Tranh biếm hoạ đi vào “ngõ ngách” của cuộc sống

Biếm họa là một góc nhìn vui, nhưng cũng là góc nhìn rất thật về cuộc sống

Nằm trong khuôn khổ triển lãm tranh biếm hoạ, sáng 5/8, tại 16 Ngô Quyền, Hà Nội đã diễn ra buổi toạ đàm về tranh biếm hoạ giữa hoạ sĩ và người xem.

Biếm họa là một góc nhìn vui, nhưng cũng là góc nhìn rất thật về cuộc sống. Đây là loại mỹ thuật đặc sắc duy nhất có tính thời sự, nhạy cảm, dễ phổ cập, có thể đem lại rất nhiếu tiếng cười cho người xem, đóng góp tích cực hiệu quả vào quá trình hoàn thiện xã hội.

Hoạ sĩ biếm hoạ Lý Trung Dũng cho rằng, cuộc toạ đàm có ý nghĩa vì đây là dịp để các hoạ sĩ mang tranh đến với công chúng cũng như trao đổi và gần với công chúng hơn. Bằng trí tuệ, ngòi bút đặc thù của mình, họ đã phản ánh xã hội rất chân thực thông qua những bức tranh.

Theo nhà phê bình Mỹ thuật Lê Quốc Bảo, tranh biếm hoạ chiếm vị trí vô cùng quan trọng trong xã hội. Đời sống hiện nay rất cần thiết tranh biếm hoạ, nó đi vào “ngõ ngách” từ cơ quan đến đoàn thể, xã, phường… châm biếm cái xấu, tôn vinh cái tốt.

Cùng với quan điểm trên, hoạ sĩ Hoàng Dzự (Dzím) cho rằng, với những lợi thế như kiệm lời, khoa trương cường điệu, vừa thực vừa hư, vừa nghiêm túc và đùa cợt, tếu táo vượt qua mọi giới hạn của thời gian, không gian của sự kiện, biếm hoạ có thể đi vào ngõ ngách của đời sống nhân loại để phát triển, phơi bày bản chất của sự viện đồng thời cảnh báo, lên án những mưu đồ, những hành động gian trá, xấu xa. Biếm hoạ giúp cho người có nhận thức, hành động đúng đắn, tích cực đối phó.

Hoạ sĩ Nguyễn Quốc Hùng (hoạ sĩ Còm) cho biết, để tranh biếm hoạ có tiếng nói lớn và bám sát cuộc sống xã hội, trong thời gian qua, các anh em hoạ sĩ trong giới biếm hoạ rất gắn bó và luôn trao đổi, chia sẻ những tâm tư, nguyện vọng và tạo ra những sức mạnh biếm hoạ có thể mạnh hơn. Tuy nhiên, việc gắn bó đó chưa đủ sức nên cần có sự đóng góp của Hội Mỹ thuật và Hội Nhà báo. Hiện cả nước có khoảng hơn 100 họa sĩ biếm họa chuyên nghiệp và bán chuyên nghiệp./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên