NS Nguyễn Vĩnh Tiến sẽ viết đủ bộ bài hát về gia đình

(VOV) - Thành danh với dòng nhạc mang âm hưởng dân gian và những ca khúc về gia đình, nhạc sỹ Nguyễn Vĩnh Tiến vẫn ấp ủ những đề tài mới.

PV: - Thưa nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến, văn học, kiến trúc và âm nhạc – yếu tố  nào đến với anh trước tiên?

NS Nguyễn Vĩnh Tiến: - Những gì mà tôi có được như ngày hôm nay là một quá trình tích lũy đan xen từ khi còn là một cậu bé ở vùng trung du cho đến khi trở thành một sinh viên của trường Đại học Kiến trúc Hà Nội và đến bây giờ tôi cũng đã là một người trưởng thành vừa đi làm, vừa đi học, vừa đi dạy.

Tôi thấy rằng quá trình tích lũy đó đến rất tự nhiên và điều đầu tiên cần phải kể đó là vùng đất Phú Thọ nơi tôi được sinh ra có nhiều di sản về văn hóa tinh thần như hát Xoan, hát Ghẹo và các lễ hội truyền thống. Tất cả những chất liệu đó đã ngấm vào tôi và về sau này một phần trở thành thơ ca, một phần trở thành ca khúc. Với kiến trúc cũng vậy, kiến trúc cảnh quan của vùng trung du cũng khá đặc biệt với “rừng cọ đồi chè” và dòng Sông Hồng quanh co uốn khúc cũng như những truyền thuyết của vùng Đất Tổ đã hun đúc trong tôi.

Thơ ca là yếu tố hình thành sớm nhất trong tôi với những bài thơ tôi bắt đầu viết từ năm lên 8 tuổi, còn với ca khúc thì năm 12 tuổi tôi bắt đầu sáng tác ca khúc đầu tiên.

Phút ngẫu hứng của NS Nguyễn Vĩnh Tiến

PV: - Như vậy là vì ảnh hưởng bởi truyền thống văn hóa của quê hương nên những sáng tác của anh mang đậm âm hưởng dân gian?

NS Nguyễn Vĩnh Tiến: - Tôi thấy rằng khi chúng ta yêu cái gì thì cái đó tự ngấm vào tâm hồn mình. Vì chúng ta yêu nên khi nói ra hay nghĩ đến nó đã chứa đựng tình yêu trong đó, đặc biệt là khi chúng ta sáng tạo thì tình yêu đó sẽ đến.

Đối với dân ca thì tôi không chỉ yêu hát Xoan, hát Ghẹo của quê hương mà tôi còn đam mê cả quan họ Bắc Ninh, rồi cả hát văn, ca trù nữa…Dân ca luôn là nguồn dinh dưỡng dồi dào giúp cho tôi có thêm sức mạnh cũng như là nguồn động viên an ủi tinh thần cho tôi trong những lúc làm việc mệt mỏi hay những lúc xa nhà.



Nghe bài hát "Mẹ tôi và những thị xã vắng"

PV: - Có thể thấy kể từ “Bà tôi”, ca khúc làm nên tên tuổi của anh, đề tài gia đình dành được sự quan tâm nhiều nhất. Và những ca khúc anh viết về đề tài gia đình đều được bạn yêu nhạc yêu thích mà gần đây nhất là “Mẹ tôi và những thị xã vắng”. Anh có thể lý giải về điều này?

NS Nguyễn Vĩnh Tiến: - Như chúng ta đã thấy, hiện nay các ca khúc mang chủ đề tình yêu chiếm số lượng lớn và góc độ tình cảm gia đình thì rất ít người viết. Vậy nên tôi đã viết những bài như “Bà tôi”, “Ông tôi”, “Cụ tôi”, “Mẹ tôi và những thị xã vắng” hay những thành viên khác như “Vợ tôi”, “Con tôi”…. Đối với tôi gia đình rất quan trọng bởi đó vừa là tổ ấm vừa là điểm tựa, và cũng là đề tài hấp dẫn cho những sáng tạo của tôi.

Bài hát “Mẹ tôi và những Thị xã vắng” tôi viết để tặng mẹ của tôi. Nhân vật nguyên mẫu trong bài hát là một bác sĩ cả cuộc đời gắn bó với những thị xã. Và là một bác sĩ nên mẹ cũng thường xuyên xa nhà. Bài hát này tôi viết trong một buổi chiều mùa thu. Hôm đó, tôi đi đón mẹ ở một trạm xe buýt cuối ngày và khi bất chợt quay lại nhìn mẹ thì tôi nhận thấy màu tóc của mẹ đã lẫn vào với sắc màu của buổi chiều và điều đó cho tôi một cảm xúc rất mạnh mẽ.

Nếu như các bạn gái có thể nói “mẹ ơi con yêu mẹ” thì những người đàn ông rất khó nói điều đó và trong bài hát tôi có viết “những lời muốn nói với mẹ thân yêu cứ ngập ngừng” và bài hát đó đã thay lời tôi muốn nói.


PV: - Đề tài gia đình đã mang lại những thành công nhất định cho anh. Vậy bên cạnh đó nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến còn dành sự quan tâm của mình tới  những đề tài khác không?

NS Nguyễn Vĩnh Tiến: - Sau các ca khúc viết về đề tài gia đình thì hiện tại tôi cũng đang viết về các tháng trong một năm từ Tháng giêng, Tháng hai, Tháng ba, Tháng tư…. Bởi đất nước Việt Nam là một đất nước nông nghiệp nên đặc thù của tháng là gắn với các mùa như mùa cấy, mùa gặt, mùa gieo trồng…. Điều đó rất là thú vị.

Hay với nghề kiến trúc đô thị, đến mỗi tỉnh lại cho tôi một trải nghiệm mới và chùm ca khúc với đề tài Tỉnh ca tôi cũng đã viết về Phú Thọ, Hưng Yên, Cao Bằng….Trong đời sống đô thị những lúc bận rộn có thể các bạn sẽ quên đi sự chuyển mùa, quên đi những khoảnh khắc những phút giây mà chúng ta chạm vào từng mùa một cũng như chúng ta chạm vào từng tháng một.



Nghe bài hát "Cao Bằng"

Với chùm ca khúc về tháng tôi hy vọng sẽ phác thảo ra những bức tranh của từng tháng với những nét đặc sắc riêng và để giúp cho người nghe chúng ta lại tiếp tục được chạm vào khoảnh khắc của từng tháng, từng mùa trong một năm. Nói rộng hơn nữa là chúng ta lại có thể chạm vào những thời khắc ý nghĩa trong cuộc đời. (cười)

PV: - Có vẻ như công việc sáng tác âm nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến rất bận rộn. Mà hiện tại anh đang là nghiên cứu sinh chuyên ngành kiến trúc tại Pháp. Vậy anh sắp xếp thời gian như nào cho việc học tập và sáng tác của mình?

NS Nguyễn Vĩnh Tiến: - Hiện tại tôi đang là nghiên cứu sinh về kiến trúc tại Pháp. Công việc học tập tương đối bận rộn với một đề tài nghiên cứu tương đối khó: đề tài về đô thị đa cực liên quan đến việc nhận diện các bản sắc đô thị vừa và nhỏ ở Việt Nam. Nhưng tôi luôn ý thức rằng những việc mình đã làm được chưa phải là sự mĩ mãn nên tôi vẫn luôn đam mê và nỗ lực trong mọi lĩnh vực của cuộc sống. Với tôi việc sáng tác giống như việc “tập thể dục” không thể thiếu trong mỗi ngày.

PV: Cảm ơn nhạc sỹ Nguyễn Vĩnh Tiến./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Sau “Bà tôi”, Nguyễn Vĩnh Tiến viết “Cụ tôi”
Sau “Bà tôi”, Nguyễn Vĩnh Tiến viết “Cụ tôi”

Tác phẩm này nằm trong album mới phát hành của nhóm nhạc M6 mang tên “Những đường bay”.

Sau “Bà tôi”, Nguyễn Vĩnh Tiến viết “Cụ tôi”

Sau “Bà tôi”, Nguyễn Vĩnh Tiến viết “Cụ tôi”

Tác phẩm này nằm trong album mới phát hành của nhóm nhạc M6 mang tên “Những đường bay”.

Nguyễn Vĩnh Tiến: Làm gì cũng phải chuyên nghiệp!
Nguyễn Vĩnh Tiến: Làm gì cũng phải chuyên nghiệp!

“Tôi luôn nghĩ mình cầm bút vẽ tay phải, còn cầm đàn tay trái, nhưng để làm ra tác phẩm và để tác phẩm đến được với công chúng mình phải trang bị cách làm việc chuyên nghiệp nhất”

Nguyễn Vĩnh Tiến: Làm gì cũng phải chuyên nghiệp!

Nguyễn Vĩnh Tiến: Làm gì cũng phải chuyên nghiệp!

“Tôi luôn nghĩ mình cầm bút vẽ tay phải, còn cầm đàn tay trái, nhưng để làm ra tác phẩm và để tác phẩm đến được với công chúng mình phải trang bị cách làm việc chuyên nghiệp nhất”