Giai điệu tự hào tháng 7: Xúc động những ký ức “Tình người biên giới”

VOV.VN - Giai điệu tự hào Tháng 7 với chủ đề “Chiều biên giới”  tôn vinh những
ký ức hào hùng trong những bài ca đi qua năm tháng của lịch sử dân tộc.

Trong kho tàng âm nhạc Việt Nam, đề tài biên giới, nhân dân và các lực lượng vũ trang trên biên giới chiếm một vị trí đáng kể với những giai điệu đẹp, tạo được dấu ấn sâu sắc trong lòng công chúng cả nước. Chương trình Giai điệu tự hào số tháng 7 mang tên “Chiều biên giới” sẽ lên sóng kênh VTV1 vào lúc 20h10 tối nay (30/7).

Chương trình được chia làm ba phần: Biên giới hùng vĩ – Tình người biên giới – Chắc tay súng biên cương.

Giai điệu tự hào số tháng 7

Biên giới hùng vĩ được nhấn mạnh vào hình ảnh những chiến sỹ biên phòng Lũng Cú quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, bảo vệ cột cờ Lũng Cú - hồn thiêng sông núi của Tổ quốc. Điểm nhấn trong phần này là tiết mục “Chiều biên giới” qua sự thể hiện của NSƯT Hà Vy và nghệ sĩ Thục Hiền. Để thực hiện tiết mục này, hai người nghệ sĩ đã cùng ekip vượt hơn 1.000km trong 3 ngày và thực hiện những cảnh quay ấn tượng trên cột cờ Lũng Cú.

Nhạc sĩ Trương Quý Hải, người đã lên nghĩa trang Vị Xuyên thắp hương cho những người đồng đội mình đã ngã xuống nhân dịp kỷ niệm Ngày Thương binh Liệt sĩ năm nay, sẽ thể hiện ca khúc “Lên núi” cùng các cựu chiến binh.

Ca khúc “Cô gái Sầm Nưa” ở phần Tình người biên giới được nhạc sĩ Trần Tiến sáng tác sau một chuyến đi sang nước bạn Lào. Bài hát được mở đầu là màn solo ấn tượng của nhạc sĩ Thanh Phương với cây đàn guitar. Không gian world music kết hợp với dân gian đương đại đã đưa đẩy cùng giọng hát của Tùng Dương mang đến cho người nghe một cảm giác vừa lạ vừa hiện đại. Đặc biệt bất ngờ khi nhạc sĩ Trần Tiến cũng tham gia hát một khúc tiếng Lào.

Tùng Dương

Ca khúc “Anh lính tình nguyện và điệu múa Apsara” được nhạc sĩ Quang Minh sáng tác năm 1980, trong chuyến đi biểu diễn phục vụ bộ đội tình nguyện ở Campuchia. Bài hát kể một câu chuyện đẹp về tình đoàn kết của hai dân tộc. Trong Giai điệu tự hào tháng 7, bài hát được phối lại theo tiết tấu hiện đại nhưng vẫn còn nguyên nét đặc trưng của bài hát.

Bản “Tình ca mùa xuân” được nhạc sĩ Trần Hoàn viết năm 1978, thời điểm mà cả biên giới phía Bắc và Tây Nam vẫn còn rất căng thẳng. Thập niên 80 của thế kỷ trước, bài hát này luôn vang lên trong những buổi đưa tiễn bộ đội lên đường nhập ngũ. Không ít cô gái thuở ấy đã mượn lời bài hát để gửi tâm tình đến chàng trai ra tiền tuyến. Lần này, giọng hát của NSND Thái Bảo sẽ hoà quyện với giọng ca trẻ Vũ Thắng để mang đến cho người nghe lại cảm xúc bình yên, tình yêu nảy nở khi mùa xuân về nơi biên giới.

Ở phần Chắc tay súng giữ biên cương là ca khúc “Hãy yên lòng mẹ ơi” (Sáng tác: Lư Nhất Vũ, biểu diễn: Quang Hào). Ca khúc chứa đẫm tình cảm của người con nơi chiến trường dành cho người mẹ yêu quý nơi quê nhà. Trước đó, ca khúc này từng được các nghệ sĩ Lê Hành, Thanh Lan, Thái Châu, Minh Quang… thể hiện với nhiều chất giọng khác nhau. Trong Giai điệu tự hào, ca sĩ Quang Hào sẽ hát ca khúc trên một bản phối da diết cùng tiếng guitar réo rắt.

Bảo Trâm - Ngọc Khuê

“Gửi lại em” là một sáng tác của Vũ Hoàng. Bài hát như câu chuyện về hai người bạn gái kể về hai người chiến sĩ, tin tưởng vào một ngày mai tươi sáng, hy vọng sự trở về. Đây là tác phẩm nổi tiếng của thập niên 80, thường vang trên những giảng đường Đại học lúc bấy giờ. Giai điệu tự hào tháng 7 sẽ có màn kết hợp độc đáo giữa hình ảnh âm nhạc của hai ca sĩ Vũ Dậu và Lệ Quyên (từng thể hiện  ca khúc này lúc xưa) với cặp đôi Ngọc Khuê và Bảo Trâm (hiện tại) nhằm tạo ra một cuộc đối thoại giữa cái cũ và mới nhưng vẫn giữ nguyên sự mộc mạc.

“Hát về anh” được nhạc sĩ Thế Hiển sáng tác năm 1983, trong khi nhạc sĩ đi phục vụ bộ đội chiến đấu tại biên giới phía Bắc. Trong một lần chia sẻ với báo chí, nhạc sĩ Thế Hiển có kể sự tận cùng của cảm xúc khi chứng kiến nỗi gian lao và sự hy sinh của các chiến sĩ. Ca khúc mang rất nhiều cảm xúc hào hùng trong cuộc chiến bảo vệ chủ quyền dân tộc.

Lần này, nhạc sĩ Thế Hiển sẽ đích thân thể hiện ca khúc cùng Tốp ca Giọng hát Việt và Sao Mai. Trong trường quay, nhiều người lính năm xưa đã không cầm được nước mắt khi nghe bài hát viết về những người đồng đội thân yêu./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Giai điệu tự hào 2016: “Khởi hành” với nhiều cảm xúc mới
Giai điệu tự hào 2016: “Khởi hành” với nhiều cảm xúc mới

VOV.VN -Giai điệu tự hào tái ngộ khán giả truyền hình bằng số đầu tiên với câu chuyện âm nhạc đầy cảm xúc, câu chuyện cuộc đời của 2 nhạc sĩ Văn Cao - Phạm Duy.

Giai điệu tự hào 2016: “Khởi hành” với nhiều cảm xúc mới

Giai điệu tự hào 2016: “Khởi hành” với nhiều cảm xúc mới

VOV.VN -Giai điệu tự hào tái ngộ khán giả truyền hình bằng số đầu tiên với câu chuyện âm nhạc đầy cảm xúc, câu chuyện cuộc đời của 2 nhạc sĩ Văn Cao - Phạm Duy.

Giai điệu tự hào số 2: Những trang viết còn lại
Giai điệu tự hào số 2: Những trang viết còn lại

VOV.VN - Giai điệu tự hào tháng 6 sẽ là câu chuyện âm nhạc về những trang nhật kí, hồi kí và những bức thư của các nhạc sĩ.

Giai điệu tự hào số 2: Những trang viết còn lại

Giai điệu tự hào số 2: Những trang viết còn lại

VOV.VN - Giai điệu tự hào tháng 6 sẽ là câu chuyện âm nhạc về những trang nhật kí, hồi kí và những bức thư của các nhạc sĩ.