NSƯT Thu Trang: “Lột tả đến cùng sắc độ của lời ca”

VOV.VN -“Với ca cải lương, tôi luôn đặt yêu cầu rất cao. Tôi thường nghe lại giọng mình ca trên làn sóng của Đài, tôi muốn truyền “lửa” tới thính giả”...

Không ỷ vào giọng ca trời phú

“Tuổi thơ của Trang là những trưa không ngủ, đợi mẹ ngủ say rồi lén ra phòng ngoài, tự nghĩ vở diễn và khoác vỏ chăn, trùm áo mưa, cứ thế một mình vừa diễn vừa ca”, Trang nhớ lại khi tôi chúc mừng chị vừa trở thành Nghệ sĩ ưu tú.

Là con nhà nòi, bố mẹ, anh trai đều là nhạc công, diễn viên của Nhà hát Cải lương Việt Nam nên cải lương đã ngấm sâu và khiến Trang yêu đến không thể dứt. Mới 2 tuổi, nói còn chưa sõi, nhưng mỗi lần nghe bố mẹ và các cô chú ở Nhà hát ca là bé Trang bập bẹ hát theo. 5 tuổi, Trang đã được lên sân khấu cải lương với vai diễn đầu đời. 

Lớn thêm chút nữa, chỉ nghe các anh chị học mà Trang nhập vào đầu rất nhanh các giai điệu của nghệ thuật cải lương như: Lưu thủy trường, Vọng cổ, Tứ Đại Oán, Nam Xuân, Nam Ai, Phụng hoàng, Chiêu quân, Duyên kỳ ngộ… Và những ngày học phổ thông, Trang đã góp giọng hát mang đậm âm hưởng dân ca vào các phong trào ca hát cũng như các cuộc thi Ca khúc măng non, Tiếng hát sinh viên đường phố, Tiếng hát hay học sinh - sinh viên.

Tốt nghiệp trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh, chuyên ngành ca cải lương, giờ đây, cô bé Thu Trang ngày nào đã trở thành một nghệ sĩ ca cải lương ưu tú. Thế nhưng Thu Trang không ỷ vào giọng ca trời phú. Cô vẫn ngày ngày trau dồi, rèn luyện giọng ca vào bất cứ khi nào có thể và dành thời gian nghe những nghệ sĩ như Lệ Thủy, Thanh Kim Huệ… ca để học cách gieo câu, nhả chữ, ngừng lặng, luyến láy và xử lý tình huống của bài hát sao cho mềm mại. 

“Trang luôn tâm niệm phải thật hiểu và ngấm nội dung bài ca, sống hết mình với nhân vật thì mới có thể truyền tới người nghe tâm tư của tác giả, tâm trạng của nhân vật, lột tả đến cùng sắc độ tình cảm của lời ca bằng tất cả rung động của người nghệ sĩ. 

Đã nhiều lần Trang vừa thu âm vừa khóc. Trang sợ nhất là khi ca, mình thiếu đi sự tinh tế, khiến khán thính giả cảm thấy như mình đang khoe giọng”, Trang thổ lộ.

Truyền cảm xúc qua phòng thu

Từng là diễn viên của Nhà hát Cải lương Việt Nam suốt 13 năm, bởi thế, việc Thu Trang trở thành nghệ sĩ cải lương của Đài Tiếng nói Việt Nam giống như một mối nhân duyên. Từ năm 1999, Trang đã là cộng tác viên tích cực của làn sóng Đài TNVN trong các chương trình dân ca nhạc cổ. Bởi thế, năm 2011, Trang về Đài tựa như trở về nơi thân quen, gắn bó. 

Cô trải lòng: “Khi về Đài, ý nghĩ đầu tiên của Trang là mình phải tạo được độ sung cho thính giả nghe qua đài như khi trực tiếp biểu diễn trên sân khấu”. Vì vậy, dù một mình trong phòng thu, Trang luôn hình dung trước mặt mình là bao khán giả, để tạo và truyền cảm xúc tới thính giả qua từng lời ca. 

Những năm tháng đam mê trên sân khấu, sống cùng nhân vật, khóc - cười trên sân khấu ca cải lương đã cho Trang những kinh nghiệm quý báu để Trang ca trong phòng thu tốt hơn. Với chất giọng ca cải lương đặc biệt truyền cảm và tâm huyết dành cho cải lương, nghệ sĩ Thu Trang đã trở thành cái tên quen thuộc được thính giả yêu mến với các bài: Vì đời dâng trọn lời ca, Lời tri ân, Nhớ chị Sứ, Biển trời thương nhớ, Đàn xuân...

NSƯT Thu Trang

Bao năm ở Đài đã đong đầy những kỷ niệm trong lòng Trang. Ấy là tình đồng nghiệp ấm áp, gần gũi; là không khí vui vẻ tràn ngập trong Đoàn; là niềm tự hào khi tham gia những buổi biểu diễn của Đài trong những ngày hội của đất nước; hoặc trong Hội nghị Phát thanh châu Á (RadioAsia) bởi được mang một nét văn hóa truyền thống của dân tộc đến với khách quốc tế.

“Hạnh phúc vô cùng khi năm 2015, Trang được đi Trường Sa, được hát và trò chuyện với các cán bộ chiến sĩ, bà con trên các huyện đảo. Thương lắm những đảo chìm, những nhà giàn! Giữa mênh mông biển cả, cuộc sống vẫn còn đó sự mong manh, thiếu thốn”, Thu Trang nghẹn lời.

Giữa bộn bề cuộc sống với bao nỗi lo toan, nhưng dường như với nghệ sĩ Thu Trang, nghệ thuật cải lương luôn thường trực trong tâm can. Những mong ước của cô cho một năm mới đều hướng về cải lương: Sẽ gắng hơn nữa để đưa thêm nhiều làn điệu cải lương hay đến với thính giả của Đài TNVN, và một mong mỏi cháy lòng: “Các nghệ sĩ cải lương có nhiều cơ hội để khẳng định tài năng của mình!”./.

- Năm 2003, Giải Nhất cuộc thi Tài năng trẻ Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc.
- Năm 2009, Huy Chương Vàng, Hội diễn Sân khấu Cải lương chuyên nghiệp toàn quốc.
- Năm 2015, Danh hiệu NSƯT.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Đăng Dương: "Tết ở bên vợ con là nhất"
Đăng Dương: "Tết ở bên vợ con là nhất"

VOV.VN - Với Đăng Dương, được ở bên vợ và các con trong những ngày Tết là điều hạnh phúc mà anh luôn cố gắng giữ gìn.

Đăng Dương: "Tết ở bên vợ con là nhất"

Đăng Dương: "Tết ở bên vợ con là nhất"

VOV.VN - Với Đăng Dương, được ở bên vợ và các con trong những ngày Tết là điều hạnh phúc mà anh luôn cố gắng giữ gìn.

Trọng Tấn – Việt Hoàn tái ngộ trong Gala Mang âm nhạc đến bệnh viện
Trọng Tấn – Việt Hoàn tái ngộ trong Gala Mang âm nhạc đến bệnh viện

VOV.VN - Gala “Mang âm nhạc đến bệnh viện” đánh dấu chặng đường 5 năm sẽ diễn ra tại Bệnh viện Bạch Mai với sự góp mặt của các nghệ sĩ nổi tiếng.

Trọng Tấn – Việt Hoàn tái ngộ trong Gala Mang âm nhạc đến bệnh viện

Trọng Tấn – Việt Hoàn tái ngộ trong Gala Mang âm nhạc đến bệnh viện

VOV.VN - Gala “Mang âm nhạc đến bệnh viện” đánh dấu chặng đường 5 năm sẽ diễn ra tại Bệnh viện Bạch Mai với sự góp mặt của các nghệ sĩ nổi tiếng.