Phu Văn Lâu bị sập: Thêm nỗi buồn cho việc bảo tồn di sản

VOV.VN - Sự việc sập mái di tích Phu Văn Lâu ở Huế thực tế đã viết tiếp thêm một câu chuyện bảo tồn, theo một cách khác.

Sáng ngày 15/5/2014, nhiều người dân Huế và du khách đi qua đường Lê Duẩn, TP Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế) - đoạn trước Kinh thành ngỡ ngàng thấy Phu Văn Lâu bị sập một góc mái. Khi mà dư âm Festival Huế trong tháng 4 vẫn chưa kết thúc, thì việc Phu Văn Lâu bỗng dưng bị sập như gợi tiếp một câu chuyện trong vấn đề di sản theo một góc khác...

Phu Văn Lâu – viên ngọc trước Kinh thành Huế

Phu Văn Lâu là một công trình kiến trúc có vị trí và vai trò quan trọng bậc nhất trong quần thể di tích cố đô Huế. Phu Văn Lâu nằm phía trước Kỳ Đài – bên ngoài Kinh thành, trên trục thần đạo của Kinh Thành và Hoàng thành. Vị trí này xưa kia là cạnh đường “quan lộ” (nay là quốc lộ 1A). Đây được coi như điểm chuẩn để tính đường lên rừng xuống biển, ra bắc vào nam từ Kinh đô Huế.

Phu Văn Lâu nằm phía trước Kỳ Đài (Ảnh: Hà Thành)

Tại địa điểm này, từ đầu thời Gia Long nhà Nguyễn, triều đình đã cho dựng một Bảng Đình (đình treo bảng). Đến cuối thời Gia Long, vào năm 1819, nó được thay thế bằng một công trình kiến trúc bằng gỗ 2 tầng và đổi tên thành Phu Văn Lâu.

Tên của công trình này đã nói lên chức năng của nó: “Phu” nghĩa là bày ra, ban bố; “Văn” là các loại văn bản của triều đình như chiếu thư, dụ chỉ; “Lâu” là lầu. Phu Văn Lâu là cái lầu dùng niêm yết các văn bản của triều đình, đặc biệt là nơi yết bảng các tiến sỹ đậu trong những khoa thi Hội được triều Nguyễn tổ chức tại Kinh đô Huế. Bên cạnh đó, đây cũng là nơi triều đình tổ chức các cuộc lễ khánh hỷ mang tính quốc gia có sự hiện diện của nhà vua, triều thần và dân chúng ở Kinh đô cũng như các tỉnh lân cận.

Phu Văn Lâu là một lầu gỗ 2 tầng với 16 cột, trong đó có 4 cột giữa cao 2 tầng; gồm 8 bộ mái chia làm hai tầng mái, lợp ngói lưu ly. Tầng trệt dưới hoàn toàn để trống, không có tường vách; bốn phía có lan can gạch bao quanh, phía trước và hai bên có bậc cấp lên xuống. Tầng lầu trên nằm trên 4 cột giữa được thưng vách gỗ với các ô cửa sổ ở phía trước và hai bên; xung quanh có lan can gỗ.

Ở tầng lầu, phía trước, tại vị trí dưới mái và trên cửa sổ có tấm hoành phi đề 3 chữ “Phu Văn Lâu”. Các bờ nóc, bờ quyết mái được trang trí tinh xảo bằng hình rồng, hình hoa lá theo lối khảm sành sứ.

Phía trước Phu Văn Lâu hướng ra đường cái quan – nay là quốc lộ 1A đi qua thành phố Huế, có 2 khẩu súng thần công được thiết trí hai bên hướng vào giữa để tăng sự uy nghiêm.

Góc nhìn chính diện Phu Văn Lâu (Ảnh: Hà Thành)

Đặc biệt, trước đây nhà Nguyễn từng cho đặt 2 tấm bia bằng đá Thanh hai bên, khắc bốn chứ “Khuynh cái hạ mã” (nghiêng nón xuống ngựa) nhằm nhắc nhở thái độ, cử chỉ những người đi qua nơi chốn lễ nghi quan trọng này. Rất tiếc hai tấm bia này đã bị hư hại và biến mất sau năm 1975.

Là một kiến trúc ra đời sớm trong quần thể các công trình ở Kinh đô, lại nằm ở vị trí đắc địa, giữ chức năng quan trọng, Phu Văn Lâu là một công trình quan trọng trong cấu trúc Kinh thành Huế và được coi là gương mặt của Kinh thành. Tuy là một kiến trúc nhỏ nhưng Phu Văn Lâu là một công trình có giá trị thẩm mỹ - nghệ thuật cao, hài hoà với cảnh quan, là một điểm nhấn của không gian phía trước Kinh thành. Phu Văn Lâu cùng với Nghinh Lương Đình và Thương Bạc Đình được coi là những viên ngọc quý bên bờ sông Hương.

Hình ảnh Phu Văn Lâu được in trên mặt sau tờ giấy bạc mệnh giá 50.000 đồng hiện đang lưu hành, phát hành từ năm 2003

Khi Phu Văn Lâu… bỗng dưng bị sập

Vào khoảng 5h50’ sáng ngày 15/5/2014, Phu Văn Lâu bị sập góc mái sau, phía đông bắc. Việc đổ sập này xảy ra hoàn toàn tự nhiên không do tác động cơ học hay thiên tai - mưa bão sấm sét nào.

Theo nhà nghiên cứu Phan Thuận An, một chuyên gia nghiên cứu về kiến trúc và văn hoá Huế; thì Phu Văn Lâu được trùng tu nhiều lần, mà lần quan trọng nhất là năm 1905 (sau cơn bão năm 1904) và năm 1922. Hai lần tu bổ gần đây nhất là năm 1974 (dưới thời chế độ cũ) và năm 1994.

Còn theo ông Phan Thanh Hải – giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, phát biểu sau sự kiện công trình bị sập mái ngày 15/5 vừa qua; thì lần trùng tu gần đây nhất là khoảng năm 1993 -1995, nhưng chỉ tiến hành với quy mô nhỏ do kinh phí hạn chế; và lý do sập mái là “cột gỗ bị mục rỗng hoàn toàn và không chịu được lực”.

Phu Văn Lâu bị sập (Ảnh: Lê Huy Hoàng Hải)

Như vậy là 20 năm nay, Phu Văn Lâu không được trùng tu ở mức độ và quy mô cần thiết. Hậu quả đáng tiếc đã xảy ra. Rất may mắn là sự việc xảy ra trong lúc sáng sớm, vắng người qua lại nên không có tai nạn hay thương vong, và Festival Huế cũng vừa kết thúc hơn 3 tuần. Nhưng “nếu” (và may mắn là chữ “nếu” này không xảy ra) mối ăn gỗ nhanh hơn, và công trình sập đổ trong dịp Festival Huế tháng 4 vừa qua, thì rất khó có thể biện minh.

Phải nói thêm rằng, Phu Văn Lâu là một di tích đẹp ngay trên đường lớn, rất nhiều du khách qua lại ngắm cảnh, chụp ảnh. Đây cũng là một nơi nghỉ chân, là nơi nhiều người dân Huế ra vui chơi, hóng mát. Từ năm 2012, Phu Văn Lâu còn là điểm biểu diễn ca nhạc cuối tuần miễn phí cho cộng đồng.

Khách quan mà nói, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế là đơn vị hàng đầu của cả nước trong lĩnh vực bảo tồn, trùng tu và thực tế đã làm được hiệu quả rất nhiều dự án. Nhưng ở góc độ khác, với một công trình có giá trị lịch sử quan trọng, vị trí quan trọng và cả nhạy cảm như vậy, để xuống cấp đến một ngày tự đổ sập xuống mới biết, thì quả là đáng trách.

Những cột chống của Phu Văn Lâu siêu vẹo sau khi bị đổ sập (Ảnh: Lê Huy Hoàng Hải)

Có lẽ, sau sự việc này, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế sẽ có nhiều việc phải làm hơn và sẽ phải “rà soát” toàn bộ di tích do mình quản lý để không xảy ra những sự việc đáng tiếc tương tự.

Thời gian qua, có rất nhiều câu chuyện buồn về bảo tồn, trùng tu di sản. Sự việc sập mái di tích Phu Văn Lâu ở Huế thực tế đã viết tiếp thêm một câu chuyện bảo tồn, theo một cách khác. Rất khó để có thể khẳng định rằng ở nơi nào đó, vào một ngày nào đó... không có chuyện gì xảy ra với di sản, di tích!/.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên