Củng Lợi từng nhận giải Cannes trong khi cha mất

VOV.VN - Ngay trước khi bước lên sân khấu nhận giải Cannes với bộ phim “Phải sống”, nữ diễn viên đã nhận tin cha cô qua đời.

Cannes 2014 là lần thứ 16, nữ diễn viên nổi tiếng Củng Lợi đặt chân đến thảm đỏ LHP Cannes. Củng Lợi tham dự với tư cách là nữ diễn viên chính của “Coming Home” (Trở về) của đạo diễn Trương Nghệ Mưu.

Trong cuộc phỏng vấn với Hollywood Reporter, Củng Lợi đã chia sẻ những suy nghĩ rất thật về nghề diễn viên, về giải thưởng Cannes đầu tiên và những băn khoăn cho sự phát triển của điện ảnh Trung Quốc.

Củng Lợi tại LHP Canees lần thứ 67

Củng Lợi nhớ về khoảng thời gian quảng bá phim “Phải sống” của Trương Nghệ Mưu vào năm 1995. Bộ phim bị cấm chiếu ở Trung Quốc nhưng do nhà sản xuất là người Hong Kong nên vẫn có thể gửi phim tới Cannes. Thật bất ngờ, “Phải sống” giành được giải thưởng của BGK và giải cho Nam diễn viên xuất sắc nhất.

Khi ấy, chỉ có mình Củng Lợi và nam chính Cát Ưu đến Cannes. Ngay trước  khi bước lên sân khấu để nhận giải, Củng Lợi nhận được tin cha mình mất. “Lúc ấy, chỉ có 2 chúng tôi ở Cannes. Diễn viên không thể bước ra sân khấu và rơi nước mắt. Vì vậy, tôi đã đứng dậy nhận giải và nói rằng ‘Tôi muốn dành tặng bộ phim cho cha’. Sau khi bước xuống sân khấu, tôi đã khóc rất lâu” – Củng Lợi cho biết.

Nữ diễn viên 49 tuổi nói rằng, ký ức đó khiến cô học được một điều: “Làm diễn viên phải trả cái giá rất đắt. Đôi lúc, diễn viên phải chấp nhận sự xung đột giữa công việc với cuộc sống riêng tư. Tôi đã muốn trở về nhà ngày hôm sau để làm đám tang cho cha nhưng không thể vì có quá nhiều cuộc phỏng vấn cần phải thực hiện. Diễn viên không thể đem những cảm xúc của cá nhân lên phim trường. Khi làm việc, diễn viên không thể chỉ quan tâm đến bản thân”.

Nói về điện ảnh Trung Quốc hiện tại, nữ diễn viên 49 tuổi cho rằng, điện ảnh của Trung Quốc giống như đồ ăn nhanh, chỉ đáp ứng nhu cầu giải trí mà thiếu những tác phẩm chất lượng: “Nhiều bộ phim bản địa giống đồ ăn nhanh, hời hợt và không để lại ý nghĩa gì. Nhưng, những bộ phim đó dễ dàng thu về hàng chục triệu USD bởi Trung Quốc có số lượng dân đông. Họ không quan tâm đến thị trường nước ngoài và quảng bá chúng rộng rãi”.

Củng Lợi cho rằng, đó là vấn đề mà các nhà làm phim Trung Quốc đang phải đối mặt: “Tôi nghĩ, Trung Quốc phải làm ra nhiều bộ phim ấn tượng, khiến khán giả phải cảm thấy yêu điện ảnh ngay sau khi xem phim xong. Chúng ta nên có những bộ phim giải trí nhưng vẫn khuấy động tâm hồn và để lại ấn tượng cho khán giả. Những thể loại phim như thế đang rất hiếm ở Trung Quốc”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên