Luật cần gắn với cuộc sống

VOV.VN -Trong nhiều năm qua, việc giám sát ban hành văn bản quy phạm pháp luật chưa có nhiều hiệu quả, chưa gắn với cuộc sống.

Ngày 20/5, kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XIII chính thức khai mạc. Đây là kỳ họp đầu tiên của Quốc hội sau khi Hiến pháp năm 2013 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2014. Chính bởi vậy, việc xây dựng mới, sửa đổi, bổ sung nhiều luật cho phù hợp với Hiến pháp là một trong những nội dung quan trọng tại kỳ họp lần này. Và mong muốn sẽ có những đạo luật chứa đựng các quy phạm ngắn gọn dễ hiểu, dễ vận dụng, có hiệu lực lâu dài là điều người dân kỳ vọng. Đặc biệt là các doanh nghiệp, các nhà đầu tư đang hy vọng có sự thay đổi tích cực về hành lang pháp lý.

Quyền lập pháp thuộc về Quốc hội. Đó là điều đã được hiến định. Nhưng có một thực tế lâu nay, vẫn còn có khoảng cách giữa việc ban hành luật với việc thực thi pháp luật. Ngoài trách nhiệm của các cơ quan hướng dẫn luật, thực thi pháp luật còn là trách nhiệm của cơ quan ban hành luật.

Năm 2013, Hiến pháp năm 1992 sửa đổi được thông qua, cùng với đó là 17 luật, và các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hơn 200 Nghị định của Chính phủ, hơn 700 Thông tư… Chưa tính đầy đủ, chỉ riêng năm 2013 văn bản quy phạm pháp luật được ban hành đã vượt con số hơn 1.000. Nhưng trong nhiều lĩnh vực, vẫn thiếu các đạo luật, các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh nó; hoặc có nhưng vì quá nhiều văn bản, quá nhiều quy định dẫn tới sự chồng chéo, làm cho người dân, và cả các cơ quan chức năng cũng khó thực hiện.

Có thực trạng đó là bởi lâu nay, dường như các đạo luật không được coi trọng, không được xem đúng với vai trò, vị trí của nó. Sau một quá trình xây dựng, xem xét, thảo luận, sửa đổi bổ sung… một văn bản luật mới được thông qua. Nhưng kể cả khi nó đã có hiệu lực thì việc thi hành vẫn còn nhiều gian nan. Bởi còn phải chờ Nghị định, Thông tư hướng dẫn của Chính phủ, của các Bộ, ngành. Vì thế, nhiều khi các đối tượng điều chỉnh của một đạo luật chỉ nhớ được đến văn bản hướng dẫn thi hành. Cũng vì thế, tình trạng tùy tiện, làm biến tướng các quy định của luật từ đó mà phát sinh. Và nó là một trong những nguyên nhân khiến người dân phiền lòng về những biểu hiện lợi dụng các quy định, chính sách thực hiện hành vi nhũng nhiễu, tham nhũng của một số cơ quan quản lý Nhà nước, một bộ phận cán bộ. Nhất là trong lĩnh vực hoạt động đầu tư, sản xuất-kinh doanh, trong lĩnh vực hành chính nhà nước.

Việc ủy quyền ban hành hướng dẫn văn bản luật là cần thiết trong khi chúng ta chưa có cơ chế, chưa xây dựng được các văn bản luật cụ thể, chi tiết và có hiệu lực thi hành ngay. Nhưng có ủy quyền thì phải có giám sát và chức năng, nhiệm vụ giám sát phải được thực hiện một cách đầy đủ. Tiếc rằng, trong nhiều năm qua, việc giám sát ban hành văn bản quy phạm pháp luật chưa có nhiều hiệu quả, chưa đưa ra được những yêu cầu cần thiết để khắc phục những khiếm khuyết trong công tác này dù rằng nhiều nguyên nhân đã được chỉ ra.

Tại kỳ họp lần này, nhiều dự luật quan trọng, như Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi), Luật Phá sản (sửa đổi)… sẽ được đưa ra thảo luận. Mặc dù còn nhiều nội dung quan trọng khác, nhưng có thể thấy, hiếm có kỳ họp nào của Quốc hội lại tập trung nhiều văn bản luật liên quan đến lĩnh vực hoạt động đầu tư, sản xuất-kinh doanh như lần này. Đây là một tín hiệu tích cực đối với các hoạt động đầu tư, các doanh nghiệp và được coi là bước chuyển quan trọng trong việc cải cách và hoàn thiện cơ chế kinh tế thị trường; khắc phục những khiếm khuyết của các quy phạm chưa hoàn chỉnh trước đây. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, diễn biến ở Biển Đông có nhiều phức tạp và ảnh hưởng không nhỏ tới việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội những tháng cuối năm.

Vậy nên, điều người dân mong muốn rằng, với trọng trách của mình, các đại biểu Quốc hội sẽ đưa ra được những quan điểm đúng đắn khi xem xét, thảo luận một cách thấu đáo trước khi quyết định thông qua một văn bản quy phạm pháp luật. Như vậy mới có được các quy phạm rõ ràng, cụ thể; gắn với cuộc sống, có hiệu lực lâu dài để mọi người, mọi tầng lớp ai cũng có thể tiếp cận hiểu biết, để thực hiện sống và làm việc theo pháp luật./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên