Thu phí tải nhạc từ 1/11: liệu có bắt cóc bỏ đĩa?

(VOV) - Nhiều người cho rằng việc này là khó thực hiện. Nếu thu được tiền thì việc phân chia lợi nhuận cũng sẽ gây nhiều tranh cãi.

Theo thống kê của Hiệp hội công nghiệp ghi âm Việt Nam (RIAV), hiện nay, Việt Nam có khoảng 150 website hoạt động ổn định và cho phép tải nhạc trực tuyến. Ngoài ra, số lượng các trang cá nhân đăng tải nhạc là rất nhiều. Đến thời điểm thu phí tải nhạc trực tuyến (1/11/2012) thì câu hỏi đặt ra về tính khả thi của việc thu phí tải nhạc vẫn còn gây nhiều tranh cãi.

Sử dụng nhạc miễn phí là trái pháp luật

Bản ký kết của 18 website mà tiên phong là Zing, Nhaccuatui, Socbay, Nhac.vui, Nghenhac với Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam và Công ty MV Corp thỏa thuận, trước mắt sẽ chỉ thu phí 1.000 đồng/1 bài hát và không thu phí với các ca khúc nước ngoài.

Theo đó, có tới 45.000 ca khúc tiếng Việt có bản quyền (bao gồm tác quyền và quyền liên quan) sẽ được bán. Theo ông Phùng Tiến Công, Phó Tổng Giám đốc Công ty cung cấp nội dung nhạc số MV Crop thì, việc thu phí tải nhạc là xu hướng tất yếu mà cả thế giới đều đi theo. Mỗi ca khúc sáng tác ra đều là tài sản, sức lao động của người khác, thuộc về sở hữu cá nhân nên việc sử dụng nhạc miễn phí là trái pháp luật.

18 website sẽ bắt đầu thu phí nhạc số từ 1/11/2012

Thực tế cho thấy, ngành công nghiệp ghi âm Việt Nam đang bị thiệt hại nghiêm trọng do tình trạng tải nhạc miễn phí trên Internet và di động. Đĩa, album phát hành không có người mua. Các nhạc sĩ, ca sĩ cũng ngại đầu tư làm album vì sợ thua lỗ. Bên cạnh đó, đa phần người sử dụng công nghệ Internet hay công nghệ di động đều là giới trẻ nên dù số tiền bỏ ra là rất nhỏ nhưng đôi khi họ cũng đắn đo.

Việc thu phí tải nhạc như một hình thức bắt buộc sẽ góp phần thúc đẩy người nghe có ý thức và trở về với âm nhạc chính thống. Hơn nữa, việc người nghe chấp nhận mức phí 1.000 đồng/bài hát cũng đồng nghĩa với việc họ tự khẳng định được mình là người văn minh, có ý thức không vi phạm pháp luật. Đây là vấn đề liên quan đến nhận thức.

Người nghe không quan tâm đến bản quyền

Trong kinh doanh thì bản nhạc, bài hát cũng được xếp là một dạng hàng hóa. Việc thu phí, đối với các trang web chính là bán sự tiện lợi cho khách hàng. Không phải mua băng, đĩa lậu trôi nổi trên thị trường mà vẫn có thể tìm bản nhạc hợp ý mình với số tiền rất nhỏ phải bỏ ra. Người nghe không thực sự quan tâm ca khúc có bản quyền hay không, chỉ cần thuận tiện là họ dùng. Đó cũng là lý do mà việc thu phí tải nhạc trực tuyến có tính khả thi.

* Hiện có rất nhiều website chia sẻ nhạc trực tuyến. Nếu tôi không tải được về từ trang này thì tôi sẽ tìm ở trang khác, không việc gì phải bỏ tiền ra cả. Nếu muốn thu tiền thì phải thu của những trang trước giờ vẫn kinh doanh doanh nhạc số bừa bãi chứ không phải người dân. (Chu Thu Hương, ĐH Thăng Long)

* 1.000 đồng là số tiền rất nhỏ và ai cũng có khả năng chi trả. Nếu như tiền thực sự đến được với các nhạc sĩ, nghệ sĩ thì bỏ ra cũng đáng. Nhưng nếu rơi vào tay các website kinh doanh thì thu phí cũng chẳng giúp ích gì cho nền âm nhạc Việt Nam. (Vũ Lê Dũng – ĐH Kinh doanh và Công nghệ HN)

* Muốn tìm một ca khúc trên mạng không phải dễ vì kết quả tìm kiếm sẽ cho ra hàng chục tác phẩm tương tự nhau. Các tác phẩm này không được đảm bảo về chất lượng âm thanh và thông tin đi kèm nên tôi sẽ trả phí tải nhạc để tiết kiệm thời gian chọn lọc trên các mạng khác. (Nguyễn Quyết Thắng – Ba Đình, Hà Nội)

Tuy nhiên, nhiều người đã quen với việc được nghe và tải nhạc miễn phí trên các website nên có không ít các ý kiến phản đối việc thu phí. Đây cũng là chuyện bình thường bởi không phải ai cũng hiểu rõ về bản quyền, sức lao động và việc các đơn vị vất vả như thế nào để tạo ra được một ca khúc.

Bình thường, mọi người chỉ nhìn thấy hào quang, ánh đèn sân khấu, ca sĩ mua xe tiền tỉ… nhưng nếu họ nhìn được vào cảnh đìu hiu, tan hoang của các hãng đĩa, bỏ tiền tỷ đầu tư rồi không thu lại được gì; nhiều ca sỹ phải đi hát phòng trà bởi không bán được đĩa, chỉ kiếm được vài ba trăm nghìn mỗi tối đi diễn; những nghệ nhân phối khí cả đời chẳng ai biết tên, lương ba cọc ba đồng mà phải lo cho cuộc sống của gia đình; các nhạc sĩ đổ mồ hôi công sức, tâm huyết hàng chục năm viết nhạc mà lại bị mất trắng, thì tất sẽ có ý thức hơn.

Bên cạnh đó, việc không đồng bộ trong việc thu phí sẽ tạo ra lỗ hổng mà người nghe có thể lách được. Trong khoảng 150 website cung cấp nhạc thì chỉ mới có 18 trang ký kết việc thu phí tải nhạc trực tuyến. Người nghe vẫn có thể tải được nhạc miễn phí ở các trang khác. Trước đây, đã có rất nhiều phần mềm được tạo ra để vượt tường lửa khi Facebook, blog360, Wordpress bị các nhà mạng chặn; không gì đảm bảo sẽ không có chuyện tương tự xảy ra với các trang thu phí nhạc trực tuyến này.

Thậm chí, nếu ngăn chặn những phần mềm đó thì người nghe không có ý thức sẽ vẫn chỉ nghe miễn phí trên các trang mà không tải về. Còn với những người có ý thức thì việc không được hướng dẫn thanh toán một cách cụ thể và không đảm bảo được chất lượng âm thanh khi tải về cũng sẽ làm họ nản lòng.

Việc thay đổi ý thức của người dân trong việc tôn trọng bản quyền hay chịu chi trả chi phí cho một bài hát không phải là điều dễ dàng. Người nghe cần phải được đảm bảo chất lượng dịch vụ, xứng đáng với số tiền mình bỏ ra. Điều đó phụ thuộc rất lớn vào các công ty cung cấp nội dung nhạc số, các website kinh doanh nhạc số và các bên liên quan.

Chi trả tác quyền thế nào mới hợp lý?

Ở nước ngoài, quyền tác giả và quyền liên quan được trả 70%, còn 30% dành cho các đơn vị phân phối và website. Nhưng ở Việt Nam, để khuyến khích các website và đơn vị phân phối trong thời gian đầu còn gặp nhiều khó khăn thì MV Crop – đơn vị cung cấp nội dung nhạc số, đã đề nghị một tỉ lệ hợp lý hơn là 55% cho tác quyền và 45% cho các website. Tuy nhiên, tỉ lệ chia như thế nào sẽ phụ thuộc vào thỏa thuận cụ thể giữa các bên.

Trên thực tế, việc thu phí 1.000 đồng/bài hát chẳng thấm vào đâu so với công sức của những nhạc sĩ, ca sĩ và những bên liên quan để có thể đưa được ca khúc đến với công chúng. Đây cũng không phải bước đột phá trong việc bảo vệ bản quyền nhạc số tại Việt Nam nhưng, xét theo một khía cạnh nào đó, việc thu phí cũng sẽ góp phần vào việc thay đổi nhận thức của người nghe.

Nhạc sĩ Quốc Trung chia sẻ: “Âm nhạc cũng là một sản phẩm đáng được coi trọng như những mặt hàng khác. Tôi chỉ muốn cộng đồng và người nghe quan tâm, ủng hộ những người làm nhạc. Có lợi ích sẽ mang lại cho tất cả những người tham gia sản xuất động lực sáng tạo và điều kiện để tiếp tục lao động nghệ thuật, đưa ra những sản phẩm có chất lượng”.

NS Quốc Trung, ca sĩ Mỹ Tâm và đạo diễn Quang Dũng mặc áo phông ủng hộ phong trào "Nghe có ý thức" do chính NS Quốc Trung khởi xướng


Là một người gắn bó với việc quảng bá âm nhạc trực tuyến, ông Phùng Tiến Công cũng hy vọng: “Với các mô hình ở nước ngoài, 10% dân số chi trả tiền đã là mừng lắm rồi. Còn ở Việt Nam thì chỉ hy vọng 5% người có ý thức mà thôi. Không thể ép buộc người nghe trả tiền mà phải dần dần, vừa làm vừa kể, chỉ cho họ thấy được thực trạng của ngành âm nhạc chân chính hay nỗi vất vả của các nhạc sĩ, ca sĩ và người sản xuất âm nhạc. Việc thu phí tải nhạc hợp tình, hợp lý, hợp pháp thì mọi người cũng sẽ dần hiểu ra và làm theo”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

NS Quốc Trung: "Thu phí nhạc số mập mờ sẽ không có tác dụng"
NS Quốc Trung: "Thu phí nhạc số mập mờ sẽ không có tác dụng"

(VOV) - Nhạc sỹ Quốc Trung cho rằng, việc thu phí nhạc số nửa vời từ ngày 1/11/2012 là một sự thỏa hiệp mập mờ và không có nhiều tác dụng.

NS Quốc Trung: "Thu phí nhạc số mập mờ sẽ không có tác dụng"

NS Quốc Trung: "Thu phí nhạc số mập mờ sẽ không có tác dụng"

(VOV) - Nhạc sỹ Quốc Trung cho rằng, việc thu phí nhạc số nửa vời từ ngày 1/11/2012 là một sự thỏa hiệp mập mờ và không có nhiều tác dụng.

Thu phí dịch vụ tải nhạc trực tuyến từ ngày 1/11
Thu phí dịch vụ tải nhạc trực tuyến từ ngày 1/11

Các chuyên gia cho rằng, để chấm dứt tình trạng vi phạm bản quyền, đã đến lúc các websites và dịch vụ âm nhạc trực tuyến trên di động cần đồng loạt thu phí tải nhạc.

Thu phí dịch vụ tải nhạc trực tuyến từ ngày 1/11

Thu phí dịch vụ tải nhạc trực tuyến từ ngày 1/11

Các chuyên gia cho rằng, để chấm dứt tình trạng vi phạm bản quyền, đã đến lúc các websites và dịch vụ âm nhạc trực tuyến trên di động cần đồng loạt thu phí tải nhạc.