Trần Đăng Khoa: Chút giải lao thư giãn

Nhà thơ nhà văn là những người lao động rất đỗi bình thường. Làm thơ, viết văn cũng như cuốc đất, ủ phân, nhổ mạ.

Sau cuộc trao đổi với các em học sinh trong số báo trước, tôi nhận được rất nhiều hồi âm của bạn đọc, đặc biệt là các em học sinh. Nhiều em và bạn đọc  còn đề nghị mở chuyên mục “Hỏi gì đáp nấy” như của bác Nguyễn Lân Dũng, nhưng chỉ xoay quanh chuyện học hành hay chuyện sinh hoạt trong đời sống. Điều này chắc không thể thực hiện được vì VOV không phải tờ báo của chuyên ngành Giáo dục. Tuy thế, tôi cũng xin dành thêm ít phút giải lao hầu chuyện bạn đọc và các em.

**Hình như thi sĩ cứ phải nghiện rượu. Chính rượu đã tạo cho thi sĩ chất men sáng tạo. Không có rượu thì làm sao có thơ hay? Nguyễn Việt (Đà Nẵng)

Trần Đăng Khoa: Bạn nhầm mất rồi. Men sáng tạo và men rượu là hai thứ khác nhau lắm đấy. Sự sáng tạo văn chương phụ thuộc vào tài năng, chứ không phụ thuộc vào chai rượu. Nếu cứ uống rượu là có men sáng tạo thì có lẽ nhà thơ số một của Việt Nam là bác... Chí Phèo.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa
Nhà thơ nhà văn là những người lao động rất đỗi bình thường. Làm thơ, viết văn cũng như cuốc đất, ủ phân, nhổ mạ. Đừng thần bí hoá cái việc sáng tác. Cũng đừng biến mình thành kẻ bét nhè, nghiện ngập rồi đổ lỗi cho văn chương. Tất nhiên, cũng có người cứ phải có cút rượu, hay làm mồi thuốc phiện, hoặc "Chơi thuốc lào dạt dào cảm hứng", có thế mới tỉnh táo, rồi mới làm thơ được.

Tôi nghĩ đấy chỉ đơn thuần là một thói quen. Cũng như nhà thơ Phạm Doanh, Cựu Chủ tịch Hội văn học nghệ thuật Đắk Lắk, ông lại có một thói quen rất oái oăm. Hễ cứ làm thơ là ông lại phải vào.... toa lét. Chỉ có lúc ấy ông mới nghĩ được ra thơ. Ông đã có lần nói với tôi như thế, và nói với bộ mặt rất nghiêm trọng. Nghĩa là ông không cớt nhả, bông đùa.

** Anh Khoa ơi! Nhà thơ nhà văn trong nước bây giờ có thể sống được bằng nghề văn không? Các anh sống theo kiểu nào? (Huy Từ, Berin- Đức)

Trần Đăng Khoa: Câu hỏi của bạn gợi tôi nhớ lại một kỷ niệm hồi còn bao cấp. Lần ấy, chúng tôi tiếp khách quốc tế ở trụ sở Hội Nhà văn. Vị khách đó là nhà sử học nổi tiếng Pháp Frăngxoa- kore. Trong khi mấy nhà văn nói toàn những điều đại quát  chung chung viễn cảnh thì thi sĩ Xuân Quỳnh nói thẳng tuột ra là đời sống nhân dân chúng tôi vất vả lắm, khổ lắm, khổ đến nỗi những người nước ngoài, sống trong môi trường khác, thở bầu không khí khác thì không thể nào hiểu nổi.

Chị bảo: "Tháng lương của tôi không đủ mua hai bao thuốc bà đang hút". Nhà sử học Pháp tròn xoe mắt: "Thế thì sống sao được?". "Vậy mà chúng tôi vẫn sống, vẫn yêu đương, lấy chồng, đẻ con, nuôi con rồi còn làm thơ, viết văn nữa". "Vậy thì sống thế nào? Sống bằng cách nào?". "Sống bằng cách nào thì đó lại là bí mật quốc gia của chúng tôi rồi. Mà đã là bí mật quốc gia thì tôi không thể nói cho bà biết được!".

** Anh Khoa ạ. Anh có để ý chuyện cơm áo không? Tại sao bán hàng, các nhà tiêu dùng hay đề giá lẻ, chứ không phải giá chẵn. Đấy là vô tình hay tính toán? (Hồng Liên- email: lienhong@...)

Trần Đăng Khoa: Anh bạn tôi là một nhà văn rất nổi tiếng và là một người mua sắm rất đỗi chi li. Cái thú của anh là tiêu tiền lẻ. Anh thường đổi tiền chẵn ra thành tiền lẻ rồi mới tiêu. Tiêu tiền lẻ không thấy xót như tiêu tiền chẵn.

Đi chợ, anh thường vày vò mặc cả. Có lần, anh nhờ tôi chở ra quầy hàng xén mua đinh guốc. Đinh guốc rất rẻ. Chỉ cần chi 10 ngàn đồng, ta đã có cả một vốc. Biết tính anh hay lề mề, tôi bảo: "Anh đừng mặc cả nhé. Mất thời gian lắm. Nhà em đang có khách. Anh cứ mua đi. Mua bao nhiêu cũng được. Em trả tiền cho".

"Mày ngu bỏ mẹ- Anh mắng- Tao có thiếu tiền đâu. Đã sinh ra cái chợ là để mặc cả. Bây giờ thời kinh tế thị trường. Giá một nó nói hai, ba. Cứ nói đại lên thế rồi người mua rút xuống là vừa. Đứa bán không lỗ mà thằng mua cũng không thấy xót, vì mình đã bớt được bao nhiêu tiền. Đôi bên đều hỉ hả mà không ai phải bỏ tiền ra để chi cho niềm vui chung ấy. Còn nói sao mua vậy thì mình vừa mất tiền, lại vừa bị đứa bán nó khinh cho là ngu, chẳng biết quái gì cả. Đã thiệt đơn còn thiệt kép. Tớ chả dại!".

Sang đến Moscow, anh bạn tôi vẫn giữ lối ăn tiêu như thế. Anh thường tìm đến cửa hàng đồ cũ, khuân về cả một đống đồ đạc mà xem ra cũng chả đáng bao nhiêu tiền. Anh bảo: "Hàng đã qua thử thách rồi. Toàn nồi đồng cối đá cả đấy. Có tốt chúng mới tồn tại được!".

Đến trường Đại học Tổng hợp Moscow thăm một người bạn, anh rất thích cái máy quay đĩa của cậu sinh viên. Cái máy lâu đời lắm. Cậu sinh viên mua của một anh sinh viên khoá trước, rồi anh sinh viên ấy lại mua từ một anh chàng ở khoá trước nữa. Ngay các ông chủ của nó cũng không thể xác định được niên đại. Giá máy mới là 199 rup. Loại máy này bày bán khắp nơi, ngay ở dưới chân ký túc xá của chúng tôi cũng có. Muốn mua chỉ nhấc từ tầng một lên tầng 5, nhà lại sẵn thang máy nên cũng chẳng nặng nhọc gì. Anh bạn tôi không mua, vì đắt quá. Anh chỉ thích cái máy cũ của chàng sinh viên thôi. Cái máy rất bền. Đã thế lại chỉ có 80 rúp. Rẻ quá.

Nửa đêm, chúng tôi khiêng cỗ máy ra tàu điện ngầm. Trời lạnh 20 độ âm. Đường đóng băng, trơn nhãy, chúng tôi nhích từng bước, chẳng khác gì tù khổ sai. Đến tàu điện ngầm lại không sao xuống được, vì hai thùng loa to quá. Lối qua cửa soát vé lại chỉ vừa lọt một người đi. Chịu! Đành phải bắt một chiếc taxi chở cỗ máy về ký túc xá. Tiền thuê taxi mất 100 rúp. Như thế, chiếc máy cũ đã đội giá lên đến 180 rúp. Nhưng anh bạn tôi dường như không để ý đến tiền phát sinh. Anh chỉ nghĩ đến giá gốc và thấy sướng quá. "Đấy cậu thấy không? Bỏ ra có 80 rúp mà được cả một "quả" máy. Nó hát kém gì máy mới nào? Mình vừa được một dàn nhạc sành điệu, vừa dôi ra 60 rúp, bằng 9 cái bàn là và 50 quả trứng. Khiếp chưa?"

Đúng là khiếp thật. Tôi xin ngả mũ trước tài tính toán của anh. Anh đúng là một người mua sắm thứ thiệt. Hình như các nhà kinh tế sản xuất hàng hoá rất giỏi nắm bắt tâm lý của người mua như thế, nên các mặt hàng thường có giá lẻ, chứ không mang giá chẵn. Nếu cần bán mặt hàng với giá một triệu đồng, thì họ sẽ đề giá chín trăm- chín mươi- chín nghìn, chín trăm- chín- chín đồng. Bỏ ra 999.999 đồng sẽ thấy rất rẻ, không xót bằng bỏ ra một triệu bạc. Một triệu đồng là sang một cấp khác rồi. 999.999 vẫn không phải 1.000.000.

** Người ta bảo: "Thơ hay là thơ dễ thuộc". Thơ Bút Tre có rất nhiều người thuộc, vậy có phải là thơ hay không? Anh có bình luận gì về ông Bút Tre và thơ Bút Tre? (Lê Kỳ, Hà Nội)

Trần Đăng Khoa: Thơ hay tất nhiên sẽ có nhiều người thuộc và lưu truyền. Nhưng thơ được nhiều người thuộc cũng chưa chắc đã hay. Tôi thuộc thơ, thường chỉ đọc một lần là thuộc ngay. Loại thơ ấy thường ở hai thái cực. Hoặc là cực hay và hoặc là  cực dở. Thơ Bút Tre không nằm ở hai dạng này. Phải xếp Bút Tre vào một chiếu riêng. Đó là một dòng thơ dân gian. Đọc là cười.

Nhưng Bút Tre lại là con người có thực. Tên thật của ông là Đặng Văn Đăng (1910-1987). Ông từng nhiều năm làm Trưởng ty Văn hoá tỉnh Phú Thọ. Đó là một cán bộ tận tuỵ, được nhân dân tin cậy yêu mến. Ông đã có công ghi lại câu nói bất hủ của Bác Hồ ở Đền Hùng: "Các Vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước". Những lúc rỗi rãi, xuống cơ sở, ông hay làm thơ. Thơ ông thường nệ theo vần. Và muốn giữ vần, để thật có vần, nhiều khi ông phải bẻ câu, bóp chữ, thậm chí là cưỡng chữ, miễn là làm sao nhét cho vừa cái khuôn vần. Chính vì thế mà con chữ hoá dị dạng, nhiều khi biến cả nghĩa, tạo thành tiếng cười vui vẻ.

Việc làm của Bút Tre vô tình đã khởi nguồn một dòng thơ dân gian hiện đại. Những bài hay nhất, buồn cười nhất lại thường của Bút Tre rởm. Đó là các thi sĩ thứ thiệt nhại theo giọng Bút Tre. Dòng thơ này càng ngày càng lớn và rất phong phú. Đến Tam Đảo, tôi được nghe dân chúng truyền nhau bài thơ mới của Bút Tre viết về khu nghỉ mát này. Nhưng truy ra thì hoá thơ thi sĩ Trần Lê Văn: Không đi không biết Tam Đao (Tam Đảo). Đi thì chẳng biết chỗ nào mà ngu (ngủ). Một giường nó nhét hai cu (hai cụ). Thôi thì cố chịu đến chu nhật về (chủ nhật)....

** Nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn bảo: Ngay từ bây giờ, Sở Văn hoá Phú Thọ có thể đề nghị Nhà nước công nhận mấy gian nhà giản dị và ngôi mộ cụ Bút Tre là Di tích Văn hoá được rồi. Bút Tre là một tác giả văn học, một hiện tượng càng lùi xa càng lớn. Còn anh thì nghĩ sao? (Hoàng Văn Hoà, Thọ Sơn - Thanh Hoá)

Trần Đăng Khoa: Nhà phê bình Nguyễn Hoàng Sơn nói vậy cũng có lý. Vì chí ít, Bút Tre cũng đã tạo ra cả một trường phái thơ, thu hút được rất nhiều đồ đệ, trong đó có cả những nhà thơ rất lớn. Tôi xin ví dụ một loạt câu thơ sau đây. Xin lưu ý, đây toàn là thơ của các nhà thơ rất nổi tiếng in trên những tờ báo sang trọng: "Công nhân họ hát họ ca. Công trường đâu phải chỉ là ca xoang. Đấy là một việc khó hơn. Trái tim anh thợ là cơn vui vầy. Là hội mở thắm hây hây. Công trường đâu phải chỉ đầy hội vui. Công trường cũng chẳng bùi như hát. Anh thợ nề là bác kiên gan...".

Và đây nữa: "Bây giờ mẹ hiểu Xô Liên. Cái liềm bên ấy giống liềm bên ta. (Khiếp! Liềm thì ở đâu mà chẳng giống nhau. Liềm nội, liềm ngoại thì cũng đều thế cả!) Bây giờ mẹ mới hiểu ra. Tây cai là giặc, tây Nga là mình...". Còn đây nữa, một nhà thơ lớn đã miêu tả một người lính chiến đấu dũng cảm: "Anh ngã xuống, lưng dựa vào vách đá. Phút hy sinh, tay vẫn nắm chặt cò...". Cò là cò súng đấy nhé. Xin bạn đọc chớ hiểu lầm kẻo rồi lại oan cho cụ Bút Tre.../.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên