Sen

Ngoài thứ hương thanh tao mà chỉ riêng sen mới có, sen còn có một sức sống mãnh liệt

Đầu tháng Tư Âm lịch, lác đác trên các nẻo phố Hà Nội đã thấy hoa sen. Ít thôi, một vài chục bông sen trắng đặt trên chiếc xe đạp đi rong. Và rồi những kỷ niệm về một mùa sen và nhiều mùa sen ùa về khi anh nghe cô bạn đồng nghiệp kêu lên: Anh ạ, năm nay quanh hồ Tây có nhiều đầm sen lắm.

Vậy là mừng rồi. Vì sen Tây Hồ vốn đã nổi tiếng một thời. Xa xôi đâu không kể, ngày xưa mặt nước ven chùa Trấn Quốc tiếp giáp với đường Thanh Niên hè về sen phủ san sát. Cũng như mặt nước giữa đền Ngọc Sơn với bến xe điện trên đường Đinh Tiên Hoàng là cả một đầm sen. Ngoài thứ hương thanh tao mà chỉ riêng sen mới có, sen còn có một sức sống mãnh liệt: Sen có thể chui trong lòng đất để tìm đường sống. Chả thế mà hai bên đường tàu từ Hà Nội đi các tỉnh, bên này có sen thì bên kia cũng có.

Đấy là chuyện ngày xưa. Nhưng chuyện ngày xưa có phải ai cũng biết đâu. Chuyện ngày xưa là sen phải sống ở vùng nước sạch. Nước bẩn là sen chết. Câu “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” các cụ mượn vẻ đẹp thanh khiết của sen để nói về kiếp người. Bùn trong đầm sen cũng phải là bùn sạch. Suy rộng ra theo kiểu bây giờ, có nghĩa là phải có môi trường sạch thì mới có sen.

Gần đây có ý kiến đề nghị khôi phục lại đầm sen ở đền Ngọc Sơn mà lý do đầu tiên được nêu là vì môi trường sạch. Chưa thấy ai phản đối nhưng cũng không có ý kiến ủng hộ. Anh còn nhớ khi phá bỏ đầm sen ở hồ Hoàn Kiếm, người ta bảo rằng để cho mặt hồ thông thoáng. Bởi sen mọc san sát, làm cho khoảng cách giữa bờ và đền gần quá. Không phải là kiến trúc sư, nên anh không dám lạm bàn. Nhưng chỉ thấy tiếc. Cuối thu và cả mùa đông, đầm sen rụng lá, xơ xác. Nhưng vẫn đẹp. Cái đẹp của mùa thu và cái đẹp của một sự sống tạm lùi để hồi sinh.

Bây giờ làng quê đất Bắc mình còn ít đầm sen quá. Hôm rồi anh về Làng Sen quê Bác cũng thấy vậy. Đồng Tháp Mười và đất Nam Bộ sen cũng ít dần. Dĩ nhiên người ta vẫn trồng, nhưng để lấy ngó sen làm nộm và hạt sen để làm mứt. Chứ không phải để thưởng hoa. Một bình sen để trong nhà, giỏi lắm 3 ngày là rụng hết cánh, còn trơ lại phần nhị sen và đế hoa. Và đến lượt nhị sen rủ xuống, ôm lấy đế hoa. Có gia đình, thấy chủ nhà để bình hoa sen cho đến phút cuối cùng. Hỏi, được một câu ngắn gọn: đời hoa sen, lúc nào mà chả đẹp.

Tin cho biết trong cuộc bình chọn “Quốc hoa” Việt Nam, sen hồng dẫn đầu với hơn 71% số phiếu thu về. Cứ 10 người dân Hà Nội hoặc Đà Nẵng, có 7 người chọn sen hồng.

Vậy là cùng với tin vui quanh Hồ Tây xuất hiện nhiều đầm sen mới, là tin vui sen hồng đang dẫn đầu trong cuộc bình chọn Quốc hoa Việt Nam. Qua cơn sốc của buổi giao thời nền kinh tế thị trường, có vẻ như nhiều sự vật đang được đặt về đúng chỗ của mình.

Mùa hoa nào cũng gắn với một kỷ niệm về một miền quê, một con người. Với anh, sen là đầm sen sau ký túc xá Khoa Văn - Đại học Tổng hợp Hà Nội (khu Mễ Trì) thời anh còn là sinh viên.

Thời đó, dưới ánh trăng vàng, trong cái san sát của lá và hoa, anh cùng bạn bè ngồi ngắm trăng và ngắm sen, ngắm bóng nước in ánh trăng vàng và bóng hoa. Những bông sen căng và phập phồng bừng nở. Trong hương sen ngào ngạt, các anh viết đơn tình nguyện vào chiến trường. Và các anh lên đường. Để lại một mùa trăng thương nhớ và đầm sen thương nhớ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên