Khi Vietjet vượt Vietnam Airlines!
VOV.VN -Vì sao đồng vốn của Nhà nước giao cho doanh nghiệp hơn 60 năm mà không hiệu quả bằng DN tư nhân làm trong 6 năm?
Với giá trị vốn hóa thị trường lên tới 41.220 tỷ đồng, tương đương gần 1,82 tỷ đôla, Vietjet Air đã chính thức vượt mặt Vietnam Airlines về quy mô vốn hóa trên sàn chứng khoán.
Tính tới hết năm 2016, Vietjet Air vẫn xếp sau Vietnam Airlines về thị phần bay trong nước với 41% thị phần ít hơn con số 42% của Vietnam Airlines. Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, trên sàn chứng khoán, thị giá cổ phiếu của Vietjet Air đang cao gấp 4,2 lần Vietnam Airlines, và vốn hóa thị trường đã vượt 1.448 tỷ đồng.
Thông tin này là một tin vui với khối doanh nghiệp tư nhân, nhưng đồng thời cũng là cú “sốc” với doanh nghiệp nhà nước.
Vietnam Airlines – Hãng hàng không quốc gia, sử dụng vốn Nhà nước, có mặt trên thị trường hơn 60 năm (từ năm 1956), vì sao lại thua một “cậu bé 6 tuổi” Vietjet? Câu hỏi này dành cho những người đang lãnh đạo Công ty nhưng đây cũng đang là thực trạng chung của các doanh nghiệp Nhà nước.
Doanh nghiệp Nhà nước đang nắm giữ những ưu thế mà các DN tư nhân phải thèm khát về thị trường, nguồn vốn, chính sách ưu đãi, sở hữu thương hiệu mạnh… Vậy tại sao lại không hiệu quả, tốc độ tăng trưởng không như kỳ vọng? Đảng, Nhà nước đã nhìn thấy những trì trệ của DNNN nên tiến hành công cuộc cổ phần hóa, “thay máu” các DNNN. Nhưng tiến trình này diễn ra chậm chạp và cách làm chưa hiệu quả, đặc biệt là thất thoát vốn vì lợi ích nhóm quá lớn.
Thế mới có chuyện, dù thua lỗ nhưng các lãnh đạo, nhân viên của các DN này vẫn hưởng lương khủng, cuộc sống vương giả. Có phải, vốn của Nhà nước đang để phục vụ một nhóm người mà không hề sinh lời nhưng thâm thủng thì vô cùng lớn.
Trở lại với trường hợp của VNA – một “ông lớn” trong số các DNNN, việc bị soán ngôi đầu chỉ còn là thời gian. Bởi hầu hết các chỉ tiêu, Vietjet đã gần chạm VNA. Lý do nào khiến VNA bị đàn em vượt mặt?: Bộ máy quản trị cồng kềnh, kém hiệu quả trong khi chi phí quá lớn để vận hành. Vậy VNA còn chần chờ gì nữa mà không xúc tiến việc cải tổ mạnh mẽ?
“Cái gì tư nhân làm được thì để tư nhân làm” chủ trương này là đúng đắn nhưng khi thực hiện lại có vô số lực cản. Bởi trong đó, nếu để tư nhân “xắn tay” vào thì quyền lợi của anh A, chị B sẽ bị kéo giảm, con cháu anh Y, chị Z có thể không có việc làm. Đó là những lực cản vô cùng lớn không phải dễ bước qua.
Thị trường là thước đo chuẩn xác các giá trị của doanh nghiệp. Bất cứ doanh nghiệp nào có giỏi khuếch trương đến đâu mà không được thị trường đón nhận thì cũng là “bỏ đi”./.