Giá dầu tiếp tục giảm tuần thứ 7 liên tiếp

VOV.VN - Giới thương nhân và đầu tư cho biết, dường như không có động cơ đặc biệt đằng sau tình trạng bán tháo dầu hôm 9/1.
 
 

>>  Giá dầu Brent chạm mốc thấp nhất 6 năm
>> Nền kinh tế Ai Cập hưởng lợi từ việc giá dầu thế giới giảm?
>> Giá dầu thế giới giảm kỷ lục, ngành dầu khí Việt Nam có bị tác động?

Giá dầu phiên 9/1 tiếp tục giảm, ghi nhận tuần thứ 7 giảm liên tiếp do lo ngại dư cung toàn cầu tiếp tục trầm trọng hơn. Bộ trưởng Dầu mỏ Ấn Độ Saurabh Chandra cho biết, sụ sụt giảm của giá dầu thế giới xuống mức thấp nhât sẽ giúp làm giảm doanh thu bán hàng và cắt nhiên liệu khoảng 10% trong năm tài khóa này.

Giá dầu thô kỳ hạn đã giảm hơn 50% từ mức đỉnh hồi tháng 6/2014 trong bối cảnh sản lượng toàn cầu tăng trong khi nhu cầu yếu ớt.

Giá dầu Brent giao tháng 2/2015 trên sàn ICE Futures Europe London giảm 85 cent (-1,7%) xuống 50,11 USD/thùng, thấp nhất kể từ 28/4/2009.

Giới thương nhân và đầu tư cho biết, dường như không có động cơ đặc biệt đằng sau tình trạng bán tháo hôm thứ Sáu 9/1. Thị trường cho rằng sản lượng dầu toàn cầu cần phải giảm mạnh để ổn định giá.

Nguồn cung và dự trữ dầu thô cùng sản phẩm dầu mỏ của Mỹ trong tuần kết thúc vào 2/1 đạt kỷ lục, theo số liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA).

Giá dầu WTI ngọt nhẹ giao tháng 2/2015 trên sàn Nymex New York giảm 43 cent (-0,9%) xuống 48,36 USD/thùng. Giá giảm 8,2% cho cả tuần. Khối lượng giao dịch cao hơn 29% so với mức trung bình 100 ngày.


ảnh: Reuters
Trong khi đó, tại thị trường châu Á, trong phiên giao dịch ngày 9/1, giá dầu nới rộng đà tăng sau “cơn bão” trượt dốc liên tiếp. Tuy nhiên, giới phân tích nhận định rằng tín hiệu tích cực này sẽ không lâu dài do tình trạng cung vượt cầu trên thị trường năng lượng vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm.

Kết thúc phiên này, tại Sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu ngọt nhẹ New York giao tháng 2/2015 tăng 43 cent lên 49,22 USD/thùng; còn giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn tăng 34 cent lên 51,30 USD/thùng.

Shailaja Nair, Phó Tổng biên tập thuộc tổ chức chuyên cung cấp các thông tin về năng lượng Platts, nhận định hiện vẫn chưa có tín hiệu nào cho thấy sản lượng dầu đá phiến tại Mỹ sẽ giảm và nhu cầu sử dụng “vàng đen” toàn cầu có bước đột phá. 

Giá dầu đã giảm hơn 50% kể từ tháng 6/2014 khi mặt hàng này được giao dịch ở mức trên 100 USD/thùng. Trong khi các nhà xuất khẩu dầu được coi là “nạn nhân” lớn nhất của tình trạng này thì những nước nhập khẩu dầu, đặc biệt là tại châu Á, lại được coi là “ngư ông đắc lợi”. 

Rajiv Biswas, chuyên gia kinh tế thuộc Hãng cung cấp các dịch vụ tư vấn toàn cầu IHS phụ trách khu vực châu Á – Thái Bình Dương, cho hay “giá dầu lao dốc sẽ tạo ra sự chuyển dịch khoảng 1.500 tỷ USD từ các nước xuất khẩu dầu sang những nước nhập khẩu dầu”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên