Ban ca nhạc đầu tiên của Đài TNVN: Đôi người còn lại

VOV.VN - Cho đến nay, hầu hết thành viên Ban ca nhạc đầu tiên đã "về trời", chỉ còn lại ông Lê Quý - Nguyên Phó TGĐ và NSND Tuyết Mai.

Cách đây tròn 40 năm, một “Đài Tiếng nói Vệt nam” thu nhỏ được lệnh đi sơ tán xa Hà Nội hơn 600km về phía bắc để “Làn sóng Tiếng nói Việt nam luôn thông suốt trong mọi tình huống”. Đoàn chúng tôi gồm hơn 100 người, có biệt danh là Đoàn 59 (để khác với 58 Quán Sứ), do ông Lê Quý – Phó Tổng biên tập làm trưởng đoàn.

Trước khi rời Hà Nội, ông Trần Lâm – Tổng biên tập nói với tôi rằng: “Văn thơ nhạc kịch có 3 người, cố gắng hoàn thành nhiệm vụ nhé”. Mải nghĩ đến chuyện ra đi nên tôi quên mất cái con số 3 mà ông Lâm nói. Bởi lẽ phụ trách phần văn nghệ này của đoàn chỉ có 2 là chị Đỗ Thị Kim Tĩnh và tôi. Sau này tôi mới nghĩ ra ông Trần Lâm muốn nói đến ông Lê Quý - lãnh đạo đoàn.

Ông Quý vốn là một người thổi kèn Hamonica hay nhất trong Ban ca nhạc mới manh nha của thuở thành lập Đài. Ông Quý người Huế, tôi người xứ Nghệ, cùng dân Khu 4 với nhau nên dễ gần và hay tâm sự những khi rảnh rỗi, dù tuổi tác và chức vụ tôi kém ông nhiều.

Ông từng là biên dịch viên, phát thanh viên tiếng Pháp, rồi phụ trách Ban Đối ngoại…nhưng “máu văn nghệ” vẫn tràn đầy. Nói chuyện vể văn nghệ không bao giờ vơi…


Ông Lê Quý (áo đen, giữa) trao đổi với chuyên gia Liên Xô (ảnh tư liệu)

Ông kể: “Năm 1946 khi Đài TNVN còn phát ở Hà Nội. Mới thành lập nên nặng về thông tin và truyền mệnh lệnh, ông Trần Lâm đã nghĩ ngay đến việc phải có  “đàn hát” mới thu hút nhiều thính giả. Vậy là Đài cho mời các chị Thương Huyền, Bùi Thị Thái, và cả dàn nhạc “nhà binh” của ông Đinh Ngọc Liên. Dàn nhạc này khá đông mà phòng Bá âm lúc đó ở sau Nhà hát Lớn (phố Phạm Ngũ Lão bây giờ) quá nhỏ nên nhạc công ngồi cả ngoài sân mà đánh đàn, thổi kèn, kéo micrô ra sân để thu thanh phát thẳng lên sóng.

Hồi đó, bộ phận kỹ thuật Bá âm của anh Phan Nghiêm có một máy thu thanh vào đĩa nhựa Wilox của Việt kiều ở Pháp tặng Bác Hồ khi Bác sang Pháp ký tạm ước 14/9/1946 và Bác đã đưa cho ông Trần Lâm để Đài có thêm phương tiện sử dụng.

Trước khi Đài TNVN rời Hà Nội lên chiến khu, anh Phan Nghiêm đã có ý thức dùng máy Wilcox này ghi vào đĩa nhựa một số bài hát hay của chị Thương Huyền và chị Bùi Thị Thái với ý định để dùng phát trên Đài ở chiến khu.

NSND Tuyết Mai (Bùi Thị Thái) trong phòng thu (ảnh tư liệu)

Nhưng do khí hậu ẩm ướt, do di chuyển và nhiều khó khăn nên sau khi ở chùa Trầm chuyển lên Sơn Tây, rồi Phú Thọ, thì số máy móc và đĩa hát đó phần thì hỏng, phần thì mất mát nên từ Tuyên Quang trở đi, Đài TNVN không còn một thiết bị chơi nhạc gì kể cả máy hát quay tay và đĩa hát. Số ca sĩ ít ỏi trước đây cộng tác với Đài khi còn ở Hà Nội, bắt đầu kháng chiến họ cũng chia nhau đi phục vụ các địa phương hết.

Trong hoàn cảnh như vậy cũng phải tìm cách "du kích" có gì dùng nấy để có một số nhạc tối thiểu trên Đài. Trong cán bộ nhân viên đi theo Đài ở chiến khu hồi đó có anh Doãn Phú, công nhân Bá âm biết chơi đàn Banjo và có mang theo một cái đàn cũ; còn trong biên tập có tôi biết thổi Harmonica, cả 2 đều huy động đem "nhạc cụ nghiệp dư" của mình phục vụ Đài.

Để đảm bảo có bài nhạc hiệu "Diệt phát xít" đầu mỗi buổi phát thanh tiếng Việt cũng như tiếng nước ngoài, vài ba anh chị em ở Đài có khi huy động cả Giám đốc và cả người cấp dưỡng, đứng trước micrô, có đàn Banjo và Harmonica đệm theo, cùng hát bài "Diệt phát xít". Hát xong các "ca sĩ" lặng kẽ rút lui, để phát thanh viên bắt đầu đọc buổi phát thanh.

Công việc này lặp đi lặp lại mỗi ngày gần chục lần và kéo dài cả năm trời. Làm vậy cũng là bất đắc dĩ thôi, chứ ít nhiều thì Đài phát thanh cũng phải có chương trình ca nhạc, Lãnh đạo Đài xin ở trên bổ xung cho một số nhạc sĩ và ca sĩ để lo phần ca nhạc.

Nhờ chủ trương đó, đến cuối năm 1949, Đài TNVN lần lượt tiếp nhận lại một số ca sĩ như: chị Thương Huyền, anh Mai Khanh, anh Đỗ Lạc với chiếc phong cầm cũ kỹ, anh Trần Thụ với cây ghi ta Espagnol, em Đỗ Như của Trường Thiếu sinh quân đưa sang. Chị Thương Huyền là ca sĩ có tiếng đầu tiên ở lại cộng tác cùng Đài TNVN trong kháng chiến.

Ngay sau khi chị Thương Huyền được bổ sung về Đài thì không cần chờ đầy đủ các nhạc sĩ khác, chúng tôi đã mạnh dạn để chị hát thẳng trước micrô, xen vào giữa hoặc cuối chương trình phát thanh các bài hát phổ biến lúc bấy giờ.

Thời gian đầu, đệm nhạc cho chị Thương Huyền chỉ có cây Banjo, cây Harmonica và một thùng sắt tây thay cho cả bộ gõ. Đến lúc này mới có giọng nữ, giọng nam, giọng thiếu nhi và có thể trình bày các bài đơn ca, song ca hoặc đồng ca. Về nhạc cụ nhà nghề mới chỉ có cái phong cầm của anh Đỗ Lạc và đàn ghi-ta của anh Trần Thụ.

Có thể xem đây như Ban nhạc đầu tiên của Đài TNVN trong kháng chiến chống Pháp. Tuy chỉ có một phòng Bá âm dã chiến rất đơn sơ, vẫn chỉ có một micrô nhỏ dùng chung cho ca sĩ và phát thanh viên, nhưng dù sao đây cũng là một cố gắng và một tiến bộ của Đài về âm nhạc.

Từ khi có "Ban nhạc" này, chúng tôi khỏi phải làm cái việc độc đáo là trước mỗi buổi phát thanh lại í ới gọi nhau lên phòng Bá âm, sắp hàng đứng sau phát thanh viên hát bài nhạc hiệu "Diệt phát xít" của Nguyễn Đình Thi! Và cũng từ đấy Đài TNVN bắt đầu có các chương trình ca nhạc 10 phút, rồi 15 phút và những dịp kỷ niệm hoặc lễ lớn, kéo dài đến 30 phút ca nhạc!...”

Đến đây, tôi xin được “bật mí”: giọng hát quyến rũ của nghệ sĩ Bùi Thị Thái thời bấy giờ chính là giọng đọc truyền cảm của phát thanh viên, nghệ sĩ nhân dân Tuyết Mai được rất nhiều thính giả mến mộ trong hơn 4 thập kỷ của thế kỷ XX. Cho đến nay giọng nói ấy để lại nhiều ấn tượng đẹp.

Cũng trong thời gian đi “sơ tán”, sau khi tôi viết xong bài hát về Đài “Lắng tiếng quê hương” đến hát cho ông Lê Quý nghe, ông Quý có “khoe” với chúng tôi  tấm ảnh đen trắng. Cho đến nay nhìn lại hầu hết người trong ảnh đã “về trời” như NSND Thương Huyền, NSƯT Trần Thụ, nhạc sĩ Cầm Phong (Đỗ Lạc), tay đàn Banjo Doãn Phú và Đỗ Như. Hiện chỉ còn lại NSND Tuyết Mai (Bùi Thị Thái) và nguyên Phó Tổng giám đốc Đài TNVN Lê Quý – một tay đàn Harmonica điêu luyện và một giọng đọc tiếng Pháp có bản sắc riêng. Một đang sống ở Hà Nội và một đang sống ở thành phố Hồ Chí Minh, cả hai người đều đã gần 90 tuổi./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên