Việt Nam trong tuần: Giá xăng lập đỉnh mới

(VOV) - Nhiều sự kiện diễn ra trong tuần nhưng việc xăng tăng giá kỷ lục “nóng” bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống dân sinh.

Tổng Bí thư thăm và làm việc tại TPHCM và Đồng Nai

Trong chuyến công tác tại các tỉnh phía Nam, ngày 28-29/3, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm và làm việc tại Đồng Nai và thành phố Hồ Chí Minh kiểm tra tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.

TBT Nguyễn Phú Trọng làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM (ảnh: Vũ Duy) 

Tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy và cán bộ chủ chốt thành phố Hồ Chí Minh sáng 29/3, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị: “Từng đồng chí trong thường vụ, trong thành ủy nêu gương, tự sửa mình, gương mẫu thì mọi việc sẽ chuyển biến. Hàng tháng cần kiểm điểm phê bình, cuối năm kiểm điểm phê bình, lấy phiếu tín nhiệm trong thường vụ, trong thành ủy mình. Học tập tấm gương và phong cách Hồ Chí Minh”.

Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh, kiểm điểm tự phê bình và phê bình mới chỉ là 1 việc, là khâu đột phá trong công tác xây dựng Đảng. Cùng với việc này sẽ đồng thời triển khai các nhóm giải pháp khác đã nêu trong Nghị quyết Trung ương 4 về công tác cán bộ, hoàn thiện cơ chế, chính sách để ngăn ngừa và giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên.

Chủ tịch nước chủ trì phiên họp Ban Cải cách Tư pháp

Ngày 28/3, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương đã tổ chức Phiên họp lần thứ 10, nhằm góp ý vào báo cáo của ban chỉ đạo về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang - Trưởng Ban chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương chủ trì phiên họp.

Tại phiên họp, các đại biểu đã nghe Thường trực Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương trình bày dự thảo báo cáo góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Ảnh: Hoàng Dũng

Lắng nghe ý kiến đóng góp của các đại biểu vào dự thảo báo cáo của Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị các thành viên ban chỉ đạo trên cương vị công tác của mình cần tiếp tục cùng ban chỉ đạo và phối hợp với các cơ quan chức năng tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo báo cáo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Đồng thời, Chủ tịch nước đề nghị, Thường trực Ban Chỉ đạo tiếp thu trên tinh thần nghiêm túc, khoa học, tiếp tục hoàn thiện Báo cáo góp ý của ban chỉ đạo để gửi lên Ủy Ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 nhằm xây dựng được bản Hiến pháp đáp ứng được tâm nguyện của toàn đảng, toàn dân.

Đã có khoảng 15 triệu lượt ý kiến góp ý sửa đổi Hiến pháp

Ngày 25/3, tại Hà Nội diễn ra Hội thảo góp ý kiến dự thảo báo cáo của Chính phủ về kết quả lấy ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Ủy viên Bộ Chính trị - Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội thảo với sự tham dự của đại diện các Bộ, ngành và 12 tỉnh, thành phố phía Bắc.

Kết quả tổng hợp cho thấy, gần 3 tháng qua, các Bộ, ngành, địa phương trong cả nước đã tổ chức khoảng 28.000 hội thảo, hội nghị lấy ý kiến và tiếp nhận khoảng 15 triệu lượt ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về các nội dung của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

Riêng thông qua kênh Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ông Huỳnh Đảm, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết, sau gần 3 tháng triển khai, đã có khoảng 8 triệu ý kiến đóng góp.

Trả lời báo chí về kết quả của việc lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân đóng góp vào dự thảo Hiến pháp 1992, ông Huỳnh Đảm cho biết, các ý kiến của các tầng lớp nhân dân đóng góp rất toàn diện. Trong quá trình thảo luận có ý kiến khác nhau, nhưng hầu hết ý kiến nhân dân bày tỏ, thể hiện quan tâm và đồng tình với dự thảo sủa đổi Hiến pháp 1992 do Quốc hội công bố.

Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 3

Trong 2 ngày 28 và 29/3, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 3. Tại phiên họp này, ngoài việc thảo luận về tình hình kinh tế- xã hội tháng 3 và 3 tháng đầu năm, Chính phủ đã dành thời gian thảo luận chuyên đề về kết quả lấy ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương đối với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992  trước khi gửi đến Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp.

Ảnh: Chinhphu.vn

Liên quan đến việc điều hành giá cả, với việc tăng giá xăng ngày 28/3, Thủ tướng cho rằng, việc tăng như vậy là xuất phát từ thực tế: “Quỹ bình ổn giá đã hết, thâm hụt rồi. Nếu giữ giá thì phải lấy ngân sách ra bù. Do đó, chúng ta buộc phải tăng giá mà chưa phải tăng cao, chỉ sao cho phù hợp. Bây giờ chúng ta nhất trí điều hành giá theo thị trường. Các nước xung quanh ta giá xăng đều tăng nên mới có tình trạng buôn lậu qua biên giới Lào, Campuchia, Trung Quốc, Thái Lan”.

Tuy nhiên, kiềm chế lạm phát vẫn là mục tiêu ưu tiên hàng đầu. Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh theo dõi vấn đề giá cả bởi vừa qua, việc phối hợp giữa các bộ trong lĩnh vực này chưa tốt, gây phản ứng trong dư luận. Hiện còn 8 tỉnh, thành phố chưa tăng giá dịch vụ y tế, trong đó có TP HCM.

“Tăng giá xăng dầu là hợp lý”

Chiều 28/3, Liên Bộ Tài chính - Công Thương bất ngờ có công văn điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu kể từ 20h cùng ngày. Theo đó, giá xăng được điều chỉnh tăng tối đa 1.430 đồng/lít lên mức cao nhất từ trước đến nay 24.580 đồng/lít. Trong khi đó, dầu điêzen tăng tối đa 362 đồng/lít, dầu hỏa tăng 480 đồng/lít và dầu madut tăng 807 đồng/kg.

Xăng tăng giá kỷ lục trong lịch sử (ảnh: Thời báo CKVN)

Trả lời phỏng vấn trên VTV, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú cho biết: Việc điều hành giá xăng dầu cũng như giá tất cả các loại hàng hóa khác theo thị trường là định hướng một cách nhất quán của Đảng và Chính phủ. Trước mắt chúng ta giải quyết các vấn đề sau:

Thứ nhất, phải đưa trở lại thuế thông thường đối với sản phẩm xăng dầu. Chẳng hạn như hiện thuế đang là 12% đưa về mức 2% là mức thuế thông thường.

Thứ 2, đảm bảo trích Quỹ bình ổn giá làm sao cho không quá nhiều, cũng không quá ít để bình ổn vào thời điểm giá thế giới tăng.

Thứ 3, đảm bảo cho các chi phí phù hợp với các chi phí thực tế trên thị trường.

Trên cơ sở 3 yếu tố đó, chúng ta phải đưa được giá của chúng ta bằng với giá biến động giá trên thế giới”.

>> Chính phủ điều hành xăng dầu vì lợi ích chung của đất nước
>> Không lợi dụng giá xăng để tăng giá hàng hóa, dịch vụ khác

Khai trương trang thông tin điện tử UBND huyện Hoàng Sa

Chiều 29/3, UBND huyện đảo Hoàng Sa, thành phố Đà Nẵng, tổ chức lễ khai trương trang thông tin điện tử UBND huyện Hoàng Sa tại địa chỉ: www.hoangsa.danang.gov.vn. Trang thông tin này sẽ cập nhật đầy đủ những thông tin kinh tế chính trị, an ninh quốc phòng liên quan đến Hoàng Sa và Biển Đông, giới thiệu với bạn đọc vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, lịch sử chủ quyền của huyện đảo Hoàng Sa, thành phố Đà Nẵng.

Ảnh: Thanh Hà

Trang web đặc biệt ưu tiên đăng tải những thông tin về chứng cứ pháp lý, chủ quyền biển đảo của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, các luật pháp quốc tế. Đặc biệt, mục thư viện của trang thông tin điện tử này sẽ giới thiệu những tư liệu lịch sử, tư liệu cổ, bản đồ, các bài viết, hình ảnh xác lập chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, hình ảnh hoạt động của UBND huyện đảo Hoàng Sa.

Lào Cai tan hoang do mưa đá

Khoảng 0h ngày 26/3, trên địa bàn ba huyện: Mường Khương, Si Ma Cai và Bắc Hà tỉnh Lào Cai xảy ra trận mưa đá lớn. Ước tính, tổng thiệt hại về vật chất khoảng 70 tỷ đồng và hàng chục người bị thương.

Huyện bị thiệt hại nhiều nhất là Mường Khương, với hơn 3.200 hộ dân và nhiều trường học, công sở bị hư hỏng toàn bộ mái nhà, kể cả mái pro xi măng và mái tôn.

Mưa đá gây thiệt hại nặng nề cho bà con ở Mường Khương (Ảnh: ANTĐ)


Tiếp đó, đêm 28 và rạng sáng 29/3, một cơn lốc mạnh và mưa đá lại xảy ra tại thị trấn Phố Ràng và các xã Long Phúc, Yên Sơn, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai làm một người bị thương và gây thiệt hại nặng về tài sản, mùa màng.

Thiệt hại do mưa đá đã ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của hàng chục nghìn gia đình lại ở 3 huyện nằm trong 62 huyện nghèo nhất nước. Chính vì vậy, ngoài sự nỗ lực của chính quyền địa phương thì rất cần sự ủng hộ của cả cộng đồng.

>> Lào Cai tiếp tục mưa đá, một người bị thương
>> Huy động quân đội, công an hỗ trợ bà con bị dông lốc, mưa đá

Tuyên dương 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2012

Nhân kỷ niệm 82 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, tối 25/3, tại Hà Nội, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức trao giải thưởng 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu và 82 Bí thư Đoàn cơ sở xuất sắc.

Phát biểu tại buổi lễ, anh Nguyễn Đắc Vinh, Bí thư thứ Nhất Trung ương Đoàn cho biết: “Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trông cậy và tin tưởng mỗi bạn sẽ là những đại sứ truyền đi thông điệp của tinh thần hành động, truyền đi thông điệp của khát vọng và cống hiến đến đông đảo các bạn trẻ, làm được điều đó chi đoàn sẽ mạnh lên, sức thu hút hấp dẫn của đoàn với các bạn trẻ sẽ cao hơn, đoàn viên sẽ trưởng thành và đóng góp được nhiều hơn”.

Nhân dịp này, tại các địa phương trong cả nước cũng diễn ra nhiều hoạt động thiết thực chào mừng, đặc biệt, lãnh đạo một số tỉnh, thành đã tổ chức đối thoại với thanh niên.


Công bố danh sách ứng cử viên chức Chủ tịch VFF

Chiều 28/3, tại Hà Nội, Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) đã tổ chức cuộc họp của Ban chấp hành về việc chuẩn bị nhân sự cho đại hội VFF khóa 7 sẽ diễn ra trong tháng 6 tới.  Vấn đề nóng được đặt ra trong cuộc họp đó là vị trí tân chủ tịch VFF nhiệm kì tới. Về cách thức bầu cử, Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ cho biết trước hết sẽ bầu Ban chấp hành cho nhiệm kì mới.

Sau đó, các vị trí trong Ban chấp hành sẽ tiến hành bỏ phiếu để bầu ra tân Chủ tịch và Phó chủ tịch trong danh sách đề cử. Dự kiến, đại hội VFF khóa 7 sẽ diễn ra vào ngày 5/6.

VFF công bố danh sách ứng cử thay ông Nguyễn Trọng Hỷ (trái) ngồi ghế Chủ tịch VFF (ảnh: Trọng Phú)

Tại cuộc họp, danh sách đề cử cho chức Chủ tịch VFF đã được công bố gồm 8 người, trong đó có cả ông Nguyễn Bá Thanh, Trưởng Ban Nội chính TW. Tuy nhiên, ngay sau đó Chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ cũng khẳng định ông Nguyễn Bá Thanh sẽ không tham gia tranh cử: “Anh Thanh nói với tôi rằng có quá nhiều việc bận nên xin thôi.”

Một số người khác trong danh sách đề cử cũng đã xin rút, do vậy, hai gương mặt sáng giá nhất cho chiếc ghế tân Chủ tịch VFF vẫn là ông Lê Hùng Dũng và ông Phạm Văn Tuấn./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên