Tranh cãi câu văn dịch tục tĩu: Cần có "hệ thống chỉ dẫn"!

(VOV) - Đây là ý kiến của TSKH Nguyễn Thị Minh Thái khi được hỏi về câu văn bị "phê" là tục tĩu trong tập truyện "Những thứ họ mang".

Tập truyện ngắn "Những thứ họ mang" của tác giả Tim O'Brien viết về cuộc chiến tranh ở Việt Nam do dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng chuyển ngữ tiếng Việt được công ty sách Nhã Nam và NXB Văn hóa phát hành đã khiến dư luận một phen dậy sóng.

Nguyên nhân bởi trong đó có những câu dịch được xem là quá tục tĩu và chưa từng xuất hiện trên mặt sách. Vậy đâu là chuẩn mực đối với một tác phẩm văn học dịch và ai là người đưa ra thước đo để đánh giá sự chuẩn mực đó.

PV VOV đã có cuộc phỏng vấn TSKH Nguyễn Thị Minh Thái về vấn đề này.

PV: Thưa TS Nguyễn Thị Minh Thái, trong khi dư luận đang chia làm 2 luồng ý kiến đồng tình và phản đối thì ý kiến của bà về tập truyện ngắn “Những thứ họ mang" của tác giả Tim O'Brien do dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng chuyển ngữ như thế nào ạ?

TS Nguyễn Thị Minh Thái: Tôi thấy chẳng có vấn đề gì cả. Bởi cái sợ nhất là dịch sai chứ không phải là dịch sát nghĩa quá. Bởi rõ ràng tự thân câu chuyện đó là như thế. Nếu thấy tục quá thì đừng dịch nữa. Còn khi dịch thì phải chấp nhận ý đồ nghệ thuật của tác giả.

PV: Đây hẳn không phải là trường hợp đầu tiên gặp phải rào cản về ngôn từ khi được chuyển ngữ tại Việt Nam phải không thưa TS Nguyễn Thị Minh Thái?

TS Nguyễn Thị Minh Thái: Đúng vậy, đây không phải là tác phẩm đầu tiên vấp phải vấn đề này. Trước đó vấn đề được đặt ra với tác phẩm của Mạc Ngôn với tên nguyên bản là “Vú to mông nẩy”. Đó là câu chuyện 10 năm trước khi dịch giả Trần Đình Hiến dịch thành tên nhưng không NXB nào dám in.

TSKH Nguyễn Thị Minh Thái (ảnh: internet)

Sau đó Hội Nhà văn Hà Nội đã tổ chức một buổi thảo luận và đặt ra vấn đề rằng ở trong cuốn sách này có nhiều câu chuyện tình dục rất tục, nguyên thủy và phải dịch như thế nào? Dịch giả Trần Đình Hiến đã nói bởi vì cuốn sách này quá hay nên ông không thể không dịch và mong muốn của ông là để đông đảo bạn đọc được tiếp cận với tác phẩm văn học thuộc hàng tuyệt tác này. Vấn đề là làm thế nào để đạt được sự nhã nhặn trong bản dịch.

Sau một thời gian suy nghĩ, ông mới quyết định dịch thành “Báu vật của đời”. Và ngay sau đó được xuất bản ngay. Với văn học trong nước thì có câu chuyện của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh với tiểu thuyết “Đội gạo lên chùa”. Ông đã cắt một quãng từ rất đẹp trong 2 câu ca dao “3 cô đội gạo lên chùa/ Một cô yếm thắm bỏ bùa cho sư/Sư về sư ốm tương tư/Ốm lăn ốm lóc cho sư trọc đầu” để nói về câu chuyện của cuộc sống, sự trần tục, nhưng sao mà vẫn hay thế. Bởi nó là đời sống vốn dĩ thế.

Hay như tiểu thuyết “50 sắc thái”, bao nhiêu triệu người phụ nữ khắp thế giới đọc, có thấy sao đâu mà khi vào Việt Nam cứ lên án là tục. Ngay cả tác giả Murakami, ông là người Phương Đông mà viết tình dục thoáng hơn cả phương Tây nhưng mà vẫn rất nhiều người thích.

PV: Như bà vừa chia sẻ thì rõ ràng là “Báu vật của đời” đã được dịch thoát nghĩa rất nhiều mà vẫn giữ vững được tinh thần của tác phẩm. Còn ở trường hợp “Những thứ họ mang” này, phải chăng tác phẩm vẫn chưa tuyển kỹ thông qua màng lọc của văn hóa Việt?

TS Nguyễn Thị Minh Thái: Cá nhân tôi cho rằng bản thân nguyên văn của tập sách có sự tục tĩu thì người dịch phải căn cứ vào văn hóa nói chung của nước mình, văn hóa đọc, mỹ cảm đọc của người Việt để dịch sao cho phù hợp nhất.

Còn khi sự tục ấy nằm trong một khuynh hướng, một ý đồ nghệ thuật thì mình phải tôn trọng đến tận cùng. Có những câu nói không thể đặt trong văn cảnh khác bởi tự thân nó phải vậy mới lột tả hết ngữ cảnh này, nó như một điều hiển nhiên. Nếu ai đó nói rằng tác phẩm này tục tĩu quá thì hãy đưa cho tôi biết chuẩn mực về cái gọi là tục hay không tục.

PV: Nếu như trong điện ảnh, những tác phẩm điện ảnh có nhiều yếu tố bạo lực hay tình dục thì thường được dán nhãn cấm trẻ em dưới 16 tuổi. Còn những cuốn sách thì hình như vẫn đang được “thả rông” một cách thoải mái. Ý kiến của bà về vấn đề này như thế nào?

TS Nguyễn Thị Minh Thái: Văn hóa đọc không phải cái gì cũng đọc mà là đọc cái gì, đọc như thế nào và thu nhận được điều gì. Có những quyển sách  như “50 sắc thái” thì nhà xuất bản đã dán nhãn khuyên bạn nên cân nhắc kỹ khi đọc. Nhưng đó cũng là quyển sách duy nhất có dán nhãn cảnh báo.

PV: Như vậy phải chăng từ trước tới nay các tác phẩm văn học dịch chưa từng chịu sự kiểm định của hội đồng tư vấn nào, thưa bà?

TS Nguyễn Thị Minh Thái: Hiện tại nước mình vẫn chưa có những hội đồng như vậy. Theo tôi, thì Việt Nam cũng cần có một hội đồng để chỉ dẫn, định hướng cho người dịch. Sách dịch phải có chỉ dẫn, kiểu gì, độ mấy thì được dịch.

Trong khi tất cả các ngành, hệ thống tư tưởng đều có định hướng thì riêng văn học lại không có. Nhiều người cho rằng rõ ràng quyển sách ấy ở nước ngoài là “best seller” như thế thì sao mình không dịch. Nếu dịch thì lại có nhiều người kêu là sao tục thế mà cũng dịch. Vậy tục là như thế nào khi ở nước ngoài nó là văn học?

Vì vậy, cần thiết phải đưa ra một hệ thống chỉ dẫn, chỉ báo chứ không phải cứ thích gì là dịch. Thay vì đặt ra câu hỏi là: “Một cuốn sách có ngôn từ tục thì có nên dịch một cách tục không” thì nên đặt ra câu hỏi là: “Cuốn sách đó có được khuyến khích để dịch ở Việt Nam hay không, ai cho nó vào”.

PV: Xin cảm ơn bà./.

Dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng từng nhận giải thưởng Văn học dịch của Hội nhà văn Hà Nội cho tác phẩm "Biên niên ký chim vặn dây cót" (Haruki Murakami), năm 2007. "Những thứ họ mang" (The Things They Carried) là một tác phẩm có tiếng của nhà văn Mỹ Tim O'Brien được xuất bản năm 1990, viết về cuộc chiến tranh ở Việt Nam.

Tác phẩm bao gồm 21 truyện ngắn, trong đó có "How to Tell a True War Story" (“Làm thế nào kể một câu chuyện chân thực về chiến tranh”) chứa đựng nội dung nêu trên. Trong tác phẩm gốc, câu văn đó viết: "The dumb cooze never writes back” và được dịch thành một câu rất tục gây nhiều sóng gió dư luận trong vài ngày qua.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

PGS Nguyễn Thị Minh Thái: “Con người là bông hoa đẹp nhất”
PGS Nguyễn Thị Minh Thái: “Con người là bông hoa đẹp nhất”

Bằng tình yêu rất nồng nàn, nóng bỏng, PGS, TS Nguyễn Thị Minh Thái luôn tha thiết đưa bạn đọc đến với những nét đẹp chân dung con người bởi với bà, con người luôn là bông hoa đẹp nhất.

PGS Nguyễn Thị Minh Thái: “Con người là bông hoa đẹp nhất”

PGS Nguyễn Thị Minh Thái: “Con người là bông hoa đẹp nhất”

Bằng tình yêu rất nồng nàn, nóng bỏng, PGS, TS Nguyễn Thị Minh Thái luôn tha thiết đưa bạn đọc đến với những nét đẹp chân dung con người bởi với bà, con người luôn là bông hoa đẹp nhất.

Truyện ngắn: Mẹ kế
Truyện ngắn: Mẹ kế

Truyện ngắn của nhà văn Đỗ Bích Thúy, đăng trên báo Đại Đoàn Kết.

Truyện ngắn: Mẹ kế

Truyện ngắn: Mẹ kế

Truyện ngắn của nhà văn Đỗ Bích Thúy, đăng trên báo Đại Đoàn Kết.

Truyện ngắn: “Trinh nữ”
Truyện ngắn: “Trinh nữ”

Truyện ngắn “Trinh nữ” của Lê Ngọc Minh đăng trên báo Văn nghệ số 13/2013.

Truyện ngắn: “Trinh nữ”

Truyện ngắn: “Trinh nữ”

Truyện ngắn “Trinh nữ” của Lê Ngọc Minh đăng trên báo Văn nghệ số 13/2013.