Quản lý di sản ở Việt Nam còn nhiều bất cập

VOV.VN - Trong nhiều năm qua, công tác quản lý, bảo tồn và phát huy di sản còn tồn tại nhiều bất cập.

Ngày 23/5, tại Hà Nội, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức hội thảo “Quản lý di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam”. Nhiều vấn đề bất cập trong công tác quản lý di sản thế giới đã được các đại biểu nêu ra tại hội thảo.

Trong nhiều năm qua, công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản đã đạt được những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, trong thực tế hiện nay xảy ra nhiều vụ việc gây ảnh hưởng lớn đến di sản như việc đào bới để bê tông hóa suối cổ Khe Thẻ, Mỹ Sơn, báo động về ô nhiễm môi trường ở Vịnh Hạ Long, khai thác gỗ trái phép trong rừng Phong Nha – Kẻ Bàng…

Núi Đôi Quản Bạ bị "làm đẹp" không đúng cách. (ảnh: Hà Thành)

Lý giải một trong các nguyên nhân của thực trạng này, Phó giáo sư, Tiến sĩ Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội đồng di sản Văn hóa Quốc gia cho biết: “Cái cần khắc phục là nâng cao năng lực quản lý lên, đào tạo cho họ. Đào tạo ở đây không chỉ đào tạo cán bộ khung mà phải có chương trình đào tạo cho tất cả cán bộ, tùy theo vị thế mà đào tạo và không loại trừ cử họ đi nước ngoài học nữa”.

Bên cạnh hạn chế về năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý, bảo tồn di sản còn yếu, các đại biểu cũng nêu ra nhiều khó khăn, bất cập trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản thế giới ở nước ta như: Các quy định, quy chế quản lý còn thiếu, chưa đồng bộ; sự phối hợp giữa các Ban/Trung tâm quản lý di sản thế giới với các ngành hữu quan khác trong quá trình xử lý những vấn đề nảy sinh từ hoạt động thực tiễn chưa chặt chẽ; chưa huy động được sức mạnh tổng hợp của cộng đồng vào công cuộc bảo tồn di sản thế giới.

Đình cổ Quang Húc bị trùng tu cẩu thả. (ảnh: Hà Phương)

Đề xuất về quy chế phối hợp liên ngành trong quản lý di sản, bà Phạm Thùy Dương, Trưởng Ban quản lý vịnh Hạ Long nói: “Với Hạ Long, chúng tôi dựa vào luật di sản văn hóa để trùng tu, tôn tạo, quản lý. Nhưng chúng tôi không được thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra bởi vì chúng tôi là cơ quan trực thuộc Tỉnh còn thanh tra chuyên ngành nằm bên sở Văn hóa. Chúng tôi rất vướng, tuy rằng là nhà mình nhưng người ta vào vi phạm thì mình không giải quyết được. Chúng tôi có đề nghị: nếu Bộ Văn hóa có được quy chế phối hợp liên ngành giữa các Bộ thì đương nhiên các Sở phía dưới sẽ phải có quy chế phối hợp để quản lý các di sản, như thế sẽ có sự kết nối, ràng buộc với nhau để làm”.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng đề xuất nhiều ý kiến nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản trong thời gian tới như: tích cực tổ chức các diễn đàn để trao đổi thông tin, học tập và chia sẻ kinh nghiệm quản lý giữa các khu di sản thế giới ở Việt Nam; cần sớm hoàn thiện kế hoạch quản lý tổng hợp cho các di sản: quần thể di tích Cố đô Huế, phố cổ Hội An, khu di tích Mỹ Sơn; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới…/.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên