Phản ứng của các bên về việc áp giá trần đối với dầu Nga
VOV.VN - Nga tuyên bố không chấp nhận bị áp giá trần dầu, đồng thời cảnh báo sẽ đáp trả. Trong khi đó, Ukraine cho rằng mức giá này vẫn “khá dễ chịu” với Nga.
Quyết định của EU về mức giá trần với dầu Nga sẽ có hiệu lực từ ngày 5/12. G7 và Australia tuyên bố cũng sẽ áp dụng từ ngày mai hoặc “không lâu sau đó”. Mức giá trần 60 USD/thùng dầu Nga đang thấp hơn mức giá dầu mà Nga giao dịch là 67,44 USD.
Chủ tịch Ủy ban EU Ursula von der Leyen cho biết, quyết định của EU và G7 sẽ ảnh hưởng nặng nề đến doanh thu của Nga; song sẽ ổn định được giá năng lượng toàn cầu và mang lại lợi ích cho các quốc gia trên thế giới – vốn đang phải đối mặt với mức giá dầu cao.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho rằng động thái của G7, EU và Australia là chưa đủ. Theo ông, mức giá 60 USD/thùng dầu Nga vẫn là “khá dễ chịu” cho ngân sách của Nga và sẽ giúp ngân sách Nga tăng thêm 100 tỷ USD mỗi năm.
“Giờ đây, các cuộc thảo luận trên thế giới về mức giá trần với dầu Nga, thật không may đã kết thúc mà không có một quyết định nghiêm túc nào. Bạn sẽ không thể gọi đây là một quyết định nghiêm túc khi đạt ra một giới hạn giá dầu mà vẫn khiến ngân sách của Nga ‘thoải mái’, ông Zelensky nói.
Còn Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine Andriy Yermak cho biết, mức trần với dầu Nga nên là 30 USD, để có thể phá hủy nền kinh tế của “quốc gia kẻ thù”.
Trong khi đó, Đại sứ quán Nga tại Mỹ tuyên bố, bước đi mới của các nước phương Tây sẽ dẫn đến tình trạng mất ổn định ngày càng tăng, đồng thời tăng chi phí cho người dùng. Từ giờ trở đi, sẽ không quốc gia nào miễn nhiễm với việc áp dụng đủ loại hạn chế đối với hàng xuất khẩu vì lý do chính trị. Nga vẫn tin tưởng rằng nhu cầu mua dầu Nga trên thế giới vẫn còn rất lớn.
Còn người phát ngôn Văn phòng Tổng thống Nga Dmitry Peskov tuyên bố, Nga sẽ không chấp nhận việc áp giá trần của G7, EU và Australia. Moscow đang phân tích tình hình và sẽ đưa ra biện pháp đáp trả.
Đại diện của Nga tại Liên Hợp Quốc Mikhail Ulyanov nhắc lại lời của Tổng thống Putin, rằng nước này sẽ không bán dầu cho quốc gia nào áp giá trần. Ông này cảnh báo năm tới, châu Âu sẽ sống mà không có dầu của Nga.
Giới phân tích cho rằng, quyết định của G7, EU không ảnh hưởng trực tiếp tới các nước không liên quan; tuy nhiên các nước này sẽ chịu tác động gián tiếp về giá dầu, khi ngành vận chuyển dầu thô bằng đường biển có thể phức tạp hơn với những quy định mới của phương Tây.
Đây cũng là cảnh báo của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova: “Chúng tôi đã nhiều lần nói rằng việc áp giá trần đối với dầu của Nga không chỉ là một cơ chế phi thị trường, mà là một biện pháp chống lại thị trường. Nó làm gián đoạn chuỗi cung ứng và có thể làm phức tạp đáng kể tình hình trên thị trường năng lượng toàn cầu. Nga sẽ không cung cấp dầu cho những quốc gia ủng hộ sáng kiến khiêu khích chống Nga này. Nó thực sự chống Nga, nhưng mọi người sẽ cảm thấy hậu quả tàn phá của nó”./.