Những người giữ linh hồn dân tộc

(VOV) - Hai câu chuyện nhỏ về những con người bình dị mà khi đối diện ta như thấy được tiếp xúc với văn hóa của cả một dân tộc.

Người Pu Péo mang lời thề giữ rừng

Dân tộc Pu Péo là một trong năm dân tộc ít người nhất nước ta. Hiện chỉ có 680 người Pu Péo cư trú ở 4 huyện vùng cao tỉnh Hà Giang. Trong đó, thôn Trúng Trải, xã Phó Là, huyện Đồng Văn là nơi tập trung đông người Pu Péo nhất. Gắn bó với rừng, coi rừng là vị thần linh thiêng nhất, người Pu Péo bao đời nay vẫn duy trì lễ cúng thần rừng và giữ lời thề thiêng liêng: lời thề giữ rừng.

Nhà ông Tráng Mìn Hồ ngay trước khu rừng thiêng của người Pu Péo

Ông Tráng Mìn Hồ, bí thư chi bộ thôn Trúng Trải là người đứng đầu thực hiện các lễ cúng thần rừng trong hơn hai mươi năm qua. Hằng năm cứ đến ngày mùng 6 tháng 6 là ông lại cùng bà con trong thôn chuẩn bị và tiến hành lễ cúng này. Theo quan niệm của người Pu Péo, thần rừng quản lý tất tần tật con người, con vật, những bệnh tật, sâu bọ, ruộng nương nên phải cúng tạ ơn và cầu mong cuộc sống thuận lợi.

Bài cúng trong lễ cúng thần rừng chính là lời thề giữ rừng của người Pu Péo. Nội dung bài cúng kêu gọi Thần Trời, thần Đất, thần Rừng về chứng kiến lễ cúng, hưởng thịt gà, thịt dê và phù hộ cho con người khoẻ mạnh, mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt. Cầu cho rừng ngày một xanh tốt chở che cho con người. Bà con Pu Péo xin thề trước thần Rừng sẽ giữ gìn rừng thật tốt, ai săn bắn, chặt cây trong rừng sẽ bị thần Rừng trừng phạt.


Ông Tráng Mìn Hồ mang lời thề giữ rừng cho bà con Pu Péo hơn 20 năm qua

Người Pu Péo thành kính thực hiện lời thề rất nghiêm cẩn.. Ông Tráng Mìn Hồ chính là người thực hiện lời thề ấy nghiêm cẩn nhất. Ông bảo ông bà đã dạy rằng có những cây to kể cả cành khô rơi xuống cũng không được đi nhặt. Những con chim, thú rừng không ai được bắt. Nếu ai bắt được thì cũng phải thả đi, không được lấy. Lúc đi vào trong rừng, có buồn đi vệ sinh cũng không được đi trong ấy. Lời răn dạy yêu quý thiên nhiên ấy được ông truyền lại cho con cháu và những người dân Pu Péo trong bản làng. Khu rừng thiêng bao quanh thôn Trúng Trải bao năm rồi vẫn tươi xanh, không hề bị xâm phạm.

Nhận lời thề giữ rừng từ ông cha truyền lại, ông Tráng Mìn Hồ vẫn mong được trao lại trách nhiệm này cho thế hệ tiếp theo. Nhưng ông bảo việc ấy không thể nào vội được, người trẻ bây giờ còn phải đi học lên cao, văn hóa dân tộc sẽ ngấm dần vào con người họ. Người Pu Péo bây giờ không chỉ cần biết về văn hóa dân tộc mình mà phải hiểu cả về thế giới rộng lớn ngoài kia.

Cầm xe máy để xây nhà  văn hóa

Thôn Khuổi Cấp là thôn xa nhất, đường đi lại khó khăn nhất của xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn. Thôn chỉ có 23 hộ, toàn bộ là người Dao. Cái thôn nhỏ bé nằm ngay dưới chân núi Mẫu Sơn, ngước lên nhìn thấy khu du lịch điện đuốc sáng trưng mà bao đời nay chưa từng biết thế nào là điện lưới. Cái thôn nhỏ bé sống êm đềm thuận hòa gần 40 năm nay dưới sự “cai quản” của ông trưởng thôn Triệu Trần Sửu.

Người đàn ông 57 tuổi, nhanh nhẹn, có đôi mắt sáng tinh nhanh này đã làm trưởng thôn từ khi là chàng thanh niên 19 tuổi. Ở bản làng của đồng bào dân tộc, trẻ tuổi mà đã được đứng đầu một thôn như thế là uy tín của ông rất cao. Bà con bầu người đứng đầu bằng niềm tin vào cái Tâm của họ. Trong 40 năm ấy, tất cả các buổi họp thôn, tuyên truyền phổ biến chính sách, các cuộc hòa giải đều diễn ra dưới mái nhà ông Sửu. Ông vẫn mong ước thôn mình có một cái nhà văn hóa làm không gian sinh hoạt cộng đồng, nhưng thôn chỉ có 23 hộ, cuộc sống bà con con nhiều khó khăn nên không thể góp đủ tiền để xây nhà.

Tới khi được Bộ Văn hóa- Thể Thao – Du lịch cấp cho 25 triệu để xây nhà văn hóa, ông Sửu đã huy động bà con góp công góp sức để xây. Nhưng nhà phải xây xong, nghiệm thu xong mới được lĩnh hết tiền. Bà con thì nghèo, lấy đâu tiền ứng trước. Ông Sửu quyết định đem cầm bằng lái và đăng ký xe máy để được lấy vật liệu xây dựng. Trong suốt những năm làm trưởng thôn, ông đã nhiều lần cố gắng hết sức mình để bà con được thụ hưởng các chính sách của Nhà nước như thế.

Các hộ nấu rượu như thế này được động viên không dùng men hóa học

Với ông, việc làm trưởng thôn rất giản dị là giúp đời sống bà con ổn định, không có trộm cướp, đánh cãi nhau trong làng, ứng xử với nhau bằng văn hóa và tình người. Hàng ngày ông đi quanh thôn xóm để xem có vụ việc gì thì giải quyết ngay. Thôn chỉ có hơn 20 mái nhà song đôi khi vẫn có những xích mích nọ kia. Là người có uy tín với bà con nên ông hòa giải các vụ đều thành công. Ông còn khuyến khích bà con tích cực làm ăn, nấu rượu đem bán thì đừng dùng men hóa học, không tốt cho người uống…

Cứ công việc làm cho bà con thôn bản là ông Sửu không quản ngại khó khăn. Ông làm trưởng thôn từ ngày không có một đồng phụ cấp nào. Bây giờ phụ cấp được khoảng 400 nghìn đồng cũng không đáng là bao. Khó khăn, vất vả nhiều nhưng ông bảo khi nào bà con trong thôn còn tín nhiệm thì ông còn làm trưởng thôn. Ông còn phải giúp bà con xin Nhà nước mang điện về thôn bản, làm đường nước để trồng cấy dễ dàng hơn. Cuộc sống của bà con ngày càng no ấm ông mới thấy yên lòng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên