Trước lễ rước kiệu lên Đền Hùng

(VOV) -Đội hình tham gia nghi thức dâng cúng lễ vật gồm có chủ tế, quan viên, bô lão cùng các thế hệ của dân làng, các thiếu nữ...

Sáng mai (17/4), tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, Phú Thọ, các xã vùng ven Hy Cương, Chu Hóa, Hùng Lô, Kim Đức, Tiên Kiên, phường Vân Phú, thị trấn Hùng Sơn sẽ rước kiệu lên đền Thượng. Đây là một trong những điểm nhấn quan trọng trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương.

Ngày hôm nay, chính quyền và người dân các xã đang tích cực chuẩn bị cho hoạt động này. Từ sáng sớm, người dân ở xã Kim Đức đã hội tụ ở đình Thét, nơi sinh hoạt cộng đồng linh thiêng của vùng quê này. Cũng như tất cả những người dân ở các xã vùng ven Đền Hùng, năm nào dân làng cũng háo hức chuẩn bị lễ vật, trang phục, tập thật chu đáo, thuần thục các nghi thức trong lễ rước kiệu lên Đền Thượng.

Đã hơn 80 tuổi, nhưng cụ Bùi Thị Huê vẫn tham gia đoàn rước với vai trò là phụ giá. Cụ Huê nói: “Ngày mai là dân rước Vua lên đền. Chúng tôi chuẩn bị công việc này lâu lắm rồi. Ý nghĩa rước Vua ngày hội là rước Vua lên thăm Đền Thượng. Có lễ gà, hoa quả, mọi người thì có đầy đủ trung nam, các đào đóng đường, nhiều khoản lắm, người thì rước kiệu, người thì cầm cờ, đông lắm...”

Đội hình tham gia nghi thức dâng cúng lễ vật gồm có chủ tế, quan viên, bô lão cùng các thế hệ của dân làng, các thiếu nữ trang phục áo dài truyền thống dâng hương hoa, lễ vật như bánh chưng, bánh dầy, các sản vật địa phương do công sức người dân lao động và cả cộng đồng sáng tạo nên. Bởi thế, đây là hoạt động mang tính cộng đồng cao nhất thể hiện tư tưởng hướng về cội nguồn dân tộc, biết ơn tổ tiên và phát huy tinh thần đoàn kết. Tham gia vào lễ tế, ông Khổng Quang Thắng cho biết: năm nào cũng rước kiệu, nhưng vẫn phải chuẩn bị chu đáo trong nhiều ngày, nhất là lễ vật và tập tế, tập lễ để không có sơ suất.

Rước kiệu lên Đền Thượng là công việc chung của cả chính quyền và người dân. Vì vậy, hôm nay Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ cũng đã cử trực tiếp cán bộ đến phụ trách, hướng dẫn, cùng nhân dân các xã chuẩn bị hoàn tất cho lễ rước vào ngày mai.

Bà Nguyễn Thị Tâm, Chủ tịch UBND xã Kim Đức cũng tất bật tham gia vào công việc của xã với niềm tự hào chung của người dân địa phương:“Hàng năm khi đến Giỗ Tổ mọi người dân, đặc biệt là các cụ rất phấn khởi, lúc nào cũng trong tư thế sẵn sàng, và đây cũng là niềm vinh dự của địa phương chúng tôi. Bởi vì rước kiệu lên đền Hùng có nhiều ý nghĩa chính trị cũng như ý nghĩa bản sắc, truyền thống, đặc biệt là hướng về cội nguồn. Rước kiệu chúng tôi có những lễ vật dâng lên Vua Hùng để cầu cho bách gia trăm họ quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt và cũng cầu cho mọi sự tốt lành đến với người dân địa phương”.

Có thể thấy rằng, mỗi một hoạt động trong nghi lễ thờ cúng Hùng Vương đều là sự chung tay của mọi người dân, thể hiện rõ tính cộng đồng trong tín ngưỡng. Đây cũng là nét đặc sắc của di sản văn hóa cần gìn giữ, tiếp tục truyền lại cho thế hệ sau, và là mục tiêu mà chính quyền tỉnh Phú Thọ hướng tới trong việc bảo tồn di sản sau khi được tôn vinh./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Tăng cường ATGT dịp Giỗ Tổ Hùng Vương và 30/4 - 1/5
Tăng cường ATGT dịp Giỗ Tổ Hùng Vương và 30/4 - 1/5

(VOV) -Đây là nội dung công điện của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành địa phương tăng cường các giải pháp bảo đảm ATGT

Tăng cường ATGT dịp Giỗ Tổ Hùng Vương và 30/4 - 1/5

Tăng cường ATGT dịp Giỗ Tổ Hùng Vương và 30/4 - 1/5

(VOV) -Đây là nội dung công điện của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành địa phương tăng cường các giải pháp bảo đảm ATGT