Thất vọng với “trai đẹp” Omar ở "Kết nối ước mơ"

Khán giả đã thất vọng khi anh không trình diễn mà chỉ đi lên sân khấu từ phòng chờ phía khán đài, chào khán giả…

Thất vọng là cảm giác chung của khoảng 3.000 khán giả đội mưa xem chương trình Kết nối ước mơ, tri ân bạn đọc tạp chí Thế Giới Gia Đình, với sự có mặt của người mẫu Ả Rập Omar Borkan Al Gala.

Toàn thể khán giả đã chưng hửng khi anh không trình diễn mà chỉ đi lên sân khấu từ phòng chờ phía khán đài, chào khán giả và ướm thử một chiếc áo dài mà Ban tổ chức trao tặng.

Dù thời gian trình diễn ghi trên vé 19h nhưng 20h10 chương trình mới bắt đầu. Và khá bất ngờ khi hầu hết khán giả đều rất nhẫn nại (đặc biệt khoảng 1.000 khán giả đứng phía dưới sân, được Ban tổ chức phát cho mỗi người một cái áo mưa tiện lợi) chờ đợi chương trình bắt đầu.

Có thể nói Kết nối ước mơ là một trong những chương trình tri ân bạn đọc của một đơn vị truyền thông có công tác tuyên truyền hiệu quả nhất khi đánh vào sự tò mò lẫn bản tính “yêu cái đẹp” của công chúng. Nhưng đây cũng là một trong những chương trình tri ân được tổ chức đơn giản đến đơn điệu và tẻ nhạt nhất.

Chương trình được bắt đầu bằng những màn phát biểu, cảm ơn, tặng hoa. Lần lượt hai ca sĩ Văn Mai Hương, Noo Phước Thịnh ra hát những ca khúc mới nhất cùa mình, chẳng ăn nhập gì lắm với nội dung chương trình. Sau phần trình diễn ca nhạc là tiết mục thời trang áo dài dài lê thê với những mẫu áo không có gì đặc sắc trên nền hình ảnh rời rạc của Omar.

“Kém duyên” là thế nhưng phần trình diễn thời trang này chính là tiết mục được trông đợi nhất chương trình bởi Ban tổ chức từng hé lộ Omar sẽ trình diễn thời trang (trước khi Omar qua, Ban tổ chức còn tuyển người mẫu nữ để diễn cặp với anh). Nhưng toàn thể khán giả đã chưng hửng khi anh không trình diễn mà chỉ đi lên sân khấu từ phòng chờ phía khán đài, chào khán giả và ướm thử một chiếc áo dài mà Ban tổ chức trao tặng.

Anh cũng nói dăm ba câu giao lưu và theo MC Thùy Minh của chương trình, anh đã cho chụp lại khoảnh khắc ướm áo dài để tải lên facebook!.

Hai giờ dầm mưa đổi lấy 10 phút ngắm “trai đẹp” Omar là tất cả những gì khán giả chương trình nhận được.

Có lẽ vì đây là một chương trình hoàn toàn miễn phí nên khán giả đã không giận dữ vì tính “hội chợ” của sự kiện. Màn hình bọc nilông sộc sệch, âm thanh chát chúa và ánh sáng xập xệ là hậu quả của việc phải thực hiện một chương trình trong mưa trên một sân khấu hoàn toàn không có dù hay mái che.

Công tác tổ chức thiếu chuyên nghiệp đã để lại những hình ảnh nhếch nhác lẫn ấn tượng không tốt cho khán giả lẫn người tham dự. Toàn bộ khách VIP (đại diện Ban tổ chức, ba anh em nhà họ Lưu, đại diện các nhà tài trợ… ) đều phải ngồi dưới mưa với khoảng chục nhân viên của Ban tổ chức đứng che dù, vừa tạo cảm giác lôi thôi, vừa che tầm nhìn của các khán giả đứng phía sau. 

Trước cảnh tượng đó, hoa hậu Thùy Dung - một khách mời của chương trình - đã bỏ về sau vài phút ngồi xem ở khu vực khách VIP.

Nhiều khán giả đã bày tỏ sự cảm thông cho ba anh em nhà họ Lưu khi họ hết sức kiên nhẫn đội mưa xem chương trình với thái độ lịch sự. Họ cũng vui vẻ ký tên hoặc chụp hình với người hâm mộ khi có cơ hội. Nhiều khán giả cho rằng họ “dễ thương” hơn anh người mẫu Ả Rập nhưng lại bị Ban tổ chức “lãng quên”.

Dù thành công trong việc tạo nên một làn sóng tò mò dành cho các khách mời của chương trình (Omar và ba anh em nhà họ Lưu) nhưng Ban tổ chức đã thất bại trong việc xây dựng thương hiệu cho mình. Độc giả, khán giả, người hâm mộ có thể vẫn nhớ Thế Giới Gia Đình là đơn vị đã mời được những vị khách đặc biệt này đến Việt Nam nhưng lại không có một ấn tượng đặc biệt nào về tài năng hay sự có mặt của họ tại Việt Nam.

Hoạt động trình diễn tại đêm 13/9 gần như bằng không, hoạt động từ thiện cũng chỉ là bề nổi và chương trình đấu giá buổi ăn tối cùng các vật dụng của Omar cũng không thu về số tiền như mong đợi (50 triệu đồng cho suất ăn tối, khăn choàng tóc, kính mát… ).

Có thể vì thời tiết không thuận lợi và cũng có thể vì khán giả không có lý do gì thuyết phục để phải đội mưa đến chương trình nên số khán giả đến xem chương trình cũng quá ít so với lượng vé phát hành (ước lượng khoảng 3.000 khán giả/10.000 vé phát hành). Rất nhiều vé chợ đen được rao bán trước giờ diễn với giá 20.000 đồng/vé nhưng gần như không có người mua. Dù ban tổ chức rất nỗ lực để mang đến những gì thật mới lạ, “chưa từng có” cho người xem nhưng nội dung, chứ không phải hình thức, mới thu hút và giữ chân được khán giả, đọc giả của riêng mình.
Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Đằng sau thương vụ “trai đẹp” sang Việt Nam
Đằng sau thương vụ “trai đẹp” sang Việt Nam

Kinh doanh cái đẹp không sai nhưng đẩy “trai đẹp” thành sự kiện có giá trị làm lệch hướng nhận thức của giới trẻ thì không nên chút nào.

Đằng sau thương vụ “trai đẹp” sang Việt Nam

Đằng sau thương vụ “trai đẹp” sang Việt Nam

Kinh doanh cái đẹp không sai nhưng đẩy “trai đẹp” thành sự kiện có giá trị làm lệch hướng nhận thức của giới trẻ thì không nên chút nào.