Phật giáo trong tiến trình phát huy văn hóa dân tộc

VOV.VN -Gần 100 đại biểu đến từ 10 quốc gia, vùng lãnh thổ sẽ thảo luận về vấn đề này trong 2 ngày 8 và 9 tới tại Hạ Long

Trong hai ngày 8 và 9 tháng 11/2013, tại thành phố Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) diễn ra Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Phật giáo châu Á và Việt Nam trong tiến trình phát huy văn hóa dân tộc”.

Sự kiện này do Viện Triết học (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội ViệtNam) và Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội phối hợp tổ chức.

Tham gia Hội thảo có gần 100 đại biểu, gồm những bậc chư tôn giáo phẩm, chư vị Tăng, Ni, Phật tử, học giả, nhà nghiên cứu đến từ gần 10 quốc gia, vùng lãnh thổ, gồm Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Myanma,  Lào, Campuchia, Đài Loan, với nhiều tham luận khoa học có giá trị.

Các vấn đề đề được đưa ra Hội thảo lần này sẽ bao gồm: Lý luận chung về Phật giáo trong phát huy văn hoá dân tộc; Các giá trị của Phật giáo phát huy trong thời hiện đại; Từ quan niệm của Phật giáo nhìn nhận các vấn đề xã hội Việt Nam ngày nay; Phật giáo Việt Nam hiện đại nhìn từ góc độ tư tưởng; Phật giáo Việt Nam và xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc; Phật giáo Việt Nam với vấn đề giáo dục, an sinh xã hội và xây dựng văn hoá cơ sở; Sức sống Phật giáo Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; Lý luận và kinh nghiệm quá trình hiện đại hóa Phật giáo tại các nước châu Á; Phật giáo Việt Nam hiện đại với Phật hoàng Trần Nhân Tông và Thiền phái Trúc Lâm...

Theo Thượng tọa – Tiến sĩ Thích Thanh Đạt, Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, những năm gần đây, một loạt các nước châu Á và Việt Nam đã có những bước chuyển mạnh mẽ trong quá trình hiện đại hóa Phật giáo, mang lại sức sống mới cho Phật giáo, vừa để Phật giáo giúp ích hơn cho xã hội tại các quốc gia và vùng lãnh thổ đó. Trong thời đại toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng, vấn đề nâng cao vai trò của Phật giáo trong phát huy giá trị văn hóa dân tộc, trong đó đặc biệt là Phật giáo ở Việt Nam – đặt trong bối cảnh và mối tương quan với các nước châu Á – là hết sức cần thiết và có ý nghĩa.

Những đóng góp từ phía Học viện tại hội thảo lần này chủ yếu được đúc rút từ kết quả những nghiên cứu, tập hợp kinh nghiệm quốc tế, những hiểu biết thu được từ những chuyến đi khảo sát và học tập kinh nghiệm từ các vùng miền ở Việt Nam.

Qua hội thảo, Ban Tổ chức sẽ thu được những đóng góp quý giá bổ sung vào đề tài độc lập cấp Nhà nước "Phật giáo Việt Nam trong đời sống văn hoá và xây dựng khối Đại đoàn kết dân tộc trong thời kỳ mới" mà Học viện đang thực hiện.

Tiến sĩ Nguyễn Tài Đông, Phó viện trưởng Viện Triết học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam chia sẻ: Ngoài việc trao đổi lý luận và kinh nghiệm về hiện đại hóa Phật giáo, Phật giáo trong tiến trình phát huy văn hóa dân tộc giữa các học giả Việt Nam và châu Á, thông qua Hội thảo này, chúng tôi hy vọng sẽ tăng cường hợp tác để cùng nhau chia sẻ kiến thức, phương pháp nhằm mở rộng giao lưu học thuật trên các lĩnh vực các bên cùng quan tâm./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên