Vấn đề nghèo đói và việc xoá đói giảm nghèo

Đảng ta đã đưa ra những chương trình rộng lớn để tập trung giải quyết là “Chương trình về xóa đói, giảm nghèo”. Trên cơ sở đó, Nhà nước cũng đã có hàng chục chương trình cấp quốc gia và dự án đang được thực thi có nội dung gắn với xóa đói, giảm nghèo

Nghe âm thanh tại đây

Thế giới đang đứng trước thời khắc trọng đại của lịch sử là đã tiến vào thập niên đầu của thế kỷ XXI với một nền văn minh rực rỡ nhưng cũng ngổn ngang những vấn đề gay gắt mang tính toàn cầu. Nó chứa đựng trong mình cả niềm vui và sự bất hạnh, cả nụ cười và nước mắt, cả hạnh phúc và lo toan. Một trong những nỗi lo toàn cầu, nỗi đau nhân loại là sự đói nghèo trầm trọng trên một phạm vi vô cùng rộng lớn.

Như thế đủ thấy đói nghèo và giải quyết vấn đề nghèo đói mang tính phổ biến, không chỉ là công việc của riêng nước ta. Tuy nhiên, để hiểu về chương trình xóa đói giảm nghèo ở nước ta một cách đầy đủ, cần thiết phải có cách nhìn tổng quan, cần “biết người biết ta” để rút ra những bài học và tìm ra những phương pháp hữu hiệu.

1. Đói nghèo và việc giải quyết đói nghèo trên thế giới

Cho đến hôm nay, đói nghèo vẫn là nỗi ám ảnh thường trực đối với cả loài người. Thế giới đã chứng kiến những thảm họa của chiến tranh, thảm họa của thiên tai, dịch bệnh với bao nỗi kinh hoàng. Thế nhưng hậu quả do những nạn đói gây ra cũng vô cùng khủng khiếp. Điều đáng sợ hơn nữa là: Nếu như các cuộc chiến tranh dù khốc liệt vô cùng nhưng rồi trước sau cũng được giải quyết, nếu như những thảm họa do thiên tai, dịch bệnh gây ra từng bước cũng sẽ được khắc phục thì vấn đề nghèo đói của nhân loại lại là một vấn đề vừa cấp bách, vừa phức tạp lại như một căn bệnh kinh niên khó bề chạy chữa.

Đói nghèo là nỗi bất hạnh và là một phi lý lớn. Trong khi nền văn minh thế giới đã đạt được những thành tựu hiển nhiên về tiến bộ khoa học - công nghệ, làm tăng đáng kể của cải vật chất xã hội, tăng thêm vượt bậc sự giàu có cho con người, thì thảm cảnh đeo đẳng mãi trên lưng con người lại vẫn là sự nghèo đói. Hàng tỷ người, thực tế là một phần ba số dân thế giới vẫn khốn cùng và đói khát. Thiệt thòi lớn nhất là trẻ em. Hằng ngày có gần 100 triệu trẻ em không có cái ăn, trên 100 triệu trẻ em vô gia cư chỉ sống nhờ của bố thí hoặc sống dựa vào sự lao động quá sức, kể cả bằng các nghề đặc biệt là móc túi, mại dâm; trên 50 triệu trẻ em làm việc trong những ngành có hại; hàng trăm triệu trẻ em tuổi từ 6 - 11 không được cắp sách đến trường.

Đói nghèo diễn ra trên tất cả các châu lục với những mức độ khác nhau. Đặc biệt ở các nước đang phát triển, sự đói nghèo của dân cư đang là một vấn đề nhức nhối rất cấp bách phải tháo gỡ nhưng cũng vô cùng khó khăn trong việc thực hiện xóa đói giảm nghèo.

Sự nghèo đói thì ai cũng thấy và không nước nào thiếu những chương trình hoặc những chính sách để thực hiện việc xóa đói giảm nghèo. Có rất nhiều các tổ chức của Liên Hợp Quốc và của cộng đồng quốc tế thực hiện sứ mệnh vẻ vang này trên phạm vi hành tinh. Người ta đã tổ chức những chiến dịch lớn với hàng vạn tấn lương thực, hàng triệu USD để cứu giúp những người hoạn nạn ở các nước châu Phi, châu Á hoặc như ở Haiti vừa qua. Sự giúp đỡ về vật chất và tinh thần là rất đáng kể. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, dù đây là công việc mà toàn cầu quan tâm nhưng rồi các nước đói vẫn hoàn đói, sự trợ giúp của cộng đồng đối với một bộ phận dân cư khốn khó cũng chỉ như muối bỏ biển, chưa đủ độ, chưa triệt để.

Vấn đề xóa đói giảm nghèo luôn gắn bó và chịu ảnh hưởng của quan hệ giai cấp và các chế độ xã hội khác nhau. Hiện tượng bị tha hóa và tự tha hóa con người dưới chế độ tư bản chủ nghĩa luôn là một lực cản đối với công việc xóa đói giảm nghèo. Chính xã hội, mà mục tiêu duy nhất và cuối cùng là lợi nhuận, là tiền bạc đã làm phân hóa xã hội, đẩy nhiều người vào cảnh nghèo nàn khốn khó. Khoảng cách chênh lệch mức sống giữa sự xa xỉ với sự bần hàn càng bị nặng nề hơn bởi chính sự vô trách nhiệm của các nước phát triển phương Tây, của giai cấp những người giàu có. Thái độ “sống chết mặc bay” vẫn phổ biến trong hành vi cư xử ở xã hội của những kẻ say lợi nhuận. Vì vậy, quan điểm cũng như hành động của giới chức phương Tây trong việc giải quyết nghèo đói trên thế giới hiện nay chỉ giới hạn trong phạm vi hẹp, chỉ là để làm giảm cơn đau khốn khó, hoặc cùng lắm đó là việc làm mang tính nhân đạo mà thôi.

2. Quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về việc xóa đói giảm nghèo

Đảng ta coi cơ sở phương pháp luận quan trọng và cơ bản nhất để phân tích vấn đề đói nghèo và xóa đói giảm nghèo là giải phóng con người khỏi mọi áp bức, bất công, thực hiện công bằng xã hội. Chủ nghĩa xã hội là quá trình kiến tạo hạnh phúc và cũng là quá trình đấu tranh vì sự công bằng, đấu tranh để thủ tiêu nguồn gốc bất công xã hội.

Ngay từ những ngày đầu mới thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, một trong những nhiệm vụ đầu tiên mà Bác Hồ đã chỉ đạo là chống giặc đói. Vấn đề công bằng xã hội - vấn đề có quan hệ trực tiếp và quyết định đối với việc xóa đói giảm nghèo đã được Đảng ta luôn quan tâm chú ý. Những đại hội Đảng gần đây, từ Đại hội VI đến Đại hội X, Đảng ta đã có nhiều nghị quyết, nhiều văn bản đề cập tới vấn đề công bằng xã hội.

Chúng ta hiểu công bằng xã hội vừa là mục tiêu vừa là động lực để phát triển. Công bằng xã hội không bó hẹp trong lĩnh vực kinh tế mà liên quan tới tất cả các lĩnh vực kinh tế - chính trị - pháp luật - văn hóa - xã hội. Công bằng xã hội phải được giải quyết và chỉ có thể được giải quyết gắn liền với sự phát triển sản xuất, xây dựng xã hội thực sự dân chủ, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam. Công bằng xã hội đòi hỏi phải huy động mọi nguồn lực trong nhân dân, xã hội hóa nhiệm vụ đền ơn đáp nghĩa, xây dựng và thực hiện tốt kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên cơ sở vừa tăng nhanh tốc độ phát triển, vừa giảm dần sự mất cân đối giữa các vùng; giảm dần khoảng cách về thu nhập, mức sống, hưởng thụ giáo dục, văn hóa, bảo vệ sức khỏe của các tầng lớp dân cư ở các vùng khác nhau. Đặc biệt, công bằng xã hội đòi hỏi phải thực hiện tốt chương trình xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội.

Trong các văn kiện quan trọng của Đảng Cộng sản Việt Nam, vấn đề xóa đói giảm nghèo được nhiều lần đề cập tới. Để bảo đảm và hướng tới công bằng xã hội, Đảng ta khẳng định “khuyến khích làm giàu hợp pháp, chống làm giàu phi pháp đi đôi với chăm lo xóa đói, giảm nghèo, thu hẹp dần khoảng cách về trình độ phát triển, về mức sống giữa các vùng căn cứ cách mạng và kháng chiến cũ, các gia đình thuộc diện chính sách, làm cho mọi người, mọi nhà đều tiến tới cuộc sống ấm no, hạnh phúc, ai cũng có việc làm, có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành và chữa bệnh, từng bước thực hiện điều Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong ước”.

Trong quá trình thiết kế, chỉ đạo thi công việc xây dựng nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, trên cơ sở nắm bắt những mặt mạnh và mặt yếu của cơ chế thị trường, Đảng ta đã đưa ra những quan điểm chỉ đạo: “Để phát triển sức sản xuất, cần phát huy khả năng của mọi thành phần kinh tế, thừa nhận trên thực tế còn có bóc lột và sự phân hóa giàu nghèo nhất định trong xã hội, nhưng phải luôn quan tâm, bảo vệ lợi ích của người lao động, vừa khuyến khích làm giàu hợp pháp, chống làm giàu phi pháp, vừa coi trọng xóa đói, giảm nghèo, từng bước thực hiện công bằng xã hội, tiến tới làm cho mọi người, mọi nhà đều khá giả”.

Chú trọng đúng mức đến vấn đề đói nghèo trong xã hội, với nhãn quan chính trị nhạy bén và với trách nhiệm cao cả trước nhân dân, Đảng ta đã đưa ra những chương trình rộng lớn để tập trung giải quyết là “Chương trình về xóa đói, giảm nghèo”. Trên cơ sở đó, Nhà nước cũng đã có hàng chục chương trình cấp quốc gia và dự án đang được thực thi có nội dung gắn với xóa đói, giảm nghèo.

3. Một số luận điểm và chính sách cụ thể

Một là, xóa đói giảm nghèo vừa là nhiệm vụ cơ bản lâu dài, vừa là nhiệm vụ trọng tâm trước mắt.

Tính lâu dài của xóa đói giảm nghèo là do:

Thứ nhất, xóa đói giảm nghèo là nội dung, và nhiệm vụ cần thực hiện để bảo đảm công bằng xã hội. Thực tiễn cho thấy, có những nguyên nhân nảy sinh nghèo đói không phải do môi trường xã hội, không do điều kiện kinh tế - địa lý, mà do hoàn cảnh và đặc điểm của từng cá nhân, từng hộ gia đình. Những trường hợp này luôn có khả năng xuất hiện và việc xóa đói giảm nghèo mang tính thường trực.

Thứ hai, chủ trương của Đảng ta phát triển kinh tế nhiều thành phần là một định hướng chiến lược. Nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường luôn có xu hướng phân hóa hai cực giàu nghèo. Vì vậy, cùng với việc tăng cường sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa thường xuyên và liên tục, lâu dài, thì nhiệm vụ xóa đói giảm nghèo, nhất là giảm nghèo, cũng là vấn đề liên tục và lâu dài mới giải quyết được.

Thứ ba, dân giàu nước mạnh là mục tiêu cơ bản của chủ nghĩa xã hội. Thực hiện mục tiêu này là một quá trình phấn đấu gian khổ, lâu dài.

Xóa đói giảm nghèo vừa có tính cơ bản và cần thực hiện liên tục, lâu dài, lại là một công việc cần kíp, trước mắt, bởi vì sự nghiệp cách mạng và công cuộc đổi mới luôn đặt ra nhiệm vụ: mỗi bước phát triển kinh tế - xã hội là một bước cải thiện đời sống của nhân dân; bởi vì đây không chỉ là việc thực hiện truyền thống, đạo lý của dân tộc “thương người như thể thương thân”, mà còn là nhiệm vụ để bảo đảm ổn định xã hội, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc.

Hai là, tăng trưởng kinh tế là điều kiện giúp cho việc xóa đói giảm nghèo, nhưng đây là hai nhiệm vụ có tính độc lập tương đối và không phải là một.

Có người cho rằng, muốn xóa đói giảm nghèo trước hết phải đầu tư phát triển sản xuất để tăng trưởng kinh tế. Chỉ đến khi kinh tế đã phát triển đến giai đoạn nhất định sẽ hết đói nghèo, vì thế không nên đặt vấn đề xóa đói giảm nghèo là nhiệm vụ lâu dài và trọng yếu. Thực ra tăng trưởng kinh tế có ảnh hưởng đến việc giải quyết vấn đề nghèo đói, bởi vì nguyên nhân chính yếu của đói nghèo nói chung là do kinh tế chưa phát triển. Tuy nhiên, đói nghèo lại do nhiều nguyên nhân khác mang tính đặc thù. Vả lại trong điều kiện kinh tế nước ta hiện nay, chúng ta chấp nhận kinh tế nhiều thành phần cùng vận động, phát triển cũng là phải chấp nhận tình trạng phân hóa giàu nghèo tương đối. Vì vậy, xóa đói giảm nghèo không những là công việc cần thiết mà là nhiệm vụ cấp bách và quan trọng. Chúng ta xác định sự phân hóa giàu nghèo không thể tránh khỏi, nên cũng quyết tâm không để xảy ra tình trạng làm giàu vô tội vạ trên lưng người khác, cũng như tình trạng “kẻ ăn không hết, người lần không ra”, không thể để người nghèo bị bỏ rơi trước con mắt của cộng đồng.

Ba là, xóa đói giảm nghèo và thực hiện công bằng xã hội không có nghĩa là kìm hãm sự phát triển kinh tế, không có nghĩa là cào bằng.

Kinh nghiệm của chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và Đông Âu trước đây đã cho thấy, nếu đặt công bằng xã hội lên trên hết và tách rời với phát triển kinh tế thì trước hết dẫn tới sự triệt tiêu các động lực phát triển. Tuy nhiên, nếu đặt hiệu quả kinh tế là mục tiêu duy nhất thì sẽ làm tăng tình trạng phân hóa hai cực, làm tăng sự khốn khó đối với không ít quần chúng nhân dân. Bởi vậy, trong khi thực hiện bài toán phát triển đất nước, làm sao phải tạo mọi điều kiện và tăng nguồn lực cho sự phát triển, đồng thời hạn chế mặt tiêu cực của nó, đặt vấn đề xóa đói giảm nghèo thành công việc thường xuyên, liên tục.

Bốn là, xóa đói giảm nghèo là công việc của toàn xã hội.

Cần khẳng định một cách mạnh mẽ rằng, xóa đói giảm nghèo không dừng lại ở việc thực hiện chính sách xã hội, không phải việc riêng của ngành lao động - xã hội hay một số ngành khác, mà là nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, là nhiệm vụ chung của toàn Đảng, toàn dân. Muốn thực hiện thành công việc xóa đói giảm nghèo, tất cả mọi cán bộ đảng, chính quyền đều phải quan tâm cùng giải quyết, thực hiện các giải pháp một cách đồng bộ và phải có sự tham gia của toàn thể cộng đồng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên