Tái cấu trúc đầu tư công: Phải bắt đầu từ tầm nhìn của người lãnh đạo

Nếu không được quản lý hiệu quả, sẽ dẫn đến nợ công ngày càng nhiều, mất kiểm soát thì đó là một mối nguy hại cho quốc gia.

Một trong những vấn đề thời sự được dư luận quan tâm gần đây là việc Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị yêu cầu các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện một số nguyên tắc và giải pháp tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ. Đây là một động thái của Chính phủ nhằm chấn chỉnh việc đầu tư dàn trải lâu nay và thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng đầu tư chiều sâu để đạt hiệu quả cao nhất.

Để hoàn thành các dự án mà Quốc hội và Chính phủ đã thông qua, giai đoạn 2011-2015, chúng ta cần trên 500.000 tỷ đồng. Nhưng trên thực tế, chỉ bố trí được 225.000 tỷ đồng, chưa đạt một nửa nhu cầu. Như vậy, là gần 2/3 số công trình sẽ không có vốn thi công gồm các dự án giao thông, thủy lợi, bệnh viện, trường học... Đây là việc cực chẳng đã, nhưng đã đến lúc không thể không làm. Bởi để đảm bảo làm công trình nào, được công trình ấy, đem lại hiệu quả thiết thực cho nền kinh tế. 

Như vậy, có nghĩa là đang có gần 2/3 số dự án đầu tư từ nguồn ngân sách và trái phiếu Chính phủ đã được khởi công và bây giờ phải lâm vào cảnh đắp chiếu chờ tiền. Vì căn bệnh bao biện trong đầu tư phát triển mà lâu nay, chúng ta đã biến ngân sách thành chiếc bánh mà ngành nào, địa phương nào cũng muốn tranh thủ chia phần.

Cần kiểm soát chặt chẽ hiệu quả các dự án đầu tư công

Việc đầu tư dàn trải, kém hiệu quả là hệ lụy của lối tư duy lẫn lộn về khái niệm giữa địa giới hành chính và không gian kinh tế. Do cơ chế và lợi ích cục bộ địa phương, tỉnh nào cũng muốn trở thành một thực thể kinh tế "hoàn chỉnh" nông - công nghiệp - dịch vụ, kèm theo là trường đại học, bến cảng, sân bay, khu kinh tế... mặc dầu không hội đủ điều kiện.

Việt Nam là quốc gia có tỷ trọng đầu tư rất cao so với các nước. Đầu tư công có chiều hướng giảm tỉ trọng,  song vẫn chiếm gần 30% tổng đầu tư của xã hội. Nếu không được quản lý hiệu quả tất yếu dẫn đến nợ công ngày càng nhiều. Đến một lúc nào đó mất kiểm soát thì đó là một mối nguy hại cho quốc gia. Chuyện nợ công ở một số nước châu Âu là bài học nhỡn tiền mà những nhà quản lý kinh tế đất nước cần rút kinh nghiệm.

Khủng hoảng nợ công bắt nguồn từ chi tiêu và đầu tư công bất hợp lý. Vì vậy, Nghị quyết 11 của Chính phủ yêu cầu không khởi công các công trình, dự án mới sử dụng vốn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ, trừ các dự án phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai và các dự án trọng điểm quốc gia, nhằm góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Thế nhưng, thực tế là trong số hơn 25.200 dự án đang triển khai, có hơn 6.730 dự án mới khởi công trong 6 tháng đầu năm nay. Điều đáng quan tâm là trong khi số dự án kết thúc đầu tư đưa vào sử dụng không nhiều thì số dự án khởi công mới lại tăng cao hơn cùng kỳ năm trước, tình trạng dự án chậm tiến độ vẫn còn phổ biến.

Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 3, khóa XI, Ban Chấp hành Trung ương Đảng xác định: Tái cấu trúc đầu tư với trọng tâm là tái cấu trúc đầu tư công là một trong 3 lĩnh vực quan trọng cần tập trung thực hiện trong 5 năm tới nhằm chuyển nền kinh tế từ chỗ đầu tư theo chiều rộng sang đầu tư theo chiều sâu. Chỉ thị 1792 của Thủ tướng hoạch định lộ trình thực hiện chủ trương này bằng việc tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu chính phủ. Đây là nhiệm vụ cấp bách, là việc cần phải được “làm thật, làm ngay”.

Công việc này chỉ có thể thành công trên cơ sở tiếp tục đổi mới tư duy, tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm và 5 năm để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả nhất, theo thứ tự ưu tiên hợp lý nhất các nguồn lực của Nhà nước và xã hội, nội lực và ngoại lực cho đầu tư phát triển theo quy hoạch. Muốn vậy, vấn đề cơ bản là phải thay đổi tư duy từ người lãnh đạo. Một khi người đứng đầu bộ ngành, địa phương dám nhìn thẳng vào thực tế, biết tư duy vì cái chung, cái tổng thể, hy sinh cái cục bộ địa phương, gạt bỏ lối tư duy đầu tư theo kiểu chia phần để cùng chung tay thực hiện những mục tiêu lớn hơn của quốc gia thì lúc ấy, tình trạng đầu tư dàn trải mới chấm dứt, đồng tiền đầu tư từ ngân sách và trái phiếu chính phủ mới đi đúng địa chỉ, phục vụ cho mục tiêu phát triển bền vững của đất nước./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên