Năm mới và yêu cầu tái tạo nguồn năng lượng Việt

(VOV) -Tái cơ cấu niềm tin cũng là tái tạo nguồn năng lượng mới – năng lượng Việt.

Những đợt không khí lạnh phía bắc tràn xuống cứ dồn về cuối năm. Nhưng những ngày cuối tháng 12/2012 không gian Việt vẫn ấm nóng. Nóng từ Thủy điện Sơn La, công trình lớn nhất Đông Nam Á hiện nay đã hoàn thành.

Anh kỹ sư trẻ, một trong những người chỉ huy trên công trường thế kỷ này ghi vào nhật ký: “12h ngày 12/12/2012, ngày có bốn con số đẹp trong năm, mình vẫn lăn lộn trên công trường trong đợt chạy nước rút, hoàn tất công trình kịp khánh thành”.

Trưa ngày 23/12/2012, người đứng đầu Chính phủ cùng những người thợ trẻ cắt băng khánh thành một công trình Việt vĩ đại trên đất Việt. Một công trình được sáng tạo với nhiều cái nhất. Nhà máy thủy điện lớn nhất lừ trước đến nay với tổng công suất 2.400 MW, về đích sớm nhất, trước kế hoạch 3 năm, tiết kiệm cho dân cho nước 40.000 tỷ đồng.

Một công trình có số dân di dời nơi chôn nhau cắt rốn, nhường đất cho việc công nhiều nhất. 20 vạn dân của 3 tỉnh Tây Bắc là Sơn La, Điện Biên, Lai Châu đã định cư nơi ở mới.

Có một cái nhất gồm nhiều cái nhất gộp lại là công trình có hàm lượng nội cao nhất, từ điều tra, khảo sát, tư vấn thiết kế đến thi công, chế tạo máy móc, thiết bị, hoàn thiện đều do người Việt Nam đảm nhiệm. Chỉ có 10% giá trị công trình là phải nhập ngoại. Không thể nói khác hơn: đây là công trình Việt vĩ đại của người Việt. Công trình kết tinh của chủ động, kiên định, sáng tạo đầy trí tuệ từ lãnh đạo cao nhất đến mõi tiến sỹ, kỹ sư, công nhân toàn đại công trường.

Hơn nữa, tính công khai và minh bạch thể hiện rõ nét nhất. Chính nó là động lực cho cuộc di dân lớn nhất từ trước đến nay, nhờ nó mà tiêu cực ít phát sinh, có thể nói là cực ít so với một công trình tiêu tốn hơn 60.000 tỷ tiền quốc gia.

Một công trình như thế mở đầu cho thế kỷ XXI, bước vào thiên niên kỷ mới không chỉ cho ta niềm tự hào lớn lao mà còn khẳng định năng lượng Việt, tinh thần Việt, bản sắc Việt.

Một công trình năng lượng như thế khánh thành vào những ngày cao điểm nhớ lại 40 năm, “Hà Nội chiến thắng Điện Biên Phủ trên không” tạo ra không gian nóng giữa mùa động lạnh giá.

Mạch nguồn của sức nóng ấy chính là năng lượng Việt.

Không gian Việt, bầu trời Hà Nội “12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không” cách đây 4 thập kỷ bỏng rát, uất nghẹn, đau thương và rực lửa anh hùng. Bốn mươi năm đã đủ độ lùi thời gian, đủ độ chín tình cảm và trí tuệ để nhìn lại lịch sử. Người ta không tô hồng, hay hiện đại hóa lịch sử như có người, có lần từng làm. Chúng ta đã biết từ lâu Mỹ sẽ dùng B52 đánh Hà Nội, Hải Phòng và nhiều thành phố khác nên đã chủ động đánh trả. Chỉ nói vậy là chưa đầy đủ.

Chúng ta đã chịu nhiều lần thất bại, nhất là trận 16/4/1972, B52 đánh phủ đầu Hải Phòng mà tên lửa ta không bắn hạ được B52 của Hoa Kỳ. Địch hý hửng, chủ quan, coi B52 vào Hà Nội ném bom rồi bình yên ra về như một cuộc dạo chơi miền nhiệt đới xa xôi.Ta ngậm đắng nuốt cay để tìm lối ra, ta “vạch nhiễu” để thấy lờ mờ ba chấm sáng đục trên màn ra đa, hiện hình tốp B52 để dẫn đường cho tên lửa SAM II vít cổ chúng xuống đất đen. Phi công trẻ tuổi của chúng ta đã lao thẳng máy bay vào máy bay địch. B52 Mỹ tan tành… và chiến sỹ ta oanh liệt hy sinh. Phải đánh đổi đau thương, hy sinh mất mát để có chiến thắng lẫy lừng: 34 pháo đài bay Hoa kỳ rụng đỏ mặt đất Việt trong 12 ngày đêm cuối đông năm 1972 lịch sử.

Các nhà sử học nói rất đúng rằng: lịch sử phát triển theo “vec- tơ” mà quá trình là dích dắc hình sin. Có thắng, có bại, có đau thương, mất mát, có anh hùng, thậm chí nhiều lần anh hùng, nhưng cũng có những kẻ hèn nhát, tìm mọi cách chui lủi, không dám ra trận. Đấy là sự thật lịch sử. 12 ngày kỷ niệm, nhớ lại 12 ngày đêm 40 năm về trước, trên đài Phát thanh, Truyền hinh quốc gia và Hà Nội, trên báo in cũng như báo mạng điện tử ngồn ngộn thông tin, thấm đẫm cảm xúc, lồ lộ sự thật.

Lần đầu tiên, công khai trên truyền hình, vị đại tá tình báo chân chất kể lại những sự thật, rất thật. Thật và chân chất như người nông dân miền sông Hồng. Không chỉ một lần, mà nhiều lần, những phi công Mỹ từng lái máy bay B52 ném bom Hà Nội, trút cái chết xuống dân lành nay mới có dịp tỉnh ngộ. Vì đâu họ thức tỉnh? Vì ta đã biết khép lại quá khứ, chứ không bao giờ quên quá khứ, để hướng tới tương lai. Vì truyền thống Việt là hòa hiếu. Vì văn hóa Việt đã chiến thắng, đã lan tỏa để thức tỉnh.

Và chính tôi cũng lần nữa được thức tỉnh khi biết người nông dân Mường Sơn La đi thuyền trên mặt hồ Sơn La đã được tích nước vào một buổi chiều đông, chim đang tìm về tổ. Ông chỉ xuống làn nước xanh sâu cả chục mét, giọng tiếc nuối: “dưới ấy là Mương tôi, là nhà tôi, là nơi chôn nhau cắt rốn của tôi, là nơi thờ phụng ông cha tôi…”. Nhưng ông đã cùng gia đình, cả bản, cả mường dứt áo ra đi, nhường đất cho lòng hồ Sơn La. Hai mươi vạn người đã dứt áo ra đi như thế. Đau đáu… khôn nguôi… Nhưng đó là sự thật.

Người hy sinh nơi chiến trận, người biết hiến cái riêng của bản thân gia đình cho cái lợi chung có khác gì nhau? Mọi so sánh đều khập khiểng. Càng cách xa hơn khi đặt sự hy sinh của anh lính trẻ trên bầu trời Hà Nội năm ấy với dự dứt áo ra đi của bác nông dân Tây Bắc trong thời bình. Nhưng họ lại gần nhau, gặp nhau trong tinh thần Việt, tấm lòng Việt.

Giá như… Lịch sử không có chữ nếu, nhưng hiện thực sống động, tâm tưởng đa chiều được phép giả định thì cứ cất tiếng nói. Giá như biết sớm và kiềm chế hiệu quả “lợi ích nhóm”, diệt trừ được tham nhũng, lãng phí, lắng nghe dân, biết nghe dân thì năng lượng Việt không bị mai một mà ngày càng được đắp đầy. Bởi năng lượng Việt có nguồn gốc sâu xa, căn bản là niềm tin. Tin mình, tin người, tin bạn.

Mới đây, trên diễn đàn Quốc hội, ông Bộ trưởng Tư pháp đã thẳng thắn nhận khuyết điểm là việc đưa tên cha mẹ vào chứng minh thư nhân dân mới là sai. Biết sai từ đầu, sao dân nói, dư luận lên tiếng, chuyên gia lên tiếng mà việc thí điểm làm chứng minh thư mới vẫn làm? Một việc không lớn, nhưng ảnh hưởng lớn đến niềm tin, làm mai một năng lượng Việt.

Năng lượng Việt như chiếc cầu lớn bắc qua năm mới – 2013. Phía trước, khó khăn, gay cấn đang đón đợi cán cân thắng – bại.

Cuối năm 2012, Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã chuẩn bị cho năm 2013 và cả những năm sau. Quốc hội đã thông qua việc sửa đổi Hiến pháp 1992, thông qua Luật đất đai sửa đổi, ra nghị quyết về bỏ phiếu tín nhiệm…

Phía trước là hai con số: tăng trưởng trên 5% và lạm phát dưới 7%. Phía trước là ba hòn đá tảng đòi hỏi sức công phá lớn bằng nguồn năng lượng lớn: nợ xấu, hàng tồn kho, nợ đọng bất động sản, doanh nghiệp đình trệ và phá sản. Phía trước là thời gian cứ đến, cứ đi không chờ đợi ai. Phía trước có ba trụ cột để gửi gắm niềm tin: ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng bền vững, hợp lý và bảo đảm an sinh xã hội.

Hơn lúc nào hết chiếc cầu Năng lượng Việt chỉ biết và phải biết thu nhiệt để tỏa sức nóng, để tái tạo nguồn năng lượng mới.

Khép lại năm 2012, người dân và chuyên gia nói nhiều đến niềm tin, cần cơ cấu lại niềm tin. Tiến sỹ Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện quản lý kinh tế trung ương cho rằng lòng tin của người dân, doanh nghiệp, của cả xã hội đang ở mức rất thấp.

Cần phải hành động  ngay.

Khởi thủy là hành động. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng: “Những lời nói suông không còn giải quyết được những chuyện gì nữa. Đó là chưa kể nói suông còn gây phản cảm và nối dài những nghi ngờ của người dân, của doanh nghiệp. Vì thế, hơn lúc nào hết, chúng ta cần có những hành động thực tế để lấy lại niềm tin trong năm mới này. Phải kiên quyết trừng trị tham nhũng, gây thất thoát tài sản nhà nước. Tái cơ cấu kinh tế là trọng tâm của năm 2013, cụ thể là tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, hệ thống ngân hàng thương mại và đầu tư công. Trong đó, trước hết là tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước để tạo niềm tin và thúc đẩy, giải tỏa các vấn đề tồn đọng khác của nền kinh tế.”

Tái cơ cấu niềm tin cũng là tái tạo nguồn năng lượng mới – năng lượng Việt./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên