Nhiều hoạt động văn hoá, nghệ thuật vui xuân

Hôm nay (29/1), Hà Nội khai hội Xuân Hoàng Thành; Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam tổ chức nhiều hoạt động văn hoá nghệ thuật, giới thiệu các điệu múa, điệu hát, trò chơi trong lễ hội dân gian của một số dân tộc.

Bắt đầu từ hôm nay (29/1), mùng 4 Tết Nguyên đán Kỷ Sửu, tại Hà Nội, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam tổ chức Hội vui Xuân với nhiều hoạt động văn hoá nghệ thuật, giới thiệu các điệu múa, điệu hát, trò chơi trong lễ hội dân gian của một số dân tộc.

Tiêu biểu như Hội trình nghề “Tứ dân chi nghiệp”, hay còn gọi là trò “Bách nghệ khôi hài” được người dân ở huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ trình diễn. Múa rối nước dân gian của phường rối nước Hồng Phong, Hải Dương với các tích trò độc đáo, vui nhộn. Múa khèn, thổi kèn lá, đàn môi của người H’Mông ở huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái. Thư pháp của người Việt.

Từ mùng 5 Tết, du khách còn được thưởng thức món ăn truyền thống của người Thái. Tối mùng 4 Tết, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam tổ chức đốt pháo bông.

Bà Trần Thu Thuỷ, Phó Trưởng phòng Giáo dục, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cho biết: “Năm nay, Bảo tàng tổ chức nhiều hoạt động khác nhau, bao gồm cả trình diễn, chơi và thi trò chơi dân gian, và bao gồm cả hoạt động hướng dẫn khách tham quan có thể tham gia làm một số sản phẩm về trâu, bởi vì năm nay là năm trâu, trình diễn in tranh Đông Hồ. Điểm nhấn của Bảo tàng năm nay là chương trình trình diễn nghề Tứ dân chi nghiệp hay còn gọi là Bách nghệ khôi hài là phần hội trong lễ hội Trò Trám, mang đậm tính chất phồn thức không chỉ Việt Nam mà cả Đông Nam Á”.

Khai hội Xuân Hoàng Thành

Dịp Tết Nguyên đán Kỷ Sửu 2009, Trung tâm bảo tồn Khu di tích Cổ Loa - Thành cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tại khu di tích Thành Cổ. Đây là điểm nhấn trong chuỗi hoạt động văn hóa đón xuân mới 2009 tại Hà Nội. Hội xuân Hoàng thành Thăng Long hội đủ các hoạt động văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc Việt Nam từ tế lễ, trưng bày cổ vật, đến hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống, cây cảnh-đá-lũa nghệ thuật, trình diễn thư pháp, biểu diễn múa rồng, các loại hình nghệ thuật truyền thống ca trù, chèo, dân ca, trò chơi dân gian như thả chim bồ câu, chọi gà…

Với nhiều nội dung phong phú, Hội Xuân Hoàng Thành Thăng Long là một trong những địa điểm lý thú ngày Tết, để nhân dân Thủ đô vừa vui chơi, thưởng thức vừa hiểu biết thêm giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể dân tộc. Ông Trần Quang Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cổ Loa, Thành cổ Hà Nội cho biết: “Trung tâm Trung tâm Bảo tồn di tích Cổ Loa, Thành cổ Hà Nội đang phối hợp với các tập thể, cá nhân, cơ quan, đơn vị tiến hành trưng bày triển lãm tại khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long, đồng thời với đó là các hoạt động văn hoá truyền thống cũng được tổ chức từ ngày 4 Tết âm lịch đến hết ngày Rằm tháng Riêng, phục vụ đồng bào và du khách vui xuân đón Tết./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên