Xây dựng biểu tượng văn hóa là tìm lại đúng bản sắc dân tộc

(VOV)-GS, TS Trịnh Sinh: Chúng ta phải tìm lại đúng chất của cha ông ta để áp dụng và có quyền làm khác đi nhưng phải trên cái gốc của ta.

Cuốn sách “Thế giới biểu tượng trong Di sản văn hóa Thăng Long- Hà Nội” do GS,TS Trần Lâm Biền và PGS,TS Trịnh Sinh đồng tác giả vừa đạt giải sách hay năm 2012. Đây là công trình nghiên cứu đầu tiên về hệ thống biểu tượng, giải mã những biểu tượng văn hóa, nghệ thuật của cư dân Hà Nội thời tiền sử cho đến hiện đại dựa trên những chứng tích khảo cổ học.

Phóng viên VOV phỏng vấn PGS, TS Trịnh Sinh-Viện Khảo cổ học Việt Nam về nội dung này.

PV: Thưa ông, với hệ thống biểu tượng văn hóa trải dài hàng chục thế kỉ, ông và Giáo sư Trần Lâm Biền đã mất bao nhiêu thời gian để cho ra đời công trình nghiên cứu này?

PGS, TS Trịnh Sinh: Khi làm cuốn sách này, chúng tôi đã phải tập hợp những thành nghiên cứu cả cuộc đời. Tôi và GS Trần Lâm Biền đều học cùng một lớp, khoa Lịch sử- Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Trong cả quá trình 43 năm, hai anh em chúng tôi cùng chuyên tâm nghiên cứu đề tài này. Đề tài này đã tổng kết một quá trình lịch sử dài của dân tộc, từ thời nguyên thủy cho đến bây giờ, nói về vẻ đẹp của Di sản, nhất là ở Thăng Long- Hà Nội. Một điểm nữa, qua vẻ đẹp đó nói lên điều gì? Chính vì thế chúng tôi chọn chủ đề là thế giới biểu tượng. 

PGS, TS Trịnh Sinh (Ảnh: Petrotimes.vn)

PV: Việc chúng ta nghiên cứu biểu tượng và lý giải ý nghĩa, giá trị của nó có vai trò, ứng dụng như thế nào trong đời sống hiện nay?

PGS, TS Trịnh Sinh: Những biểu tượng như thế sẽ mang đến nhiều thông điệp cho người đọc. Đầu tiên là sự thú vị ở chỗ nó giải mã được nhiều biểu tượng mà bấy lâu nay ít người biết. Thứ hai nữa, chúng ta biết rằng qua những biểu tượng như thế này có thể biết được cha ông ta đã có tâm thức như thế nào về cả một khối di sản lớn như thế. Nó có thể ứng dụng được.

Ví dụ, các họa sĩ sẽ biết được hình tượng rồng- biểu tượng của vương quyền và thần quyền, từ đó chọn lọc, áp dụng trong những công trình nghệ thuật. Còn với tượng chẳng hạn, thế nào là đẹp? Khi thể hiện hình tượng Thánh Gióng, Chử Đồng Tử, Vua Hùng… thì trang phục như thế nào?

Những nét đẹp của hoa văn người ta thể hiện trên những công trình hiện đại như thế nào? Mái chùa, mái đình áp dụng lên những công trình hiện đại phải có độ cong như thế nào? Bây giờ cứ nói công trình vĩ đại lắm, nhưng nhìn ra lại giống Tàu, giống Nhật… không có nét gì của Việt Nam.

PV: Vậy có thể hiểu cuốn sách của ông và Giáo sư Trần Lâm Biền là một trong những căn cứ xác thực để nhận diện biểu tượng nào là của cha ông ta, đúng không ạ?

PGS, TS Trịnh Sinh: Cuốn sách này, chúng tôi chắt lọc được: bản sắc Việt Nam thể hiện như thế nào? Ví dụ như ở phần mái của một công trình kiến trúc được thể hiện như thế nào, tượng như thế nào là tượng Việt Nam, không phải tượng Trung Quốc; hay những hình tượng trang trí kiến trúc chúng ta thấy, ở nhiều đình chùa Việt Nam người ta không biết, cứ tự nhiên đưa vào… Chúng ta phải tìm lại đúng chất của cha ông ta để áp dụng và có quyền làm khác đi nhưng phải trên một cái gốc của ta.

PV: Trong quá trình nghiên cứu của mình, chúng ta đã có sự tiếp nối như thế nào đối với hệ thống biểu tượng trước đây của cha ông?

PGS, TS Trịnh Sinh: Tôi cũng mừng vì trong thế hệ trẻ có rất nhiều em học hành nghiêm chỉnh, nối tiếp được liền mạch với những công trình kiến trúc. Nhưng tiếc là có những công trình rất lớn nhưng lại không áp dụng được. Điều đó thật đáng tiếc trong thời điểm bây giờ, khi nhiều tiêu chí bị đảo lộn. Có những người tiếp tục tìm ra được đâu là bản sắc dân tộc để tôn lên nhưng cũng có một số công trình lớn về mặt tôn giáo thì rất tiếc không thừa hưởng được.

PV: Vâng xin cảm ơn ông!./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên