Giải cứu thị trường bất động sản như thế nào?

Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế hiện nay, giải cứu ai và giải cứu như thế nào đang là chuyện phải cân đo đong đếm.

Tuần này, xã hội thêm một lần nữa được nghe đề nghị giải cứu của giới kinh doanh bất động sản. Đề nghị ấy được hậu thuẫn của cả bộ chủ quản. Trước những kêu cứu ấy, dư luận có nhiều ý kiến khác nhau.

Có thể nói, chưa bao giờ thị trường bất động sản nước nhà lại rơi vào tình trạng trầm lắng kéo dài như hiện nay. Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM cho biết, năm 2011, có đến 90% doanh nghiệp bất động sản bị thua lỗ, doanh nghiệp không bán được hàng, trong khi phải trả lãi ngân hàng ở mức rất cao, doanh nghiệp bất động sản lại không thuộc nhóm đối tượng được hưởng ưu đãi vay vốn ngân hàng. Sang năm 2012, tình hình cũng không có gì sáng sủa.

Trong buổi đối thoại trực tuyến với nhân dân tại Cổng thông tin điện tử của Chính phủ mới đây, người đứng đầu ngành xây dựng cho biết, một trong những nguyên nhân của tình trạng đình trệ là do nguồn vốn tín dụng thiếu. Nếu nguồn vốn dồi dào, lãi suất thấp sẽ ảnh hưởng tốt đến thị trường.

Trong một động thái có liên quan, tại hội thảo “Vực dậy thị trường bất động sản” diễn ra mới đây, một lãnh đạo ngành xây dựng, và cũng là người đứng đầu Hiệp hội bất động sản Việt Nam, động viên các doanh nghiệp là đã có tín hiệu tích cực cho thị trường. Kế hoạch của Chính phủ nhằm tăng cường giải ngân nốt 120.000 tỷ đồng vốn đầu tư công, được kỳ vọng sẽ có tác động lan tỏa và góp phần gỡ thế bế tắc cho thị trường bất động sản.

Nhiều khu cao ốc mọc lên và... bỏ hoang (Ảnh: KT)

Ông cũng dự báo thêm, nền kinh tế còn có dòng tiền trong dân đang đầu tư vào vàng, USD, gửi tiết kiệm. Tiền của người dân sớm muộn cũng sẽ chảy vào bất động sản, khi lãi suất hạ nhiệt và các kênh đầu tư còn lại bắt đầu mất dần tính hấp dẫn. Ngân hàng thừa vốn sẽ cho vay trở lại, tạo bước đệm hỗ trợ thị trường bất động sản.

Tuy nhiên cũng trong buổi đối thoại tại Cổng thông tin điện tử của Chính phủ, người đứng đầu ngành xây dựng cũng thừa nhận, trong những nguyên nhân đến sự đình trệ của thị trường bất động sản có nguyên nhân là hàng hóa không phù hợp với khả năng chi trả của thị trường, cầu của thị trường bất động sản thấp dẫn đến dư thừa rất khó tiêu thụ sản phẩm. Và nhiều chuyên gia cho rằng đây là nguyên nhân rất cốt lõi.

Gần 10 năm qua, thị trường bất động sản phát triển quá nóng, hút quá nhiều nguồn lực của xã hội. Trong thị trường ấy, phân khúc nhà ở cao cấp phát triển nóng nhất, không phải phục vụ cho nhu cầu thực, mà chủ yếu đáp ứng giới đầu cơ. Đành rằng trong kinh tế thị trường, đầu cơ là không thể tránh khỏi và cũng có vai trò nhất định, nhưng cuối cùng thì sản phẩm vẫn phải hướng đến nhu cầu thực.

Chính sự đầu tư quá nhiều vào phân khúc nhà ở cao cấp đã làm thị trường bất động sản phát triển méo mó. Những căn hộ cao cấp trống vắng người ở, những khu biệt thự “ma” xuất hiện khắp nơi, trong khi đa số cư dân đô thị vẫn chen chúc trong những căn hộ chật hẹp vì không thể đủ tiền để sở hữu một chỗ ở đàng hoàng. Tình trạng hàng hóa không phù hợp với khả năng chi trả của thị trường đã kéo dài gần chục năm và người dân đã kêu cứu triền miên, nhưng không thấy một động thái giải cứu hữu hiệu nào.

Các chủ đầu tư không mặn mà với những căn hộ phân khúc trung bình và càng không mặn mà với nhà ở xã hội, bởi tỷ suất lợi nhuận không hấp dẫn như phân khúc nhà ở cao cấp. Sự phát triển lệch lạc ấy tất yếu dẫn đến cung vượt cầu. Và theo quy luật thị trường, khi cung vượt cầu, hàng hóa phải hạ giá, thậm chí phải đại hạ giá để cắt lỗ.

Tuy nhiên, trong các giải pháp giải cứu thị trường bất động sản mà các doanh nghiệp đề xuất, giải pháp hạ giá rất mờ nhạt. Gần đây có một số chủ đầu tư đề nghị giải pháp xây dựng các căn hộ phù hợp với túi tiền của người có nhu cầu thực. Thực chất đó lại chỉ là giải pháp chia nhỏ căn hộ lớn để bán, mà vẫn giữ nguyên được lợi nhuận trên mỗi mét vuông xây dựng.

Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế hiện nay, giải cứu ai và giải cứu như thế nào đang là chuyện phải cân đo đong đếm. Đành rằng thị trường bất động sản trì trệ đang kéo theo hàng loạt các doanh nghiệp ngành vật liệu xây dựng đình đốn theo.

Nhưng giải cứu thị trường bất động sản lúc này phải dựa trên phân tích nguyên nhân cốt lõi; giải cứu phải là giải phẫu một thực thể ốm yếu, méo mó để nó lành bệnh và phát triển bền vững./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên