Khúc bi ca xúc động về những ngày TP.HCM cam go chống Covid-19

VOV.VN - "Những ngọn khói về trời" của nhà thơ Bùi Phan Thảo gồm những câu thơ đầy cảm xúc; như một phác họa bằng ngôn ngữ thơ toàn cảnh đại dịch Covid-19 ở toàn cầu, ở Việt Nam và đặc biệt là ở TP.HCM trong 2 năm 2020 - 2021.

“Nhưng nỗi đau, ký ức buồn thì vẫn vẹn nguyên, không dễ phôi phai. Để nhắc nhở rằng: Không gì tốt đẹp hơn đời sống. Không gì quý giá hơn mạng sống. Hãy sống với nhau cho thật đúng nghĩa làm người”. Đây là những chia sẻ của nhà thơ Bùi Phan Thảo khi vừa cho ra mắt trường ca “Những ngọn khói về trời” (Nhà xuất bản Đà Nẵng, 2022) với 10 chương: Đêm trước ngày phong tỏa, Nhân loại bàng hoàng, Sài Gòn đau một phần thân thể, Những chiến binh thầm lặng, Thơm mãi những bàn tay, Chúng tôi chỉ tạm xa thành phố, Những ngọn khói về trời, Đối diện, Tưởng niệm, Hồi sinh.

Như một phác họa bằng ngôn ngữ thơ toàn cảnh đại dịch Covid-19 ở toàn cầu, ở Việt Nam và đặc biệt là ở TP.HCM trong 2 năm 2020 - 2021. Là những câu thơ đầy cảm xúc, như nén lại, như vỡ òa, từ niềm đau cho đến niềm vui, từ nỗi bi thương bao cuộc biệt ly cách chia không biết trước, đến những yêu thương chia sẻ, nắm tay nhau kiên cường vượt qua thảm họa, lạc quan hồi sinh cuộc sống…

Se sắt hoang buồn khi thành phố “Đêm trước ngày phong tỏa”, dù biết trước sẽ phải như thế, nhưng vẫn chống chếnh, bần thần: “Lũ chim thảng thốt hót giữa ngày lá vẫn xanh/nhưng không nõn nà/…Thành phố vắng hoe/ như giấc ngủ kéo dài của người dậy muộn…” .

Tiếng mưa xối xả nghe đến thương con phố. Chen trong mưa tiếng còi xe cứu thương như xé đêm rẽ nước lao đi hối hả đau rát như vết cắt. Và khi “Sài Gòn đau một phần thân thể”, nghe xao xác tiếc nuối, như đang tuột khỏi tay một vật quý giá, muốn níu giữ mà cứ rơi chầm chậm trong xa xót: “Có bao giờ như lúc này suốt trăm năm qua/mây lững lờ cũng không ai ra ngắm/trời trong xanh cũng không ai làm thơ…”.

Dù có hào phóng, dù có hào sảng, dù có nặng nghĩa nặng tình che chở đùm bọc, là nơi đất lành cho bao cư dân các tỉnh thành tụ về lập nghiệp, kiếm sống, sinh tồn hàng mấy trăm năm qua; thì nay Sài Gòn đã có chút hụt hơi, đã khó lòng san sẻ, cưu mang những cơ nhỡ, ngặt nghèo. Những ánh mắt nuối tiếc ngoái nhìn lại, những giọt nước mắt nhọc nhằn cứ đọng đầy níu kéo. Biết là đau mà đành phải dứt tình, biết sẽ khổ muôn vàn lần hơn nhưng nhắm mắt chấp nhận.

Lời chào “Chúng tôi chỉ tạm xa thành phố”, nghe đắng đót, thao thiết đến thắt lòng: “Sài Gòn không khóc/những dòng kênh thở hơi sương/người nén tiếng thở dài sau cái vẫy tay tạm biệt/gác lại ước mơ trong đêm phương Nam…”.

“Không có lựa chọn hay chối từ/không còn thời gian để lo âu có thể mình nhiễm bệnh/khi vào cuộc đua giành mạng sống con người…” - trích "Những chiến binh thầm lặng". Những dòng thơ của sự cảm phục, biết ơn, những dòng thơ của sự tri ân, hàm ơn không thể đong đo đếm đầy cảm xúc, bởi bao sự hy sinh thầm lặng, quên mình của đội ngũ y bác sĩ, điều dưỡng, tình nguyện viên trong các bệnh viện dã chiến, và cả những “Mạnh Thường quân” đường phố - khu dân cư lao động …

Và nối tiếp là những câu thơ đầy ắp nghĩa tình “Thơm mãi những bàn tay” của đồng bào cả nước hướng về Sài Gòn - TP.HCM: "Có bàn tay tảo tần thơm mùi đất/rau củ vườn nhà góp chuyển vào Nam/hạt gạo miền Trung nắng đội mưa chan".

Có thể là một sự sắp đặt hữu ý, mà nhà thơ Bùi Phan Thảo đã gửi gắm cảm xúc của mình trong trường ca “Những ngọn khói về trời” vào chính tháng 7 âm lịch này, tháng của rất nhiều những khói nhang “giáp năm” những cuộc ly biệt vì đại dịch Covid-19 ở nhiều ngôi nhà, trong nhiều con hẻm phố, cả ở những miền quê khắp đất nước. Và đây cũng là tên của một chương trong trường ca, những dòng thơ, câu thơ có vị mặn của nước mắt, có nỗi đau của chia ly, có những “hoàng hôn đưa ngọn khói về trời”.

Một khúc “Tưởng niệm”: “Hãy lặng yên/lặng yên/thắp lên ngọn nến/đặt tay lên ngực mình…/tưởng nhớ những người bỏ mình vì đại dịch/ngọn khói như dấu hỏi quẩn quanh/rồi cũng tan vào hư vô thăm thẳm…”. Để cho những “Hồi sinh”, nghĩ về tương lai, hồi phục lại cuộc sống “bình thường”, để cùng đồng thời hướng tới những lan tỏa tích cực ở phía trước: “Vượt lằn ranh tử sinh/người về trong hạnh phúc/ cúi mình hôn hoa nở trước hiên nhà”…

Tác giả Bùi Phan Thảo viết tập trường ca này như từ chính trái tim đầy nhạy cảm luôn ngân rung với từng "satna" cuộc sống và bằng con mắt quan sát tinh tế của một nhà báo trực diện hiện thực, nên “Những ngọn khói về trời” như một khúc bi ca gợi lại ký ức còn “nóng” chuỗi ngày đã qua với bao nhiêu thương khó, bi thống, nhói buốt, ám ảnh đến tận cùng của cảm xúc.

Tôi thích nhất câu kết của trường ca:

“Lá gọi ngày tàn đông khẽ rụng

Đất gọi trời đem về xuân xanh

Đóa tình thơm nở giữa lòng lành”

(Hồi sinh)

Câu thơ đầy lạc quan tươi mới, đầy niềm tin về tình yêu thương, đầy hy vọng vào tương lai, trở lại rực rỡ hoa lệ, phồn thịnh như vốn có, là “mùa bình thường, mùa vui này đã về” Sài Gòn - TP.HCM, về lại khắp quê hương Việt Nam./.

Nhà thơ Bùi Phan Thảo:

- Hội viên Hội nhà văn Việt Nam

- Hội viên Hội Nhà văn TP.HCM

- Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam

Tác phẩm:

- Lao xao hồn phố (thơ)

- Không chờ những giấc mơ (thơ)

- Búp bê áo rách (tập truyện ngằn)

- Này vui tặng hết (thơ)

- Hoàng hôn Angkor Wat (bút ký)

- Giọt máu ly hương (tiểu thuyết)

- Đủ ấm lòng nhau một nẻo đường (phê bình văn chương)

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Giấc mơ kỳ lạ "Gió qua đồi Phương Bối"
Giấc mơ kỳ lạ "Gió qua đồi Phương Bối"

VOV.VN - Sau 7 cuốn sách đã xuất bản gồm ba tập thơ: "Mùa sau", "Dòng đời", "Kẹo gừng mùa đông"; ba tập tản văn, truyện ngắn, truyện vừa: "Qua những miền đất lạ", "Sài Gòn 7000 đêm và thương rồi nhớ",...nhà văn Nguyễn Hoàng Trung Hiếu ra mắt tiểu thuyết “Gió qua đồi Phương Bối".

Giấc mơ kỳ lạ "Gió qua đồi Phương Bối"

Giấc mơ kỳ lạ "Gió qua đồi Phương Bối"

VOV.VN - Sau 7 cuốn sách đã xuất bản gồm ba tập thơ: "Mùa sau", "Dòng đời", "Kẹo gừng mùa đông"; ba tập tản văn, truyện ngắn, truyện vừa: "Qua những miền đất lạ", "Sài Gòn 7000 đêm và thương rồi nhớ",...nhà văn Nguyễn Hoàng Trung Hiếu ra mắt tiểu thuyết “Gió qua đồi Phương Bối".

Có một Lê Hoài Việt "Ở bên này thương nhớ"
Có một Lê Hoài Việt "Ở bên này thương nhớ"

VOV.VN - Với 48 cung bậc cảm xúc, là những nỗi buồn dại khờ ngây ngô, những niềm vui tưởng như viên mãn đầy ắp, là những si mê đam mê bất chấp, và cũng có cả những khi tỉnh thức lý trí…, của một chàng trai 8X “đời cuối” Lê Hoài Việt.

Có một Lê Hoài Việt "Ở bên này thương nhớ"

Có một Lê Hoài Việt "Ở bên này thương nhớ"

VOV.VN - Với 48 cung bậc cảm xúc, là những nỗi buồn dại khờ ngây ngô, những niềm vui tưởng như viên mãn đầy ắp, là những si mê đam mê bất chấp, và cũng có cả những khi tỉnh thức lý trí…, của một chàng trai 8X “đời cuối” Lê Hoài Việt.

Nhạc sĩ Phú Quang đã chọn mùa đông Hà Nội để về miền xa thẳm
Nhạc sĩ Phú Quang đã chọn mùa đông Hà Nội để về miền xa thẳm

VOV.VN - Nhạc sĩ Phú Quang đã chọn một sáng ngày mùa đông Hà Nội lạnh se sắt để giã biệt hồng trần mà ông nương náu cống hiến tình yêu 72 năm nay...

Nhạc sĩ Phú Quang đã chọn mùa đông Hà Nội để về miền xa thẳm

Nhạc sĩ Phú Quang đã chọn mùa đông Hà Nội để về miền xa thẳm

VOV.VN - Nhạc sĩ Phú Quang đã chọn một sáng ngày mùa đông Hà Nội lạnh se sắt để giã biệt hồng trần mà ông nương náu cống hiến tình yêu 72 năm nay...