Viện phí tăng- chất lượng có tăng?

Một mong muốn mà mọi người dân đều hướng tới là được hưởng một dịch vụ tương xứng, vừa đáp ứng thị trường, vừa bảo đảm an sinh xã hội

Chính phủ đã chấp thuận với chủ trương tăng giá viện phí mới do liên Bộ Y tế - Tài chính - Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất. Như vậy, tới đây khoảng 400 dịch vụ y tế sẽ được điều chỉnh tăng.

Đợt điều chỉnh này sẽ tập trung vào giá các dịch vụ y tế ban hành theo Thông tư liên bộ số 14/TTLB năm 1995 và một số dịch vụ ban hành năm 2006 của Bộ Y tế. Theo lý giải của Bộ Y tế, việc tăng viện phí ở thời điểm này là rất cấp bách, không thể chần chừ thêm được nữa. Bởi giá thu viện phí hiện nay quá thấp (khung giá đang thu ban hành từ năm 1995).

Theo đó, giá một lần khám bệnh sẽ nâng từ 3.000 đồng lên tối đa 20.000 đồng (bệnh viện hạng đặc biệt, bệnh viện hạng I) và giảm dần còn 15.000 đồng (bệnh viện hạng II), 10.000 đồng (bệnh viện hạng III), 7.000 đồng (bệnh viện hạng IV, bệnh viện chưa được phân hạng, Phòng khám đa khoa khu vực) và 5.000 đồng (ở trạm y tế xã, phường, thị trấn).

Chi phí một ca đỡ đẻ thường sẽ tăng từ 50.000 - 150.000 đồng hiện nay lên mức 480.000 - 525.000 đồng. Chi phí chạy thận nhân tạo cũng sẽ tăng lên mức 430.000 - 460.000 đồng, thay cho giá cũ là 150.000 - 300.000 đồng...

Đối với nhóm người nghèo, diện gia đình chính sách vẫn duy trì đồng chi trả chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Trong trường hợp mức đồng chi trả lớn, cần nghiên cứu để có biện pháp hỗ trợ của Nhà nước, giúp các nhóm này giảm bớt khó khăn. Đây là nhóm được cho là sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất từ việc tăng giá dịch vụ y tế lần này, do vậy Chính phủ đề nghị có thể hoàn lại một khoản kinh phí trong số 5% phí khám bệnh bảo hiểm mà họ phải chi trả.

Như vậy, việc tăng giá dịch vụ y tế là căn cứ trên cơ sở giá cả phù hợp thực tế, và vẫn tính đến yếu tố an sinh xã hội, bù đắp đối với người nghèo và yếm thế. Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra và được đông đảo dư luận xã hội quan tâm, là liệu giá dịch vụ y tế tăng, có đồng nghĩa với chất lượng phục vụ tăng? Nếu ai đã từng có người nhà phải vào bệnh viện, thì việc “quà cáp, phong bì” với bác sĩ, y tá, hộ lý là “chuyện thường ngày ở huyện”.  Hiện tượng “chia sẻ” giường bệnh giữa các bệnh nhân cũng trở thành quen mắt. Chưa kể, những chuyện hy hữu nhưng nay không còn hiếm hoi là những chuyện mổ “nhầm”, “để quên” dụng cụ y tế trong cơ thể bệnh nhân sau khi phẫu thuật trở thành chuyện cười ra nước mắt.

Khi mà giá cả thị trường tăng cao đối với mọi mặt hàng và dịch vụ của cuộc sống, thì dịch vụ y tế tăng giá cũng là lẽ đương nhiên. Tuy nhiên, một mong muốn mà mọi người dân đều hướng tới là được hưởng một sự phục vụ tương xứng, sao cho vừa đáp ứng được thị trường, nhưng vẫn bảo đảm yếu tố an sinh xã hội, xứng đáng với danh hiệu “Thầy thuốc như mẹ hiền”!/.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên