Lò Sành Phin-nghệ nhân người Dao đỏ ở Hà Giang duy trì nghề đan mành tráng giấy bản

VOV.VN - Ông Lò Sành Phin ở thôn Thanh Sơn, thị trấn Việt Quang, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang là nghệ nhân người Dao đỏ duy nhất còn giữ nghề đan mành tráng giấy bản-một loại giấy gắn liền với văn hóa tín ngưỡng của đồng bào.

Ông Lò Sành Phin ở thôn Thanh Sơn, thị trấn Việt Quang, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang là nghệ nhân người Dao đỏ duy nhất còn giữ nghề đan mành tráng giấy bản-một loại giấy gắn liền với văn hóa tín ngưỡng của đồng bào.

“Sành Phìn mành tráng” là cách gọi trân quý mà đồng bào Dao đỏ tỉnh Hà Giang dành cho ông Lò Sành Phin, nghệ nhân người Dao duy nhất ở thôn Thanh Sơn, thị trấn Việt Quang, huyện Bắc Quang (Hà Giang) hiện còn duy trì nghề đan mành tráng giấy bản của đồng bào. Hàng chục năm nay, ông Phin vẫn ngày ngày cần mẫn đan những chiếc mành, vật dụng không thể thiếu trong nghề làm giấy bản của đồng bào ở đây. 

“Trước đây mỗi khi mành tráng giấy bị hỏng, bà con thường hay cầm đến nhà nhờ ông chú tôi chỉnh sửa, nẹp lại. Nhưng sau khi ông chú già yếu, không duy trì được nữa, thì truyền nghề cho tôi hơn chục năm nay”, ông Lò Sành Phin tâm sự.

Theo ông Phin, giấy bản gắn liền với văn hóa tín ngưỡng của đồng bào Dao và thường được sử dụng trong các dịp cầu an, lễ, Tết. Để làm giấy bản thì không thể thiếu những chiếc mành để tráng giấy. Nghề đan mành tráng giấy không đơn giản như đan một số vật dụng dùng trong sinh hoạt như: gùi, sọt hay thúng, mà đòi hỏi sự cầu kỳ, tỉ mỉ trong từng công đoạn. Để hoàn thiện một chiếc mành tráng giấy phải mất thời gian 5 ngày.

Vật liệu chính dùng cho việc đan mành tráng giấy là cây vầu, một loại cây mọc tự nhiên. Để có chiếc mành bền, chắc chắn, thì nhất thiết phải chọn lựa những cây vầu già, có ống dài, và đặc biệt không được sử dụng những cây vầu không có ngọn, vì như vậy khi đan, mành sẽ kém bền.

Cây vầu sau khi được chặt về, chọn lấy ống dài từ 85-90 cm, đem bổ đôi, bỏ phần lõi, chỉ lấy thân ngoài, chẻ nhỏ như que tăm. Sau đó được vót lại cho tròn đều, để khi đan chiếc mành mới phẳng, đẹp và chắc chắn. Khung đan mành là hình chữ nhật, có chiều dài 90 cm, rộng 30 cm, được làm từ 2 thanh gỗ đặt ngang trên 2 tấm gỗ song song nhau, đầu trên dựng hơi thoải để tạo độ dốc vừa phải. Phía trên thanh gỗ ngang được vít 54 ốc vít bằng gỗ tương ứng với việc móc 54 sợi cước kéo thẳng xuống thanh gỗ nằm ngang phía dưới, buộc chặt với từng chiếc đinh tạo thành một mặt phẳng cho công đoạn đan mành. Khi đan, lấy từng que đan cho vào một ống nứa nhỏ, bằng ngón tay để luồn qua hàng cước, đan so le nhau. Sau mỗi que đan lại rút ống nứa ra, dùng tay khẽ kéo que đan xuống phía dưới, cho gần khít nhau và xoay ốc vít cho khung đan được căng. Cứ như vậy cho đến khi chiếc mành có chiều rộng 30 cm thì tiến hành công đoạn nẹp.

2 bên mép của mành, mỗi bên được nẹp bằng 3 miếng vầu nhỏ, to bằng ngón tay út, giúp cho mành được phẳng và căng. Phía 2 đầu mành được đan bằng 2 hàng chỉ chắc chắn. Phơi mành là công đoạn cuối cùng trước khi chiếc mành được đem sử dụng. Ông Phin cho biết thêm: Mành tráng sau khi đan xong, nhất thiết phải được đem phơi trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời, có như vậy chiếc mành mới căng và chắc. Và cũng có thể treo những que đan trên gác bếp trong thời gian 1 tuần trước khi đan cũng giúp cho chiếc mành sử dụng được lâu dài hơn.

Là một trong những gia đình duy trì nghề làm giấy bản truyền thống từ 4 đời nay, chị Triệu Thị Mùi, thôn Thành Sơn, thị trấn Việt Quang, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang cho biết: trước đây gia đình thường phải mua mành tráng giấy ở ngoài chợ, thậm chí phải mua với giá rất cao từ 1,8-2,2 triệu đồng/chiếc mành tráng, nhưng lại không sử dụng được bởi "Mành không được căng như mành của ông Phin đan; thứ hai mành đan hình tròn rất khó sử dụng. Giờ đây dùng mành tráng của ông Phin rất tốt, 2-3 năm mới phải thay một lần, giá cũng chỉ 800 nghìn đồng một mành thôi”.

Ngày ngày cần mẫn đan những chiếc mành tráng giấy bản đã giúp ông Lò Sành Phin có thêm nguồn thu nhập đều đặn từ 2,8-3,5 triệu đồng mỗi tháng. Với ông Phin, có thêm thu nhập cũng quý, nhưng ông giờ đã có tuổi, chỉ mong muốn làm sao có thể truyền nghề, lưu giữ nghề truyền thống cho con cháu. Điều làm ông luôn trăn trở bấy lâu nay, đó là nghề đan mành tráng giấy bản này đang đứng trước nguy cơ thất truyền. Thực tế các cháu trong gia đình đã từng học làm theo, nhưng chưa một ai duy trì được. “Tôi đã gần 70 tuổi, rất muốn truyền lại nghề cho con cháu, nhưng đến nay vẫn chưa có ai thực sự đam mê với nghề này. Vài năm trước các cháu trong gia đình cũng từng học làm theo, nhưng không được, vì công việc này cần sự tỉ mỉ, công phu” - Ông Phin bày tỏ.

Để bảo tồn, phát huy nghề truyền thống, như nghề đan mành tráng giấy bản đã gắn bó với đồng bào Dao đỏ Hà Giang từ hàng thế kỷ nay, rất cần những chính sách cụ thể, nhằm khích lệ, động viên những nghệ nhân đã và đang giữ nghề truyền thống như ông Lò Sành Phin. Bởi hiện nay, tất cả các bản Dao ở Hà Giang chỉ còn duy nhất ông Phin còn giữ nghề này. Đây là việc làm cần thiết, góp phần bảo tồn bản sắc văn hoá của các dân tộc.

Ông Lò Đức Chìu, trưởng thôn Thanh Sơn, thị trấn Việt Quang, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang mong muốn: “Hiện nay tỉnh Hà Giang chỉ còn duy nhất nghệ nhân Lò Sành Phin ở thôn Thanh Sơn, thị trấn Việt Quang, huyện Bắc Quang còn giữ nghề đan mành tráng giấy bản. Vật dụng này không thể thiếu trong nghề tráng giấy bản của người Dao. Vì vậy rất cần những chính sách khuyến khích các nghệ nhân đã và đang duy trì nghề truyền thống, tiếp tục truyền dạy cho thế hệ trẻ để bảo tồn, phát huy  những giá trị văn hoá của đồng bào, trong đó có nghề đan mành tráng giấy bản của người Dao đỏ Hà Giang./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Về đất Tổ nghe điệu Xoan Làng Cổ
Về đất Tổ nghe điệu Xoan Làng Cổ

VOV.VN - Theo truyền thuyết, để nhớ ơn các Vua Hùng đã có công trong thời kỳ dựng nước, người dân Phú Thọ đã sáng tạo hát Xoan và trình diễn tại các đình, đền, miếu thờ Vua Hùng.

Về đất Tổ nghe điệu Xoan Làng Cổ

Về đất Tổ nghe điệu Xoan Làng Cổ

VOV.VN - Theo truyền thuyết, để nhớ ơn các Vua Hùng đã có công trong thời kỳ dựng nước, người dân Phú Thọ đã sáng tạo hát Xoan và trình diễn tại các đình, đền, miếu thờ Vua Hùng.

Làng nghề quạt Chàng Sơn trong "cơn lốc" hiện đại hóa
Làng nghề quạt Chàng Sơn trong "cơn lốc" hiện đại hóa

VOV.VN - Trước cơn lốc đô thị hóa, xu thế công nghiệp hóa, hiện đại hóa, không ít làng nghề đứng trước bờ vực thẳm. Thế nhưng nghề làm quạt ở Chàng Sơn vẫn phát triển từng ngày và có mặt không chỉ ở trong nước mà còn ở hầu khắp các nước trên thế giới.

Làng nghề quạt Chàng Sơn trong "cơn lốc" hiện đại hóa

Làng nghề quạt Chàng Sơn trong "cơn lốc" hiện đại hóa

VOV.VN - Trước cơn lốc đô thị hóa, xu thế công nghiệp hóa, hiện đại hóa, không ít làng nghề đứng trước bờ vực thẳm. Thế nhưng nghề làm quạt ở Chàng Sơn vẫn phát triển từng ngày và có mặt không chỉ ở trong nước mà còn ở hầu khắp các nước trên thế giới.

Ngôi nhà gốm độc đáo giữa làng nghề Bát Tràng
Ngôi nhà gốm độc đáo giữa làng nghề Bát Tràng

VOV.VN - Nằm trong lòng làng gốm nổi tiếng Bát Tràng, ngôi nhà 5 tầng có kiến trúc độc đáo với những bức tường xây xung quanh bằng gạch gốm ấn tượng.

Ngôi nhà gốm độc đáo giữa làng nghề Bát Tràng

Ngôi nhà gốm độc đáo giữa làng nghề Bát Tràng

VOV.VN - Nằm trong lòng làng gốm nổi tiếng Bát Tràng, ngôi nhà 5 tầng có kiến trúc độc đáo với những bức tường xây xung quanh bằng gạch gốm ấn tượng.