Nhà văn Cao Duy Sơn: “Tôi đã gọi được tên quê hương”

Ông là Nhà văn người Tày, vừa được trao Giải thưởng văn học Đông Nam Á 2009 (2009 SEA Writers Award) với tập truyện “Ngôi nhà xưa bên suối”.

Trước đó, tác phẩm này cũng được trao giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2008. Tác phẩm của ông được đánh giá là có “bút pháp dung dị, phác thảo mộc mạc chân dung người miền núi, thể hiện đậm nét văn hoá, phong tục và lối sống của đồng bào dân tộc”. Phóng viên VOV đã có cuộc phỏng vấn với nhà văn Cao Duy Sơn.

** Phóng viên (PV): Cảm tưởng của ông khi giành “cú đúp” ngoạn mục với “Ngôi nhà xưa bên suối”?

Nhà văn Cao Duy Sơn: Khi sáng tác, khi viết văn, không ai nhăm nhăm viết để giành lấy giải thưởng, tìm sự nổi tiếng. Viết văn với tôi là sự giải toả, sự trả nợ đối với quê hương, với những người thân quen, với vùng đất đã nuôi mình lớn lên. Khi nhận được giải thưởng này là một vinh dự và tự hào lớn lao. Vinh dự với cá nhân là một phần, nhưng vinh dự đối với quê hương rất lớn, vì thông qua tác phẩm của tôi được trao giải, tôi đã giới thiệu vùng quê nghèo, vùng đất Cô Sầu nghèo ở Cao Bằng để mọi người biết đến. Tôi đã gọi được tên quê hương để cho mọi người biết đến.

Tác phẩm được đánh giá ở tầm khu vực là sự khích lệ lớn đối với tôi. Bởi giải thưởng của riêng cá nhân, song cũng là tiếng nói của nhà văn Việt Nam trên diễn đàn văn học khu vực.

** PV: Ông rút ra được kinh nghiệm gì từ sau giải thưởng này?

Nhà văn Cao Duy Sơn

Nhà văn Cao Duy Sơn: Trước hết là có thời gian để chiêm nghiệm lại chính bản thân mình nhiều hơn, để từ đó có lối viết sinh động, nhanh hơn, thực tế và khái quát hơn.

** PV: Vẫn là đề tài về Cô Sầu, nơi ông đã sinh ra và lớn lên, điều này có khó khăn và thuận lợi gì trong mỗi lần bắt tay thực hiện tác phẩm?

Nhà văn Cao Duy Sơn: Mỗi một ngày đi qua tôi thấy mình có sự trưởng thành hơn rất nhiều. Ngay từ khi tôi viết tác phẩm đầu tiên cho đến bây giờ đều mang hơi thở của miền núi rất rõ ràng. Bản thân tôi khi viết tác phẩm là một phần của máu thịt mình, cho nên khi mình tư duy và viết là tư duy của một người con dân tộc và miền núi. Điều đó mang lại cho tôi những thuận lợi, song có khó khăn là khi sử dụng ngôn ngữ của người Kinh, ngôn ngữ phổ thông để chuyển tải thành ngôn ngữ văn học hiện nay thì tác phẩm phải có sự chuyển dịch thật là chính xác. Tôi muốn nói ngôn ngữ đó phải đậm đà tâm hồn của một người dân tộc miền núi.

** PV: Đây là tập truyện tập hợp các truyện ngắn ông viết trong 7 năm, và các tiểu thuyết ông cũng đều viết chậm, chẳng hạn “Đàn trời” ông viết trong 4 năm mới xong. Liệu có phải ông khó tính với “những đứa con tinh thần” của mình?

Nhà văn Cao Duy Sơn: Đối với tôi không có tác phẩm nào viết dễ dàng cả. Tiểu thuyết thường là vài năm. Truyện ngắn cũng vậy, một năm tôi chỉ viết 2 đến 3 truyện ngắn là cùng. Tôi viết rất khó nhọc. Thêm nữa, đối với tôi, văn chương là một cái gì đó rất cao quí mà mình đến với nó không phải giống như một cuộc chơi, mà phải có trách nhiệm với từng câu, từng chữ. Việc lựa chọn những từ ngữ, chương đoạn, hoặc chi tiết phải đặt nó thật đúng chỗ, chính xác. Để làm được đầy đủ điều đó thì phải viết một cách rất thận trọng.

Nhà văn Cao Duy Sơn và các nhà văn đoạt giải trong buổi giao lưu với công chúng tại Thư viện quốc gia Thái Lan

** PV: Trong tập truyện “Ngôi nhà xưa bên suối”, thông điệp quan trọng nhất mà nhà văn muốn chuyển tải tới độc giả?

Nhà văn Cao Duy Sơn: Tôi cho rằng, trong mỗi tác phẩm văn học nghệ thuật đều phải đậm chất văn hoá. Văn hoá của dân tộc Tày là một phần của văn hoá dân tộc Việt Nam. Thông điệp tôi muốn gửi tới cho tất cả mọi người biết rằng: dù sống thế nào cũng phải giữ lấy bản sắc văn hoá truyền thống. Đó là sự nuôi dưỡng lâu bền nhất đối với con người không những trong đời sống tâm hồn, đời sống văn hoá, mà còn cả trong đời sống vật chất, trong quan hệ giữa người với người và muôn đời nó sẽ giữ được những điều tốt đẹp mãi.

Có một điều đáng buồn là ở những vùng quê miền núi, những trẻ em ở những vùng thị trấn, thị tứ hoặc là thị xã cũng đã dần quên đi nét văn hoá truyền thống của dân tộc mình. Tôi cho rằng, trách nhiệm thuộc về xã hội một phần, nhưng trước hết là thuộc về các bậc sinh thành, tức là ông bà cha mẹ. Điều tôi mong muốn là làm sao nối dài truyền thống văn hoá đó, làm sao cho con cháu của mình hiểu giá trị của văn hoá truyền thống đối với cuộc sống lâu dài của con người. Con người ta ăn để tồn tại, nhưng văn hoá đem lại cho người ta biết cách sống, lâu bền hơn, đi đến hết cuộc đời của mình./.

++ Nhà văn Cao Duy Sơn tên thật là Nguyễn Cao Sơn, sinh năm 1956 tại Trùng Khánh, Cao Bằng, bắt đầu sự nghiệp sáng tác văn học năm 1984 và hiện là Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc Việt Nam.

++ Ông đã có 9 tác phẩm xuất bản, gồm 5 tiểu thuyết: Người lang thang, Cực lạc, Hoa mận đỏ, Đàn trời, Chòm ba nhà (tiểu thuyết mới nhất của ông vừa ra mắt, do Nhà xuất bản Lao động ấn hành) và 4 tập truyện ngắn: Những chuyện ở lũng Cô Sầu, Những đám mây hình người, Hoa bay cuối trời và ngôi nhà xưa bên suối.

++ Cao Duy Sơn là nhà văn thứ 13 của Việt Nam được trao giải thưởng Văn học Đông Nam Á. Tác giả Việt Nam đầu tiên được nhận giải thưởng này là nhà thơ Tố Hữu vào năm 1996. Các nhà văn, nhà thơ Ma Văn Kháng, Hữu Thỉnh, Nguyễn Khải, Inra Sara… đã vinh dự được nhận giải thưởng này. Năm 2008, nữ nhà văn trẻ Nguyễn Ngọc Tư cũng được nhận giải thưởng này với tập truyện Cánh đồng bất tận./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên