Nhạc sĩ Cát Vận: “Mơ thanh bình sóng biển Việt Nam”

VOV.VN - Bài hát “Mơ thanh bình sóng biển Việt Nam” của nhạc sĩ Cát Vận nói lên khát vọng hòa bình trong từng nốt nhạc, lời ca.

Trong bối cảnh hiện nay Trung Quốc ngang ngược đặt dàn khoan trái phép Hải Dương 981 trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, chủ đề biển đảo, tình yêu quê hương, đất nước được các văn nghệ sĩ chú tâm với nhiều sáng tác mới.

Nhạc sĩ Cát Vận, nguyên Trưởng ban Âm nhạc Đài TNVN, Chủ tịch CLB “Âm nhạc và Báo chí” (Hội Nhạc sĩ Việt Nam và Hội Nhà báo Việt Nam) cũng có một sáng tác mới mang tên “Hãy lắng nghe triệu Trái tim Việt”. PV VOV có cuộc trao đổi với NS Cát Vận về ca khúc mới và vai trò công dân của người nghệ sĩ đối với những vấn đề của đất nước.


Nhạc sĩ Cát Vận (thứ 2 từ trài qua)

PV: Được biết, nhạc sĩ vừa kịp thời sáng tác một ca khúc mới về chủ đề biển. Ông có thể kể đôi chút về tác phẩm này?

Nhạc sĩ Cát Vận: Tôi cũng như nhiều nghệ sĩ khác đã có tác phẩm mới để biểu thị thái độ của giới âm nhạc Việt Nam. Bài hát “Hãy lắng nghe triệu Trái tim Việt” là lời khẳng định về chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Tôi chỉ mất nửa buổi để sáng tác và đã hoàn thành việc thu âm. Bài hát viết theo nhịp điệu hành khúc như một lời kêu gọi người dân hướng về những chiến sĩ nơi đảo xa, cùng nước non bảo vệ chủ quyền thiêng liêng.

“Rầm rập những bước chân đang xuống đường

Nguyện thề giữ chủ quyền biển đảo, quê hương.

Những tiếng thét dồn vang cháy lồng ngực

Gọi triệu con tim vỡ òa tình nước non…”

Nghe ca khúc "Mơ thanh bình sóng biển Việt Nam"

PV: Trước “Hãy lắng nghe triệu Trái tim Việt”, nhạc sĩ còn sáng tác ca khúc “Mơ thanh bình sóng biển Việt Nam” ngay trong chuyến công tác đến với Trường Sa vào tháng 5/2013. Nhạc sĩ có thể chia sẻ về ca khúc này?

Nhạc sĩ Cát Vận: Tôi và các nhạc sĩ Nguyễn Cường, Quỳnh Hợp, Giáng Son, Trần Ngọc Lâm và Nguyễn Việt Hùng đã có cơ duyên được đến với Trường Sa. Chuyến đi thực tế qua 10 đảo chìm và đảo nổi như Nam Yết, Đá Lát, Trường Sa Đông, Trường Sa Lớn… đã để lại những ấn tượng mạnh cho chúng tôi.

Hơn 10 ngày lênh đênh trên biển và giao lưu với cán bộ, chiến sĩ đã chắp bút cho tôi viết nên ca khúc “Mơ thanh bình sóng biển Việt Nam”. Bài hát nói lên khát vọng hòa bình qua từng câu chữ trong bài hát: “Những con sóng nghe như là khúc quân hành, nhưng những con sóng ấy vẫn mơ giấc mơ thanh bình”. Đó là giấc mơ, là hy vọng và cũng là khát vọng về nền hòa bình của tôi và của toàn dân như “Mơ thanh bình sóng biển Việt Nam. Mơ thanh bình đất mẹ Việt Nam”.

PV: Bên cạnh sáng tác ca khúc, nhạc sĩ còn thành công trong mảng sáng tác khí nhạc. Đặc biệt là tác phẩm “Tình yêu của biển” nằm trong chùm tác phẩm của nhạc sĩ được Nhà nước trao tặng giải thưởng cho văn học nghệ thuật năm 2012. Nhạc sĩ có thể chia sẻ đôi chút về bản khí nhạc này?

Nhạc sĩ Cát Vận: Với riêng tôi, tôi luôn mong muốn và khát khao được sáng tác những tác phẩm khí nhạc. Trước “Tình yêu của biển” viết cho piano và dàn nhạc dây, tôi cũng từng viết tiểu phẩm “Mùa thu” cho cho dàn nhạc dây và đàn thập lục.



Nghe bản nhạc "Tình yêu của biển"
Tôi sáng tác “Tình yêu của biển” một cách cũng rất tình cờ trong trong chuyến tàu từ Sài Gòn ra Hà Nội vào đầu những năm 80 của thế kỷ trước. Khi đến miền Trung Việt Nam, một anh thủy thủ chỉ cho tôi Cù Lao Chàm. Hình ảnh sóng biển nhấp nhô, xa xa là bờ biển khiến tôi nảy ra giai điệu.

Lúc đó, Đài TNVN mới thành lập một dàn nhạc mang tên “Cây Vĩ cầm”. Tôi đã viết lại tác phẩm theo phong cách bán cổ điển cho dàn nhạc chơi. Bản nhạc này đã thể hiện tình cảm của tôi với biển đảo quê hương Việt Nam.

PV: Trong thời gian qua, có rất nhiều nghệ sĩ, ca sĩ ra MV, ca khúc về đề tài biển đảo. Đặc biệt là các nghệ sĩ trẻ. Nhạc sĩ có đánh giá như thế nào về những hành động này?

Nhạc sĩ Cát Vận: Trong tình hình hiện nay, nhiều anh chị em nhạc sĩ ở các thế hệ khác nhau đều quan tâm đến biển đảo, muốn thể hiện thái độ của mình bằng nghệ thật, cụ thể là bằng âm nhạc, tác phẩm, ca khúc.

Trên thực tế, đề tài biển đảo đã được các nhạc sĩ khai thác từ rất lâu rồi. Có rất nhiều những tác phẩm nổi tiếng, đi cùng với năm tháng và được đông đảo khán giả yêu mến như “Nơi đảo xa” (Thế Song), “Gần lắm Trường Sa” (Hình Phước Long), “Làng lính trên đảo” (Doãn Nho), “Trường Sa chiều biển nhớ” (Vũ Trọng Tường)… Đó là những khúc tráng ca trữ tình, ngợi ca vẻ đẹp, tình yêu quê hương, đất nước, cũng như tình cảm của những người nơi đất liền luôn hướng về các chiến sĩ ở đảo xa. Song song đó, có những cuộc thi rất thiết thực như “Đây biển Việt Nam” tổ chức để các nhạc sĩ được trải lòng mình với biển đảo quê hương.

Tuy nhiên, trong tình hình mới, việc các ca sĩ ra MV, ca khúc và quảng bá đến với quần chúng là một hành động, cử chỉ rất tốt, cần được tôn vinh và khuyến khích. Các nghệ sĩ phải cùng đồng lòng với người dân Việt Nam để phản đối với hành động ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông.

Nhạc sĩ Cát Vận (thứ 2 bên trái) trong chuyến công tác ra Trường Sa

PV: Theo ông, vai trò và trách nhiệm công dân của giới nghệ sĩ trong giai đoạn hiện nay như thế nào?

Nhạc sĩ Cát Vận: Nghệ sĩ là một công dân nên việc biểu thị thái độ cũng là trách nhiệm công dân. Sự lên tiếng và xuất hiện của nghệ sĩ – những người nổi tiếng sẽ tạo ra được làn sóng ủng hộ lớn. Tuy nhiên, việc biểu thị đó phải tuân theo đúng luật pháp. Mỗi người nghệ sĩ là một chiến sĩ trên mặt trận nghệ thuật, do đó, các nghệ sĩ nên bày tỏ suy nghĩ và tinh thần yêu nước của mình bằng chính các tác phẩm nghệ thuật.

Tôi nhận thấy, những tác phẩm về chủ đề biển đảo chưa được thể hiện một cách tập trung. Các tác giả, nghệ sĩ chỉ quảng bá thông qua những phương tiện truyền thông đại chúng. Đó là lý do mà sắp tới, Hội Nhạc sĩ Việt Nam sẽ tổ chức một chương trình về biển đảo, quy tụ những nghệ sĩ lớn và những tác phẩm xuất sắc, cũng như những tác phẩm mới.

PV: Xin cảm ơn nhạc sĩ Cát Vận./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên