đất thiêng trung du, người con của xứ Đoài mây trắng Nguyễn Khắc Xương đã coi Phú Thọ là quê hương thứ hai, đóng góp nhiều trí và lực để làm sống lại những giá trị văn hóa quí giá của đất Tổ. Đất và người nơi đây, cũng như nhân dân cả nước, đã, đang và sẽ trân trọng ông như một di sản - người góp sức khơi dòng chảy tự hào về truyền thống, đạo lý dân tộc và truyền lại mãi mãi cho các thế hệ con cháu mai sau.../.    

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên